Aa

Căn hộ vừa túi tiền tăng giá, giới đầu tư tháo chạy khỏi Đà Nẵng

Thứ Tư, 01/05/2019 - 14:01

Căn hộ vừa túi tiền tăng giá, giới đầu tư tháo chạy khỏi Đà Nẵng; Bất động sản công nghiệp: Nhiều tiềm năng nhưng cũng cần cẩn trọng... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

Căn hộ vừa túi tiền tăng giá, giới đầu tư tháo chạy khỏi Đà Nẵng

Khan hiếm sản phẩm mới nên phân khúc chung cư ghi nhận hiện tượng tăng giá của những căn hộ tầm 1 tỷ đồng. Trong khi đó, một số thị trường đất nền nóng bỏng như Đà Nẵng, Phú Quốc chứng kiến cuộc tháo chạy của giới đầu tư.

Đà Nẵng là một trong những điểm nóng của thị trường đất nền đầu năm. Đến hết tháng 3, cơn sốt đất ở Đà Nẵng diễn biến vô cùng phức tạp với các thông tin giả mạo về quy hoạch, về dự án nhằm đẩy sóng thị trường. Điểm nóng của Đà nẵng là khu vực Tây Bắc, Xuân Thiều (quận Liên Chiểu), Tân Trà (quận Ngũ Hành Sơn), Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ)…

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Tại khu Tây Bắc, giá đất nền dự án Golden Hills tăng từ 28-30 triệu đồng/m2 lên 34-37 triệu đồng/m2 chỉ trong khoảng 2 tháng. Giá đất khu Tân Trà (Hòa Hải, Ngũ Hành Sơn) tăng từ 25-42 triệu đồng/m2 lên mức 35-50 triệu đồng/m2…

Ngay khi chính quyền Đà Nẵng vào cuộc, cơn sốt này đã hạ nhiệt. Đến thời điểm hiện tại, khu vực Tây Bắc, Xuân Thiều (quận Liên Chiểu) giảm xuống còn 27-30 triệu đồng/m2, giá đất khu Tân Trù (Hòa Hải, Ngũ Hành Sơn) giảm xuống còn 30-40 triệu đồng/m2 nhưng đều không có người hỏi mua. Giới đầu tư đã đồng loạt rút khỏi thị trường này.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Bất động sản công nghiệp: Nhiều tiềm năng nhưng cũng cần cẩn trọng

Những năm trở lại đây, bất động sản công nghiệp đã vươn lên trở thành một trong những phân khúc đầy hấp dẫn với các con số thể hiện sự tăng trưởng mạnh mẽ. Theo thống kê, Việt Nam hiện đang có gần 95.000 ha đất khu công nghiệp (KCN), trong đó 80.000ha đã được xây dựng. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong KCN đạt khoảng 200,6 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong KCN đạt 127,7 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 52,4% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Đóng góp của ngành công nghiệp vào ngân sách nhà nước đạt hơn 85,7 nghìn tỷ đồng và tạo việc làm cho 3,3 triệu lao động. Tại các KCN, nhiều tập đoàn lớn nước ngoài đã xuất hiện như Samsung, Fujitsu, Canon, Bosch, Intel, Foxcom, LG…

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, sức hấp dẫn của bất động sản công nghiệp tại Việt Nam đang ở ngưỡng cao hơn mức trung bình của khu vực. Trong thời gian tới, phân khúc này sẽ còn tiếp tục có nhiều dư địa phát triển nhờ các yếu tố như chi phí lao động thấp, giá thuê đất hợp lý, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi. Ngoài ra, việc Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại cũng mở ra nhiều cơ hội cho bất động sản công nghiệp khi thu hút được các nguồn lực bên ngoài tới. Chưa kể, vị trí của các KCN có xu hướng gần các nguồn tài nguyên và thị trường đích.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Sốt đất dưới con mắt của nhà đầu tư: Thật hay là ảo?

Khi thị trường bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu như: sự đổ bộ của các môi giới, nhà đầu tư về một địa phương; giá đất nền bắt đầu gia tăng, hoạt động mua bán bắt đầu diễn ra mạnh mẽ… thì hiện tượng “sốt đất” lại được gọi tên.

Một câu chuyện vẫn đang diễn ra, lặp đi lặp lại, đó là mỗi năm 1 - 2 lần, vào thời điểm sau Tết hoặc rơi vào giai đoạn quý III hoặc IV, thị trường thường diễn ra những cơn sốt đất nền cục bộ. Những thông tin đăng tải của truyền thông về khu vực sốt đất với rất nhiều hình ảnh như kiếm tiền trăm triệu, tiền tỷ từ mỗi đợt giao dịch… càng đẩy thị trường trở thành “điểm nóng”. Và khi ấy, dư luận lại bắt đầu bàn về hiện tượng “sốt đất”.

Điển hình như giai đoạn quý I/2019, thị trường bất động sản tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Nhơn Trạch (Đồng Nai), Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam… được nhận định đã có sự tăng giá đất giá đột biến. “Người người đi mua đất, nhà nhà đi bán đất” đã tạo nên cơn sốt đất.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Hiện tượng “lạ” trên thị trường bất động sản Long Thành (Đồng Nai)

Theo ví von của những người trong ngành, hiện tại đất nền Long Thành (Đồng Nai) giống như thỏi nam châm đang hút mạnh nhà đầu tư ở TP.HCM cũng như các khu vực lân cận đổ về. Câu chuyện về hạ tầng, môi trường kinh tế đang trên đà phát triển, dự án sân bay Long Thành sắp khởi công được xem là những chất xúc tác mạnh mẽ tạo nên sức hấp lực riêng cho thị trường nơi đây.

Thực tế, đầu năm 2017, trước thông tin quy hoạch, xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, đất nền Long Thành đã trở thành tâm điểm thu hút giới đầu tư BĐS bỏ tiền vào. Thời điểm đó, nhiều dự án rao bán, giao dịch tăng cao, người dân Tp.HCM tập trung về đây để gom đất. Đến khoảng giữa năm 2017, thị trường nơi đây hạ nhiệt phần nào do chính quyền vào cuộc cảnh báo cơn sốt đất. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, dòng tiền của người mua BĐS vẫn âm thầm đổ vào đất nền Long Thành, đặc biệt, ở các dự án đã có pháp lý hoàn chỉnh, hạ tầng đang dần hoàn thiện. Đến thời điểm hiện tại cả người mua ở thực lẫn NĐT đang tấn công thị trường nơi đây bởi những lợi thế dần rõ nét.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Kết nối giao thông Đồng bằng sông Cửu Long: Một nhiệm vụ cần thiết

Tháng 5 sắp tới, cầu Cao Lãnh (thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) nối hai bờ sông Tiền sẽ tròn một năm chính thức đi vào hoạt động. Cầu được xây dựng nhờ sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Úc, và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), là một phần của Dự án kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (CMDCP). Mục tiêu chính của CMDCP kết nối giữa TP.HCM và khu vực miền Tây Nam Bộ thông qua hệ thống đường cao tốc và cầu dây văng (gồm cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống).

Một năm không phải là khoảng thời gian quá dài, nhưng cũng đủ để có thể nhận định rằng cầu Cao Lãnh đã tạo ra sự thay đổi với địa phương. Trước đây, người dân phải chờ hơn một tiếng để lên phà, chưa kể đến những ngày sóng to gió lớn làm phà không rời bến được. Bây giờ, khoảng cách lưu thông giữa An Giang, Kiên Giang và TP.HCM đi qua cầu Cao Lãnh rút ngắn được 20km và tiết kiệm được thời gian (gần 2 tiếng) di chuyển so với khi chưa có cầu. Thành phố Cao Lãnh nhờ thế mà trở thành một điểm trung chuyển lớn trên trục kinh tế TP.HCM – Tây Nam Bộ, đem lại lợi ích kinh tế đáng kể cho doanh nghiệp và người dân địa phương.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top