Ngày xưa đất rộng người thưa, cái sẵn có chỉ là đất. Khí hậu khắc nghiệt, mưa gió, nắng nôi, rét lạnh, lại nghèo, thì phải nương vào hoàn cảnh mà tạo dựng ra ngôi nhà thôi, sao cho phù hợp với giời, và cả với cái nghề nông.
Cho nên cái nhà ở quê của các cụ ta xưa rộng rãi, cây cối bao bọc, cái nhà mở ra và gắn bó với thiên nhiên. Bị điều kiện tự nhiên chi phối, ngôi nhà phải có giải pháp thích ứng với nó, để ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Phải kín gió, che mưa, nhưng cũng lại phải thông thoáng, mát mẻ. Thế là có cái hàng hiên, cái dại trước nhà, có cái liếp che cửa nâng lên hạ xuống. Không khí nóng ẩm nên giường ngủ, ghế bàn thường đóng cao. Để cách biệt giữa trong và ngoài, ngôi nhà luôn có không gian đệm, là cái hiên nhà để ngăn nắng, cản mưa.
Cần trữ nước mưa phải có cái chum đựng nước, trồng giàn mướp vừa lấy quả, vừa cho bóng mát, vậy là có một tiểu cảnh đẹp như tranh, dưới giàn cây leo, có cái chum nước, có con mèo vuốt râu bên cái chõng tre, hay một cái rào giậu hững hờ chỉ mang tính ước lệ, cứ thế, một không gian sống theo cách nói bây giờ là “đầy lãng mạn”, tự nhiên hình thành. Bảo là “thấm đậm tình yêu thiên nhiên” cho đẹp truyền thống thôi, chứ do giời đất cả. Nhưng đấy là một đặc tính của một bản sắc, bắt nguồn từ điều kiện tự nhiên, từ hoàn cảnh xã hội, mà ra lối sống, cách tạo lập chỗ ăn ở.
Với nghề nông thì trong nhà những thứ quan trọng mà người nông dân phải để là công cụ lao động và nông sản. Cầy, bừa, liềm hái, bồ thóc, thúng mủng, quang gánh, cối xay, chày giã gạo. Kế đến là những thứ đồ đạc phục vụ đời sống sinh hoạt và tâm linh. Dưới bếp có chạn bát đĩa, giá để nồi niêu, đòn treo quang gánh, rổ rá, giần sàng. Nhà trên có bàn thờ, phản, chõng đơn giản bằng tre, gỗ. Từ sự nghèo khổ, lại thường xuyên phải đối phó với thiên tai, mất mùa, nên đã hình thành một thói quen, một tâm lý “tích cốc phòng cơ”. Tâm lý đó tạo nên một đặc tính trong ngôi nhà người Việt, là nhiều đồ đạc (cũng giống nhà của người Hoa). Đặc tính đó lưu truyền cho đến nay.
Nhu cầu trang trí nội thất của dân quê đơn sơ như cuộc sống của họ. Nặng về tính sử dụng nhiều hơn là trang trí. Chỉ là mấy bức tranh dân gian vẽ gà lợn trên tường treo vào dịp Tết. “Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột/ Om sòm trên vách bức tranh gà” như Tú Xương miêu tả. Chính hình dáng mộc mạc, chất liệu tự nhiên tre, gỗ, đất, đá, gốm, sành của những vật dụng như cối xay thóc, chày giã gạo, cối đá, chum vại… lại là những vật tự thân có tính thẩm mỹ. Cái đẹp tự nhiên từ điều kiện sống mà thành. Bây giờ nhiều nội thất sang trọng cũng lại lấy chính những vật dụng “nhà quê” ấy để làm duyên.
Cách đây hơn 30 năm, vào cái thời ở nông thôn bắt đầu có những căn nhà xây mới mọc lên, kiểu nhà tầng tô trát lòe loẹt, trong khi cái không gian bên trong rất luộm thuộm, thiếu hợp lý, một thứ “chủ nghĩa hình thức bình dân” ra đời. Một kiến trúc sư lão thành, KTS. Tạ Mỹ Duật đã thiết kế và tổ chức triển lãm trưng bày một số mẫu nhà, trong đó có cả những mẫu nhà trong kháng chiến cho người tản cư và nhà ở nông thôn mới. Nhà tản cư là những ngôi nhà có thể tháo dỡ bó lại mang đi khi chạy giặc ở nhiều vùng Việt Bắc, người dân tản cư, hay cán bộ kháng chiến thường phải di chuyển mỗi lúc có càn. Hành trang ngoài tay nải, gồng gánh áo quần, lương thực, đôi lúc có cả những “bó nhà” được đóng gói lại mang theo.
Nhà nông thôn mới là những mẫu nhà trong đó ông đã thiết kế một không gian sống giản dị, bám vào thực tiễn đời sống nông thôn lúc đó, nhưng xếp đặt gọn gàng hợp lý và văn minh hơn. Dù một tầng hay có gác, gác lửng thì luôn có hiên, có ghế ngồi chơi ngoài hiên, trong nhà có các không gian chức năng như tiếp khách, bàn học, giường nằm, tủ áo, gác lửng cất thóc lúa, kho đồ vật... tất cả được xắp xếp gọn gàng, đầy đủ, đúng nếp sống của người nông dân lúc bấy giờ. Giường nằm, hiên chơi được đặt nơi đúng hướng gió đông nam. Thực ra để thay đổi được cái tâm lý rất nhiều hạn chế của người “dân quê có điều kiện” lúc đó không dễ, nhưng ông đã làm với một tâm nguyện là đưa ra những gợi ý, hướng họ vào những gì thiết thực, tiên lợi, tránh lãng phí.
***
Kiến trúc có là thơ, hay nhạc? Không, kiến trúc là một vật thể chở che, đùm bọc con người.
Nhưng kiến trúc là một vật thể có khả năng gây xúc động, cho dù không sống trong đó, người ta vẫn có thể cảm nhận nó, để bùi ngùi xúc động. Những ngôi “nhà quê” là một thực thể kiến trúc như vậy. Chỉ mong sao bây giờ, với những gì ít ỏi còn sót lại ở những vùng quê xa, chúng không chỉ như những tư liệu hay hình ảnh mang tính quảng bá du lịch, mà nó có thể đánh động đến tâm can, tình cảm và thấm vào lương tâm con người, để có thể tạo ra một tinh thần nhân văn mới cho những ngôi nhà hôm nay.
Nhất là trước một hiện trạng bây giờ biết bao nhiêu người dân quê mới, người quê ra thành thị có tiền trở về mang theo nhà tây, biệt phủ về làng như một niềm tự hào, hãnh diện của thành đạt và “văn minh”.