Aa

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: “Nhà thầu xây dựng đang rơi vào tình trạng nợ vòng quanh”

Nguyễn Thương
Nguyễn Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Chủ Nhật, 14/05/2023 - 10:11

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, các nhà thầu xây dựng hiện nay đều trong tình trạng nợ vòng quanh, chủ đầu tư nợ nhà thầu chính, nhà thầu chính nợ nhà thầu phụ...

Nhà thầu xây dựng nợ vòng quanh

Phát biểu tại sự kiện nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải thương mại Việt Nam 2023, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) đã thẳng thắn bày tỏ những khó khăn mà cộng đồng nhà thầu xây dựng trong nước đang gặp phải. 

Theo ông Hiệp, các nhà thầu xây dựng Việt Nam hiện nay đang rơi vào hoàn cảnh khó chồng khó khi hành lang pháp lý cho các nhà thầu rất "mỏng manh", nhiều lỗ hổng. Cùng với đó, tình trạng nợ đọng kéo dài đang diễn ra phổ biến, đặc biệt là tình trạng nợ vòng quanh như: Chủ đầu tư nợ nhà thầu chính, nhà thầu chính nợ nhà thầu phụ, nhà thầu nợ nhà cung cấp…

"Thực tế này đã khiến thị trường Việt Nam như một mớ bòng bong", ông Hiệp nhìn nhận. 

Chia sẻ cụ thể hơn vấn đề nợ đọng, ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Kỹ thuật công trình Việt Nam cho biết, nợ đọng đang là tình trạng phổ biến của hầu hết các nhà thầu. Dù chưa có thống kê chính thức tình trạng nợ đọng xây dựng nhưng thực tế là các nhà thầu đã từng hoặc đang tồn tại các khoản nợ khó đòi, phải trích dự phòng nợ xấu.

"Doanh nghiệp chúng tôi có vốn điều lệ là 100 tỷ đồng, song công nợ mà các chủ đầu tư nợ chúng tôi đã lên đến 200 tỷ đồng. Từ một công dân bình thường thì giờ chúng tôi đã trở thành những chủ nợ với các tài sản đảm bảo là các căn hộ, condotel… không biết bao giờ mới hoàn thiện", ông Minh nói.  

Ông Lê Hồng Minh
Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Kỹ thuật công trình Việt Nam. (Ảnh: Minh Quân)

Theo ông Minh, nhiều dự án bất động sản dù đã hoàn thiện và bán hết sản phẩm, chủ đầu tư đã thu đủ tiền, thậm chí lãi lớn và lấy tiền đi đầu tư dự án khác nhưng vẫn không trả tiền cho nhà thầu. Chính thực tế này đã khiến nhiều nhà thầu xây dựng rơi vào tình trạng khó khăn tài chính, phải thu hẹp phạm vi cung cấp, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội của nhân viên, nghiêm trọng hơn là giải thể, phá sản. 

Tại sự kiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam Dương Văn Cận cũng cho biết, có gói thầu nợ đọng tới gần 20% sau 7 năm công trình đưa vào khai thác sử dụng vẫn chưa được thanh toán. 

Theo Luật Đấu thầu, quá trình lựa chọn nhà thầu và thực hiện gói thầu, nhà thầu phải có 4 lần bảo lãnh rất chặt chẽ (bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh hợp đồng, bảo lãnh thanh toán và bảo lãnh tạm ứng) nhưng không có một chế tài nào với chủ đầu tư, vốn đảm bảo thanh toán cho nhà thầu thì không được chủ đầu tư đảm bảo (kể cả trong quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư tại Điều 80 của luật dự thảo này) nên dẫn đến tình trạng không có vốn thanh toán cho nhà thầu. 

Dương Văn Cận
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam Dương Văn Cận. (Ảnh: Minh Quân)

Vì vậy, để giải quyết vấn đề này, Phó Chủ tịch VACC đề nghị bổ sung vào Luật Đấu thầu cơ chế bảo lãnh thanh toán của chủ đầu tư. Cụ thể, khi thực hiện xong 60 - 65% giá trị khối lượng gói thầu thì chủ đầu tư phải cam kết thực hiện bảo lãnh để đảm bảo đủ vốn thanh toán cho gói thầu. Mức bảo lãnh là số tiền còn phải thanh toán giá trị khối lượng còn lại của gói thầu.

Hợp đồng xây dựng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà thầu

Bên cạnh vấn đề nợ đọng, những rủi ro pháp lý trong các hợp động xây dựng cũng là nguyên nhân đang gây ra nhiều khó khăn cho các nhà thầu hiện nay. 

Theo ông Nguyễn Khắc Hải, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần XNK và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), hợp đồng xây dựng (HĐXD) là hợp đồng dân sự được thỏa thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu để thực hiện một phần hay toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng. Tính đặc thù HĐXD còn thể hiện ở tính đặc thù của sản phẩm xây dựng. Mỗi công trình đều có điểm riêng nhất định. Ngay trong một công trình, thiết kế, kiểu cách, kết cấu các cấu phần cũng không hoàn toàn giống nhau. Giá thành của sản phẩm xây dựng cơ bản rất phức tạp và thường xuyên thay đổi theo từng giai đoạn.

Do những tính chất đặc thù này mà hoạt động đầu tư xây dựng chịu nhiều rủi ro, dẫn đến các tranh chấp dễ xảy ra. Đơn cử như tranh chấp liên quan đến thiết kế; các yêu cầu bồi thường thiệt hại do công trình xây dựng bị chậm trễ, không bảo đảm chất lượng; bồi thường trong việc đơn phương chấm dứt hợp đồng thi công xây dựng; yêu cầu liên quan đến bảo hiểm công trình; yêu cầu liên quan đến bảo hành công trình; chậm trễ thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng…

Dương Khắc Hải
ông Nguyễn Khắc Hải, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần XNK và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex). (Ảnh: Minh Quân)

Đại diện Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, ông Khương Tất Thắng cũng phát biểu: "Các nhà thầu thường xảy ra mâu thuẫn, phát sinh tranh chấp với chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng, giá thành nhưng chủ yếu liên quan đến công tác thanh toán. Tuy nhiên, một điểm chung của các loại tranh chấp trong hoạt động xây dựng thường phức tạp, kéo dài và không lường hết được". 

Trước thực tế này, tại sự kiện, các doanh nghiệp nhà thầu đều mong muốn cơ quan nhà nước có những biện pháp phòng ngừa rủi ro tranh chấp trong hợp đồng xây dựng. Đơn cử như nâng cao chất lượng soạn thảo hợp đồng, cố gắng lường hết các phát sinh, tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng; sử dụng các từ ngữ rõ ràng, đơn nghĩa để tránh việc các bên lợi dụng để phạt vi phạm hợp đồng.

Các quy định thiếu rõ ràng, không lường trước được hoặc cách hiểu của các bên trong hợp đồng có mẫu thuẫn thì phải đàm phán thống nhất và làm rõ, điều chỉnh bằng các phụ lục hợp đồng, tránh hoàn thành công trình mới xem xét gây ra tranh chấp khó xác định.

Ngoài ra, doanh nghiệp nhà thầu mong muốn xây dựng văn hóa ngang bằng giữa các chủ thể hợp đồng bằng việc loại bỏ văn hóa chủ đầu tư "cao hơn" nhà thầu./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top