Aa

Nhận định chứng khoán tuần tới: Lưu ý diễn biến dịch do virus Corona

Chủ Nhật, 09/02/2020 - 06:30

Nhóm phân tích từ Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt - BVSC cho rằng, điểm tiêu cực cần lưu ý hiện tại đối với thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là diễn biến của dịch 2019-nCoV vẫn còn phức tạp.

Nhận định về diễn biến của thị trường trong tuần giao dịch tới, nhóm phân tích từ Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt - BVSC cho rằng, điểm tiêu cực cần lưu ý hiện tại đối với thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là diễn biến của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona mới (2019-nCoV) vẫn còn khá phức tạp và vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát, trong khi khối ngoại tiếp tục duy trì hoạt động bán ròng phiên thứ 4 liên tiếp.

BVSC dự báo VN-Index có thể lùi về kiểm định vùng hỗ trợ 930 - 936 điểm trong những phiên đầu tuần tới và hồi phục tăng điểm trở lại về cuối tuần. Dù vậy, đà hồi phục của thị trường vẫn sẽ gặp nhiều thử thách tại các vùng kháng cự phía trên (vùng 945 - 950 điểm).

“Chúng tôi vẫn lưu ý đến khả năng quay đầu giảm điểm của thị trường khi VN-Index tiếp cận vùng kháng cự vừa đề cập ở trên,” các nhà phân tích tới từ BVSC khuyến nghị.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Thực tế, sau phiên tăng mạnh vào hôm thứ 5 tuần trước, đà tăng của thị trường đã gặp phải những khó khăn trong phiên giao dịch cuối tuần. Các chỉ số đã chỉ còn tăng nhẹ, trong khi thanh khoản giảm, khối ngoại bán ròng và nhóm cổ phiếu ngân hàng đảo chiều giảm giá.

Kết thúc tuần giao dịch tuần qua (từ 4 - 7/2), VN-Index tăng 0,44% lên 940,75 điểm; HNX-Index tăng 2,50% lên 104,92 điểm.

Dù thị trường chung có sự phục hồi nhưng thanh khoản tuần qua lại giảm khá mạnh. Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt gần 192 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 2,12% so với tuần giao dịch trước đó, trong khi con số này trên sàn HNX đạt trung bình hơn 38 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 0,44%.

Khối ngoại cũng bán ròng khá mạnh trong tuần qua đang là điều đáng lo ngại. Tính chung trên toàn thị trường, khối ngoại bán ròng gần 694 tỷ đồng.

Xét đến diễn biến các nhóm cổ phiếu có thể thấy sự giằng co, phân hóa đang diễn ra mạnh. Đơn cử, nhóm cổ phiếu họ Vingroup, trong khi VRE tăng tới 6,7%, VHM đang diễn biến lình xình thì VIC giảm 0,4%.

Nhóm thực phẩm - đồ uống diễn biến tiêu cực với sự giảm mạnh của SAB (giảm tới 8,2%), BHN giảm 7,4%, MSN giảm 0,4%... Trong khi đó, VNM sau khi giảm sâu đã có những phiên hồi phục tích cực, tính chung cả tuần VNM tăng 1,6%.

Xét đến nhóm cổ phiếu ngân hàng, trong tuần qua, hàng loạt mã ngân hàng tăng tích cực đóng vai trò nâng đỡ, dẫn sóng thị trường chung.

Cụ thể, VPB tăng 12,5%, HDB tăng 10,6%, CTG tăng 10,2%, STB tăng 8,6%, ACB tăng 3,6%, TCB tăng 2,6%, VCB tăng 1,5%...

Tính chung cả tuần, nhóm ngân hàng có mức tăng ấn tượng, nhưng thực tế, các mã cổ phiếu này đang “rơi” vào nhịp điều chỉnh. Cụ thể đến phiên cuối tuần, hầu hết các mã cổ phiếu ngân hàng đã quay đầu giảm giá.

Nhóm cổ phiếu dầu khí tuần qua biến động mạnh với các phiên tăng giảm đan xen. Với diễn biến tiêu cực của giá dầu thế giới, có lẽ nhóm cổ phiếu dầu khí khó có cơ hội đảo chiều tăng giá trong tuần tới.

Giá dầu kỳ hạn chốt phiên 7/2 giảm, khép lại tuần giảm thứ năm liên tiếp, khi tăng trưởng việc làm mạnh tại Mỹ đã không làm dịu bớt được những lo ngại về kinh tế toàn cầu do sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới.

Giá dầu thô ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) giao tháng Ba giảm 63 xu Mỹ, hay 1,2%, xuống 50,32 USD/thùng tại Sàn giao dịch hàng hóa New York.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng Tư giảm 46 xu, hay 0,8%, xuống 54,47 USD/thùng tại Sàn ICE Futures Europe.

Theo Dow Jones Market Data, trong cả tuần, giá dầu WTI giảm 2,4%, trong khi giá dầu Brent giảm 3,8%. Cả hai loại dầu này đều giảm tuần thứ năm liên tiếp, đà giảm dài nhất kể từ tháng 11/2018.

Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới tuần qua cũng khá tiêu cực. Thực tế, các thị trường chứng khoán trên thế giới đang chịu ảnh hưởng dịch nCoV.

Thị trường chứng khoán châu Á phần lớn giảm trong phiên ngày 7/2 sau một tuần tăng điểm do các nhà đầu tư bán ra chốt lời và đánh giá diễn biến cuộc khủng hoảng do virus Corona gây ra tại Trung Quốc.

Hai thị trường Thượng Hải và Hong Kong chạy ngược chiều trong phiên 7/2, sau khi trải qua tuần giao dịch tồi tệ nhất trong chín tháng do lo ngại tác động của dịch nCoV đang lan rộng tại Trung Quốc lên nền kinh tế. Chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải đóng phiên tăng 0,3% lên 2.875,96 điểm. Tính chung cả tuần, chỉ số này đã để mất 3,4% giá trị sau khi hứng chịu đợt bán tháo mạnh hôm 3/2, thời điểm mở cửa giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Sau đó, Trung Quốc đã phải kéo dài thời gian nghỉ Tết Nguyên đán để ngăn chặn sự lây lan của virus Corona.

Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hong Kong, sau khi tăng khoảng 4,5% trong tuần này, đã giảm 0,33% xuống 27.404,27 điểm vào phiên 7/2.

Tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 giảm 0,2% xuống 23.827,98 điểm.

Chứng khoán Singapore và Đài Bắc đều giảm hơn 1%, chứng khoán Seoul giảm 0,7%, chứng khoán Sydney giảm 0,4%, chứng khoán Mumbai hạ 0,5%. Chứng khoán Manila và Bangkok cũng giảm.

Các nhà quan sát cho biết, dịch bệnh do virus Corona sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý 1/2020, song sau đó có thể phục hồi trở lại giống như sau SARS./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top