Làn sóng đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ khiến Hà Nội không chỉ thay đổi diện mạo từng ngày mà còn phải kể đến những biến chuyển về đời sống văn hóa thị dân. Người Hà Nội ngày nay có gì khác xưa? Liệu những giá trị tinh hoa của mảnh đất nghìn năm văn hiến, "chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An" có còn được gìn giữ và lan tỏa ? Làm thế nào để có một Thủ đô văn minh - thanh lịch? Phóng viên Reatimes có dịp trò chuyện cùng nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến.
PV: Là một cây bút “đắm đuối” với Hà Nội, luôn theo sát những biến chuyển của Thủ đô, ông thấy đời sống thị dân hiện nay khác gì so với đời sống thị dân thế kỷ trước?
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Nói chung khác nhiều do bối cảnh xã hội, đời sống kinh tế, do tiếp xúc văn hóa. ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai nhiều. Văn hóa Hà Nội bây giờ khác từ ăn uống, ẩm thực, từ sinh hoạt... Tuy trên một gốc gác nhưng không được mạnh nữa nên đời sống thị dân cũng thay đổi.
PV: Cụ thể hơn, nguyên nhân là do đâu, thưa ông?
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Tôi nghĩ việc chúng ta mở cửa cũng là một phần nhưng quan trọng nhất, ảnh hưởng mạnh nhất là do mạng xã hội. Bởi nó cập nhật hàng ngày đưa người ta gần với thế giới. Nhất là lớp trẻ tiếp cận công nghệ nhanh, rất dễ dàng. Chính đối tượng đấy làm thay đổi đời sống xã hội, đời sống thị dân. Ngày xưa, ăn uống mọi thứ thiếu thốn bây giờ muốn làm các món Nhật, món châu Âu, món Mỹ thì lên mạng search là ra ngay.
PV: Trước làn sóng đô thị hóa, tỉ lệ người ngoại tỉnh nhập cư vào Hà Nội ngày một tăng. Và nhiều người cho rằng, Hà Nội "mất chất" vì thế?
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Văn hóa Hà Nội có những nét riêng nhưng do nhiều yếu tố nên bây giờ không Hà Nội hóa được những người nhập cư. Trước kia, tất cả những người nhập cư đến Hà Nội đều phải theo nếp sống ở đây nhưng giờ những người nhập cư đến, người nào cũng mang theo văn hóa ở nơi cũ mình sinh sống. Họ không cần biết là phải hòa nhập như thế nào. Trong quá trình ấy họ cũng phóng chiếu những văn hóa của họ, nhiều khi lấn át cả những cái hiện hữu của đô thị làm văn hóa Hà Nội xuống cấp.
PV: Tức là phải xây dựng lại tiêu chuẩn cho người Hà Nội?
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Không xây dựng được! Cái cũ thì không được duy trì, ít người coi trọng. Cái mới thì chưa ra đâu vào đâu. Thành ra nó sinh ra một đô thị Hà Nội nhem nhuốc, thiếu nề nếp. Mình không nói là những người nhập cư đến khiến Hà Nội nhem nhuốc nhưng nếp sống đô thị khác với tất cả. Nếp sống đô thị là gì? Là những cái rất tối thiểu như câu chuyện vứt rác đúng chỗ, phải đi trên vỉa hè, cách ăn uống có những đặc trưng riêng. Nhiều người nói đến chuyện “bún mắng cháo chửi” nhưng vào quán ăn lại hỏi ăn cháo với rau diếp cá làm sao người ta chả điên? Cái đấy phải xem lại. Rõ ràng người bán hàng người ta không chịu nổi.
PV: Không nói gì xa, ngay về ẩm thực của Hà Nội dường như cũng đã thay đổi, thưa nhà văn ?
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Ngày xưa làm gì bún riêu có giò, có thịt bò. Ăn như thế nó phá vị. Người ta ăn không chỉ ngon mà phải thanh. Rất nhiều người bây giờ họ không được ăn những thứ truyền thống ngày xưa nên không thể so sánh được. Họ không biết quán nào ngon. Ngay như ăn phở chỉ biết bảo chỗ này ngon chỗ kia ngon, nhận xét rất cảm tính. Anh phải từng ăn những quán truyền thống mới so sánh được.
PV: Và nhiều người Hà Nội vẫn thảng thốt rằng, đến chính phở - đặc sản của Hà Nội - cũng biến tướng?
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Giờ gọi là bánh phở chan nước xương. Phở truyền thống, nước phở phải có xương, cá quả nướng, con xá xùng, quế, hồi. Nước phở truyền thống bán ở bên kia, đứng ở đầu bên này cũng ngửi thấy mùi nước phở thơm.
Những người nhập cư nhưng nhập cư phải có điều kiện. Rất nhiều người mang thói quen vệ sinh bừa bãi ra đô thị. Phải là một thị dân đã rồi mới có được văn hóa của thị dân đó. Nhưng bây giờ nhiều người đến từ những nơi khác nhau đột nhiên thành thị dân, được gọi là thị dân nhưng chưa có giai đoạn trở thành thị dân. Vì thế, tuy sống ở đô thị nhưng chưa phải thị dân. Thành ra họ mang tất cả những gì quen thuộc của họ vào đô thị. Nhất là thời đại hiện nay, cái Tôi cá nhân được đề cao nê rất khó thay đổi.
PV: Vậy làm thế nào để cứu vãn văn hóa Hà Nội, thưa nhà văn?
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Không có gì là không thể làm được. Ngày xưa, thời Pháp thuộc họ làm rất tốt. Tất cả những chỗ vỉa hè rộng họ quy định cho thuê để bán hàng, lấy tiền đó để duy trì sửa chữa vỉa hè. Họ lập ra quỹ. Thành phố không phải bỏ tiền ra sửa chữa.
Thứ hai, anh sống ở đô thị anh phải theo cái tôi muốn. Nhà của anh phải vì bộ mặt đô thị. Ví dụ ngày xưa quy định nhà khu vực này xây dựng như thế nào, phố này được phép buôn mở gì. Chứ không phải anh muốn làm nhà là làm. Người Pháp quy định trước cửa nhà anh anh phải có trách nhiệm làm vệ sinh, khơi cống. Không làm thì cảnh sát đến phạt! Cái cửa mở vào trong chứ không được mở ra ngoài. Họ quy định rất chi tiết và họ thực hiện rất nghiêm. Cảnh sát có biên lai mang đến phạt. Người ta có hệ thống điều hành, thực hiện luật pháp trong đô thị thành ra mọi thứ văn minh. Bây giờ, không có luật chỉ hô hào chung làm sao không lộn xộn?
Giờ nói đến người Hà Nội là người ta phản ứng. Phản ứng là vì không hiểu bây giờ Hà Nội thuộc khu vực nào. Xưa phía mạn dưới Mơ, Vọng, Hoàng Hoa Thám, Cầu Giấy, người Pháp đặt ra đấy là ngoại ô. Ăn mày ăn xin ngày trước chỉ được ở ngoại ô không được vào nội đô, như đứng ở Ngã Tư Sở, đầu chợ Mơ. Giờ nói cứ ào ào nên nhận thức cũng sai lệch đi.
Bối cảnh xã hội thay đổi nhưng rõ ràng là con người sống ở đâu cũng cần có những cái chung để đảm bảo cho một nơi có quá nhiều người sinh sống, quá nhiều khác biệt.
PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện !
Nhà báo - nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến đang công tác tại báo Đời sống và Pháp luật. Phần lớn những trang viết của ông từ các bài báo đến những khảo cứu, những tác phẩm văn chương đều dành cho vùng đất Hà Nội, có thể kể đến những tác phẩm tiêu biểu như: 5678 bước chân quanh hồ Gươm, Đi ngang Hà Nội, Đi dọc Hà Nội, Me Tư Hồng... Năm 2012, ông nhận giải thưởng "Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội" với hai tác phẩm Đi ngang Hà Nội (2012), Đi dọc Hà Nội (2012). |