Aa

Nhà văn có tiếng đàn môi

Thứ Sáu, 11/06/2021 - 07:00

Viết về Đỗ Bích Thúy lúc này, tự nhiên tôi nghe văng vẳng tiếng đàn môi đang cất lên từ trang sách của chị vi vút giữa cuộc đời sau bờ rào đá, giữa mây ngàn, núi thẳm. Và tôi yêu tiếng đàn môi của Đỗ Bích Thúy.

Xin được nói ngay, đó là nhà văn Đỗ Bích Thúy. Một tên tuổi văn chương gắn liền với những sáng tác miền núi, đặc biệt là những tác phẩm viết về người Mông ở vùng núi cao phía Bắc. Tiếng đàn môi gắn với tít bài này cũng gợi đến một truyện ngắn nổi tiếng của chị làm xôn xao văn đàn và khuấy động điện ảnh. Đó là truyện ngắn “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” được đạo diễn Ngô Quang Hải tựa vào để làm nên phim “Chuyện của Pao” đình đám.

Tôi biết đến Đỗ Bích Thúy từ chùm truyện ngắn đoạt giải Nhất cuộc thi Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1998 - 1999. Không hiểu sao tờ tạp chí nhà binh này luôn có duyên với những tác giả nữ như Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban... Họ tài năng đã đành, còn xinh đẹp và cực sắc sảo. Nói thế có thể Đỗ Bích Thúy sẽ giãy nảy: "Sắc sảo gì em, ngố lắm anh ạ!". Chuyện ngố nói cho vui chứ đã là nhà văn, kể cả nam lẫn nữ, tôi tuyệt chưa thấy một ai ngù ngờ mà đều sắc cạnh, cá tính hắt lên. 

Ngày Đỗ Bích Thúy trình làng văn chùm truyện đầu tay và ăn ngay giải Nhất có thể nói là một sự kiện. Giải thưởng Văn nghệ Quân đội là một giải thưởng uy tín. Ai đoạt giải cao ở đây ít người bỏ cuộc văn chương. Họ đều coi giải thưởng như một cú hích để dấn thân vào con đường chữ nghĩa nhọc nhằn nhưng cũng đầy vui thú. Nói vui thú để tránh cái từ “vinh quang” giờ đã trở nên cũ kỹ sáo mòn và không chút thực chất. Tại sao giải thưởng của Đỗ Bích Thúy lại là một sự kiện? Chưa hẳn là lúc đoạt giải Đỗ Bích Thúy còn rất trẻ mới tốt nghiệp đại học được vài năm. Tôi nghe phong thanh là giải thưởng đã hòm hòm cả rồi thì nữ tác giả miền núi này mới gửi truyện đến. Nghĩa là gửi rất muộn mằn sát sàn sạt hạn kết thúc nộp quyển. Thế nhưng chùm truyện gửi muộn đã làm đảo lộn tất cả và giải Nhất xứng đáng này không chỉ làm xáo trộn giải thưởng mà còn thay đổi cả số phận tác giả.  

Nhà văn Đỗ Bích Thúy. (Ảnh sưu tầm)

Đỗ Bích Thúy sinh sống ở Hà Giang và trưởng thành ở môi trường miền núi, dù chị không phải là người dân tộc. Phàm những người gắn bó với miền núi thì văn của họ bao giờ cũng khoáng đạt và nhuần nhị, tự nhiên như cỏ cây, rừng núi, đọc rất sướng, rất đã. 

Độc giả Việt Nam quen đọc, quen hiểu về miền núi qua những nhà văn thành danh lớp trước như Tô Hoài, Nguyễn Thành Long, Ma Văn Kháng, sau này là Nguyễn Huy Thiệp và một số nhà văn khác... Tác phẩm của họ đương nhiên là hay nhưng cũng phải công nhận sau sự mê mẩn lạ lẫm về một vùng đất đai kỳ thú, về những câu chuyện vô tiền khoáng hậu, thì ít nhiều ta cũng nhận ra ngôn ngữ của cái tang người miền xuôi viết về miền núi.

Chủ quan của tôi đến Đỗ Bích Thúy thì khác. Phong tục tập quán trong truyện của Đỗ Bích Thúy được miêu tả kỹ lưỡng đến đường tơ kẽ tóc. Đặc biệt là ngôn ngữ. Lối nói miền núi, nhất là với người Mông, được nữ nhà văn khai thác triệt để. Tôi cũng là người đi miền núi nhiều, đến với nhiều vùng người Mông sinh sống, tiếp xúc với không ít người của dân tộc độc đáo này, thế nên khi đọc Đỗ Bích Thúy, tôi hoàn toàn bị thuyết phục.

Đọc và cứ thầm ước ao có một phim truyền hình dài tập về người Mông cho thỏa chí tang bồng. Ước ao thế thôi chứ tôi biết tỏng cái tạng mình không bao giờ có thể làm được điều đó vì mỗi một nhẽ đơn giản, vốn hiểu biết hạn chế, mặc dù tôi đã dám cả gan viết 36 tập phim về miền núi dựa theo tiểu thuyết “Đàn trời” của nhà văn miền núi Cao Duy Sơn năm 2011. 

Bộ 4 tác phẩm của Đỗ Bích Thúy mới ra mắt độc giả gần đây. (Ảnh sưu tầm)

Sau thành công vang dội ban đầu, Đỗ Bích Thúy rời hẳn Hà Giang chuyển vùng về Hà Nội. Chị nhận công tác biên tập ở ngay tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nơi giúp chị thành danh. Đỗ Bích Thúy từ một Hội Văn nghệ tỉnh lẻ về một trung tâm văn chương nhất nhì đất nước nên có thể nói đây chính là bệ phóng cho ngòi bút của chị cất cánh. Thúy viết đều và khỏe. Lần lượt các tác phẩm ra đời, trong đó nữ nhà văn bạo gan thử sức cả với đề tài đô thị. Vốn đọc nhiều tác phẩm của Đỗ Bích Thúy, tôi dám quả quyết khi nhà văn xinh đẹp này trượt ra khỏi sở trường hiểu biết miền núi thì sự thành công không thể được như mong đợi. 

Có một điều không thể giải thích được là mặc dù hoạt ngôn và sống phóng khoáng rộng rãi trong mọi quan hệ, bạo dạn trong giao tiếp nhưng tôi rất ngần ngại khi tiếp xúc với Đỗ Bích Thúy, người mà tôi ngưỡng mộ cả văn tài lẫn nhan sắc. Thế nên cái sự ước ao làm một phim về dân tộc Mông trong tôi cứ trôi theo ngày tháng. Ngay cả khi Đỗ Bích Thúy đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng Biên tập tờ tạp chí danh giá này, có điều kiện để tiếp xúc, thì tôi vẫn không có cách gì để làm thân được với chị. Có một khoảng cách khá lớn giữa chúng tôi.

Rồi một lần ở cơ quan hãng phim nhân bình về phim “Chuyện của Pao”, tôi nói phim hay về sinh hoạt, tập tục nhưng nhân vật thì chưa khắc họa được đúng với những gì Đỗ Bích Thúy dày công xây dựng, một nữ biên kịch bạn thân của Đỗ Bích Thúy là Vũ Thu Phong tán đồng nhận xét ấy và bảo hay là anh giúp chị Thúy biên kịch một bộ phim về người Mông.

Cuộc đời có những sắp xếp kỳ lạ như vậy. Đúng ở thời điểm Đỗ Bích Thúy muốn tự mình viết một kịch bản phim thì tôi lại đưa đẩy đến “Chuyện của Pao”. Tôi nói với nữ biên kịch đồng nghiệp rằng nếu Thúy lấy cốt truyện vừa “Lặng yên dưới vực sâu” để phát triển làm phim thì tôi sẵn sàng đồng hành. Rất may là Đỗ Bích Thúy cũng tâm đắc với câu chuyện đó. Chúng tôi gặp nhau như một sự đong đầy của cái duyên nghề nghiệp. Đề cương phim dài tập “Lặng yên dưới vực sâu” được đăng ký với lãnh đạo hãng phim của tôi. Nó được chấp nhận một cách hào hứng. Ai cũng thấy cần phải có một phim tốt về miền núi, về người Mông, trước hết là cái hay của bản sắc dân tộc này.

Nói thêm một chút về công việc biên tập phim. Khác với biên tập văn chương, biên tập phim thực sự là bạn đồng hành của biên kịch. Ngoài thẩm định chuyên môn, người biên tập phải tham gia vào từng công đoạn của kịch bản từ đề cương tóm tắt nội dung câu chuyện, đến đề cương chi tiết từng tập và cuối cùng là tham gia vào toàn bộ câu chuyện của cả kịch bản.

Tôi được cơ quan phân công cùng nữ biên kịch Vũ Thu Phong làm nhiệm vụ biên tập kịch bản của Đỗ Bích Thúy. Không ít khó khăn bởi có những bất đồng về quan điểm ở các công đoạn khác nhau giữa tác giả kịch bản, biên tập và đạo diễn, nhưng cuối cùng kịch bản được hoàn thành suôn sẻ và “Lặng yên dưới vực sâu” lên sóng truyền hình giành nhiều thiện cảm của khán giả. 

lặng yêu dưới vực sâu
Bộ phim "Lặng yên dưới vực sâu" (Ảnh sưu tầm)

Tôi có thể quả quyết đây cũng là một thành công nghề nghiệp đáng kể của Đỗ Bích Thúy. Từ kịch bản này, Thúy tiếp tục viết những kịch bản khác, cả nhựa lẫn truyền hình. Có thêm một tình tiết thú vị là khi phim “Lặng yên dưới vực sâu” lên sóng, Đỗ Bích Thúy đã kịp hoàn thành cuốn tiểu thuyết mang chính tên của truyện vừa và kịch bản này. Một sự thâm canh với năng suất rất cao dù nó hơi ngược, bởi thông thường thì các biên kịch chuyển thể từ văn học sang điện ảnh, truyền hình chứ ít người làm ngược lại xong kịch bản mới viết tiểu thuyết dù trước đó đã có cơ sở từ một truyện vừa.

Làm việc với Đỗ Bích Thúy, tôi có dịp hiểu hơn về nữ nhà văn xinh đẹp. Thúy nhỏ nhẹ nhưng quyết đoán, rất thông minh trong những tình huống cụ thể. Văn của kịch bản là văn nói, thoại của Thúy có màu sắc và đặc biệt là đúng tinh thần ngôn ngữ của người Mông, điều mà những phim trước đây dù ngắn hay dài đều làm không đạt, cứ rập theo lối nói lơ lớ rất phản cảm. Tính quyết đoán, tôi nghĩ nó là thế mạnh của bất cứ nhà văn nào, nhưng tôi hiểu ở Đỗ Bích Thúy cá tính này giúp chị có những quyết định quan trọng ở cả cuộc đời lẫn sự nghiệp. 

Đỗ Bích Thúy sinh năm 1975. Trong khoảng 20 năm sáng tác, chị đã kịp cho ra mắt hơn hai chục tác phẩm từ tiểu thuyết đến truyện ngắn và tạp văn. Đấy là chưa kể những kịch bản phim có tiếng vang. Có thể chị không may mắn lắm trong hôn nhân nhưng thành công trong nghề nghiệp. Thời gian gần đây, Đỗ Bích Thúy quyết định từ nhiệm chức vụ Phó Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội để toàn tâm toàn ý sáng tác. Tôi tin vào những thành công tiếp theo của người đàn bà viết văn xinh đẹp này.

Viết về Đỗ Bích Thúy lúc này, tự nhiên tôi nghe văng vẳng tiếng đàn môi đang cất lên từ trang sách của chị vi vút giữa cuộc đời sau bờ rào đá, giữa mây ngàn, núi thẳm. Và tôi yêu tiếng đàn môi của Đỗ Bích Thúy./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top