Chung cư giá rẻ vẫn tăng giá
Mặc dù thị trường bất động sản đã mất đi nhịp độ sôi động từ đầu năm đến nay, nhưng phân khúc căn hộ chung cư có giá vừa túi tiền của những người có thu nhập trung bình lại đang cho thấy điều ngược lại.
Giao dịch trong phân khúc này vẫn nhộn nhịp trên thị trường thứ cấp, thậm chí ngay cả lúc thị trường đối diện với dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp thì căn hộ giá rẻ vẫn là dòng sản phẩm vượt bão tốt nhất.
Trong vai người đi mua nhà, PV tìm hiểu một dự án căn hộ ngay sau lưng chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, TP.HCM. Căn hộ có diện tích 61m2 tại đây đang được rao bán với giá gần 1,5 tỷ đồng. So với đợt đầu tiên, mức giá này đã chênh 300 triệu đồng vì dự án đã hoàn thiện, đang bàn giao nhà.
Một nhân viên môi giới cho biết, dù có giá chênh vài trăm triệu, nhưng vì dự án đã hoàn thành nên hầu hết các căn hộ do khách gửi bán đều có người mua.
“Thị trường khan hiếm nguồn cung, dự án mới ra hàng không nhiều, trong khi nhu cầu nhà ở tăng mạnh nên đa số người mua để ở chủ động về tài chính đều quyết định xuống tiền vì có cơ hội tốt mua để ở”, vị môi giới này cho biết.
Tương tự, tại một dự án khác ở Bình Dương, đoạn gần Suối Tiên, giá căn hộ lúc mở bán lần đầu chỉ gần 800 triệu đồng, nay đã lên đến hơn 1 tỷ đồng tùy vị trí và diện tích.
Thanh Lan, một môi giới đang bán dự án này trên thị trường thứ cấp cho biết, đa số các nhà đầu tư bán ở thời điểm này đều chốt lời mỗi căn từ 200 - 300 triệu đồng hoặc hơn nếu căn hộ có view đẹp. Cá biệt chỉ có vài trường hợp kẹt vốn hoặc không đủ tiền để đóng thêm khi nhận bàn giao nhà mới quyết định rao bán với giá “mềm” hơn một chút để thoát hàng nhanh.
Không chỉ tại hai dự án nói trên, theo khảo sát, giá rao bán căn hộ chung cư có giá dưới 2 tỷ đồng, đặc biệt khoảng 1,5 tỷ đồng trở xuống giá đều tăng so với thời điểm trước đây. Một số dự án có vị trí đẹp, số lượng căn hộ không nhiều giá có thể tăng lên đến 30 - 40%.
Tăng do nhu cầu lớn
Theo giới chuyên gia, dù thị trường bất động sản đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như bao nhiêu ngành nghề khác, thế nhưng sự khác biệt của thị trường hiện nay so với các lần khủng hoảng trước đây là không bị bán tháo hay giảm giá mạnh. Nguyên nhân chính là do thị trường khan hiếm nguồn cung.
Theo số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam, quý I/2020, lượng căn hộ bán tại TP.HCM chỉ đạt 1.980 căn, thấp hơn một nửa so với số liệu ghi nhận vào thời điểm quý IV/2019 và cũng là mức thấp nhất kể từ quý II/2017.
Hầu hết giao dịch trong quý được ghi nhận tại các dự án đã có hoạt động tiền mở bán từ trước khi có dịch và là những dự án đã có thể ký hợp đồng mua bán trong quý. Trong đó, phân khúc bình dân và trung cấp tiếp tục dẫn đầu, chiếm 80% tổng lượng bán, phần lớn phục vụ cho nhu cầu ở thực.
Nguồn cung vốn dĩ đã khan hiếm vì các vấn đề pháp lý, giờ càng khan hiếm hơn do dịch bùng phát. Các sự kiện tiền mở bán phải hoãn lại khiến nguồn cung căn hộ chỉ đạt khoảng 2.256 căn, mức thấp nhất từ năm 2014. Số lượng tiền mở bán cũng bị chậm lại với khoảng 70% bị hoãn lại do dịch bùng phát.
Trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết, nguyên nhân khiến căn hộ tầm 1,5 tỷ đồng không giảm sâu là bởi dù có đại dịch Covid-19 hay không thì phân khúc này đều có nguồn cầu nhiều hơn cung.
“Đối tượng mua căn hộ 1,5 tỷ đồng đa phần là người mua để ở hoặc mua để cho thuê và không có ý định bán lại. Trong khi nguồn cung mới ở phân khúc căn hộ tầm 1,5 tỷ đồng ở TP.HCM hiện tại rất ít, hầu như không có nữa vì giá căn hộ TP.HCM tăng quá nhanh, phổ biến hơn 2 tỷ đồng” ông Hiển nhận định.
Theo ông Hiển, với người lao động có thu nhập trung bình phải vay ngân hàng để trả góp thì giá căn hộ hơn 2 tỷ đồng đã quá tầm với. Do đó, việc căn hộ tầm 1,5 tỷ đồng hút khách là điều dễ hiểu.
Cũng theo chuyên gia này, dù phân khúc căn hộ trung bình giá không giảm nhưng với các bất động sản khác như căn hộ trung cao cấp có giá trị cao và nhà phố chắc chắn sẽ chịu áp lực giảm giá không chỉ trong mùa dịch Covid-19 mà trong cả năm 2020.