Aa

Nhảy múa cùng núi

Thứ Sáu, 15/02/2019 - 05:59

Còn hơn cả một nét đẹp văn hóa, điệu múa khèn nay trở thành một phần trong "danh tính" của người Mông.

1. Dòng đời của người Mông cũng như các tộc người khác đều theo một chu kỳ nhất định, gần như là bất biến: sinh ra, lớn lên, kết hôn vợ chồng, sinh con đẻ cái, già và cuối cùng là trở về với tổ tiên, với cát bụi. Nhưng đối với người Mông thì chảy vào dòng đời ấy là dòng suối dân ca, không gian dân vũ ngọt ngào và đắm say. Từ khi sinh ra cho đến khi nhắm mắt xuôi tay trở về với cội nguồn của đá, người Mông được tắm mình trong các lễ nghĩa, các phong tục; trong các hội hè, tết, giỗ,.v.v…cho nên người Mông rất ưa ca hát, nhảy múa. Cũng bởi vì thế mà tâm hồn họ thấm đẫm chất âm hưởng của núi rừng hồn nhiên và khoáng đạt.

Trong các loại hình nghệ thuật dân gian của người Mông thì nổi trội hơn cả là nghệ thuật nhảy múa. Họ có thể nhảy, múa trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Và chỉ cần một giai điệu, một tiết tấu là họ nhảy múa rất hồn nhiên, say sưa nhảy múa thâu đêm, suốt sáng. Trong các dịp lễ tết, hội hè của cư dân Mông thì nhảy múa luôn là nội dung chủ yếu thu hút mọi đối tượng tham gia cả một vùng rừng núi như nghiêng ngả theo những điệu nhảy tập thể đang rộn ràng đắm say.

Trong các hình thức ấy, thì nhảy, múa khèn (tang quây) là độc đáo hơn cả vì nó ẩn chứa trong đó bao nhiêu sự kỳ lạ và huyền bí của một tộc người. Nhảy và múa khèn của dân tộc Mông là một hình thức nghệ thuật tạo hình độc đáo. Bởi lẽ, nó thể hiện sự mạnh mẽ và cùng với đó là tinh thần đoàn kết cộng đồng. Đồng thời, nó (nhảy - múa khèn) còn thể hiện sự mong ước yên bình, cử chỉ mời gọi thế lực siêu nhiên hãy che chở, phù trợ cho người Mông có cuộc sống no đủ, ấm êm.

Múa khèn luôn có mặt trong các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Mông

Múa khèn luôn có mặt trong các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Mông

2. Múa  khèn dân tộc Mông là một món ăn tinh thần, là nghệ thuật của hình thể, là ngôn ngữ của cử chỉ, động tác nét mặt và tâm hồn của cả cộng đồng. Và thông qua những ngôn ngữ giàu hình tượng của các động tác ấy, múa khèn của người Mông phản ánh mọi hiện tượng của cuộc sống qua hình thức đặc biệt của nó. Nguồn gốc múa khèn của người Mông là những động tác, điệu bộ đủ mọi kiểu của con người, có quan hệ với quá trình lao động, với sự quan sát thiên nhiên và những ấn tượng tình cảm có được từ thế giới xung quanh.

Trong múa khèn, những động tác đó đã có những tiếp thu và cải biến quan trọng đi đến khái quát nghệ thuật đặc sắc. Nó (múa khèn) gắn bó với phong tục tập quán, tín ngưỡng sau đó được đồng bào mở rộng biến đổi nó trong  sinh hoạt đời thường. Múa khèn là tiếng nói tình cảm, nghệ thuật của những chàng trai đối với người con gái, của cả cộng đồng với thế giới thiên nhiên.      

Thường thì các loại dân ca, dân vũ của các dân tộc ít người nói chung cũng như của người Mông nói riêng đều mang tính cộng đồng và bất cứ thành phần giới nào cũng có thể biểu diễn được, ấy thế nhưng, với múa khèn (của người Mông) lại chỉ giành cho nam giới. Vì thế mà múa khèn (của người Mông) mang yếu tố rất độc đáo, có tinh thần thượng võ, tính cách mạnh mẽ, dũng cảm, nhanh nhẹn, khéo léo, tài hoa với nhiều yếu tố nghệ thuật và kỹ thuật cao, phải vừa thổi khèn vừa múa mà không được để khèn ngắt quãng.

Cây khèn Mông là một loại nhạc cụ độc đáo, gồm nhiều ống trúc nhỏ ghép lại, có thể thổi hơi ra, có thể hít hơi vào; khèn là đạo cụ múa có cấu tạo phù hợp với dáng khum người và các thế quay, nhảy,... Tiếng khèn có thể một lúc phát ra đa âm, nhiều bè, vang xa trầm hùng như tiếng của gió ngàn, của suối reo, chim kêu, vượn hót đậm chất âm hưởng của rừng núi, tiết tấu theo nhịp 4/4 hoặc 2/4 thích hợp với các động tác múa khèn.

Không hề có bất cứ một thứ luật thành văn nào, nhưng dường như một khi đã có cái may mắn làm một đấng nam nhi trong cộng đồng người Mông thì cũng phải biết nhảy múa khèn. Đó là thước đo về giá trị nhân cách, hành động của người con trai. Ai múa càng đẹp thì người đó sẽ là người khoẻ mạnh, chăm chỉ và phóng khoáng.

Các động tác của múa khèn thường mô phỏng hàng loạt các bước nhảy khéo léo của trò chơi chọi chim hoạ mi hay các cú đánh của gà trống; các động tác xua đuổi thú dữ, các hành động chống lại sự xâm chiếm của các tộc người khác, với nhiều động tác khoẻ mạnh, đẹp mắt.  Người ta đã thống kê được rằng, có tới 33 động tác và tổ hợp múa khèn như: nhảy đưa chân, nhảy lướt, quay đổi chỗ, nhún chuyển trọng lượng.

Cùng với đó là những động tác nhảy ngang đập chân, bước trườn, bước lượn, ngoáy chân, đánh chân tại chỗ, đánh chân di động, vờn khèn, quay tại chỗ, quay di động, quay nhích gót, quay cầu, quay lót, chọi gà, đá hất chân,...

Trong quá trình biểu diễn, có thể từng chàng trai vừa thổi, vừa múa hoặc một nhóm vừa thổi và múa. Và cũng có thể là nhiều chàng trai Mông cùng nhau múa khèn trên bãi cỏ, đất bằng phẳng với những vũ đạo đẹp mắt, những bước nhún, bước đảo, bước quay, bước trườn hoặc vừa ôm khèn vừa lăn mình trên đất.     

Ngoài ra, có nhiều nghệ nhân có trình độ múa khèn điêu luyện, biểu diễn nhiều mô-típ siêu việt, độc đáo: múa khèn trên một tảng đá tai mèo, hoặc nhiều tảng đá, trên gốc cây lớn cưa bằng, và trên 4 cọc trồng hình vuông hay trên cây gỗ tròn bắc qua suối.

Động tác múa khèn phong phú, đa dạng. Trong đó, mô-típ chủ đạo là quay hất gót tại chỗ và quay hất gót di động trên vòng quay lớn rồi thu hẹp dần theo hình xoáy ốc. Các tổ hợp múa độc đáo và có độ khó cao, yêu cầu cả đầu, cổ, mình, chân, tay… phải thực hiện theo những luật động khác thường.

Những người nông dân bình thường chân lấm tay bùn nhưng lại thật đẹp trong điệu múa Khèn

Những người nông dân bình thường chân lấm tay bùn nhưng lại thật đẹp trong điệu múa Khèn

Hình thức tạo hình luôn chuyển động sang nhiều tư thế đẹp rất cân đối vững chắc, có thể trọng lượng dồn lên hai chân hoặc một chân song động tác luôn luôn mở thể hiện sức mạnh, tài khéo léo của các chàng trai. Đây cũng là dịp để các chàng trai đua tài, thi sức mạnh, độ khéo léo để mê hoặc các cô gái đến xem. Một điểm đáng lưu ý dù ở tư thế nào, động tác nào thì vẫn phải thổi khèn các đoạn nhạc thật hay như lời thủ thỉ tâm sự, hoặc lời thách đố đối phương thi tiếp.

Mô tả: Ngồi kiễng trên hai gót chân, đầu gối khép sát nhau, hay tay ôm lấy khèn các ngón tay đặt trên các lỗ của khèn, thân trên nghiêng cúi sang phải, hai chân vừa nhảy nhỏ ở ngồi, vừa quay theo chiều phải nhiền vòng theo phách 1, 2 tại chỗ thân giữ chắc. Sau đó, trên đà quay nhịp chân trái bật tại chỗ hất chân ra phía trước, trọng tâm dồn sang chân phải. Nhịp 2 thu chân trái về bật chân phải ra trọng tâm dồn sang chân trái, xoay tại chỗ

Nhảy 2 bước bằng chân phải và chân trái sang hướng chân phải khi nhảy hai chân đều chùng xuống thấp, quay xoáy theo chiều phải kết thúc thế ngồi chân trái làm trụ kiển gót, chân phải xếp ở đằng trước.

Khi đứng lên chân trái dậm nhảy tại chỗ, quay xế sang trái, đồng thời chân phải co lên gập về đằng sau, khép gối. Chân phải đặt xuống đống thời đá vào chân trái bị hất về đằng trước cao 450 rồi tiếp tục cao nữa và đá vòng chân từ đằng trước quay về bên trái ra đằng sau.

3. Nhảy khèn của người Mông là một hình thức múa rất đặc biệt, nó bao gồm rất nhiều yếu tố hợp thành đó là âm nhạc, đội hình, tuyến múa, trang phục và quan trọng là không gian múa cùng hình thức thể hiện. Không gian múa khèn trước đây là các đám ma, với ý nghĩa ban đầu là giúp người nhà vơi đi nỗi buồn và thể hiện chia sẻ nỗi mất mát người thân với gia chủ, đồng thời chỉ đường cho người chết về với tổ tiên.

Những người thổi khèn trong đám ma phải vừa thổi khèn vừa làm các động tác ma thuật chỉ đường cho linh hồn người chết về với tổ tiên. Và tiếng khèn chỉ ngừng nghỉ khi người chết đã được chôn cất xong. Với các tổ hợp nhảy múa đẹp mắt, tiếng khèn réo rắt đã làm cho lòng người còn sống vơi đi nỗi buồn. Dần dà các điệu nhảy ấy được đồng bào lược bỏ đi các yếu tố ma thuật và chỉ giữ lại các điệu nhảy sinh động. 

Nhảy khèn đã được sử dụng rộng rãi trong sinh hoạt cộng đồng, thường múa trong dịp vui của bản ở các bãi bằng nơi sinh hoạt cộng đồng. Điệu nhảy được thể hiện trong thời gian tổ chức chức lễ hội vào mùa xuân, mùa cưới với ý niệm thể hiện mong ước yên bình, xua đi những gì đau khổ, bỏ đi nhưng điều buồn, cùng đoàn kết xây dựng bản mường.

Nhảy khèn là điệu múa tập thể của đồng bào Mông được tổ chức trong các dịp hội, hè, ma chay, cưới hỏi, mừng nhà mới,…nhảy khèn với các bước nhảy linh hoạt, tuyến đi phong phú, thể hiện tâm hồn phóng khoáng của người Mông thật thà như đá và đẹp như hoa đào.

Nhạc cụ phục vụ nhảy khèn là loại khèn Mông độc đáo, phát ra một chùm âm thanh, có thể là hai khèn, ba khèn… Nhưng các khèn đều phải tuân thủ theo một khèn cầm cái, theo một nguyên tắc là thống nhất trong giai điệu, hoà nhau về âm thanh, chuẩn về nhịp điệu, tiết tấu.

Nhảy khèn bao gồm 3 đoạn nhảy khác nhau ban đầu người thổi khèn chính sẽ vừa thổi, vừa múa ra để mời mọi người, sau đó một tốp múa theo sau bước một bước và nhún dừng lại nhịp 1, 2 khi đội múa đã ổn định đội hình thì các khèn khác tiếp tục dẫn đội múa khác tiếp tục đi ra. Người thồi khèn chính chuyển nhạc và quay đổi chỗ vào trong vòng tròn tiếp đến người thổi khèn 2, khèn 3… và đoạn múa 2 bắt đầu.

Vòng tròn ở ngoài nắm tay nhau bắt đầu nhảy dạo chân phải làm trụ, chân trái co nhảy sang trái một bước bằng vai, tiếp đến đổi trọng tâm chân trái làm trụ chân phải co nhảy về bên phải theo nhịp 1,2,3. Thế múa này dài hay ngắn tuỳ  thuộc vào tính chất của buổi lễ ngày hôm đó. Sau đó toàn vòng chuyển động đi sang trái với bước đi thường đến nhịp 3 thì chân phải hất cao chân và quay trở về bên phải, tiếp đến chân phải làm trụ, chân trái hất gót nhảy quay tại chỗ thật nhanh, rồi trở lại tư thể ban đầu. Tổ hợp múa này rất phức tạp đòi hỏi những người múa phải linh hoạt nhanh nhẹn liên tục đổi động tác, hướng chuyển động, lúc cao trào biên độ nhanh, mạnh, dứt khoát trông rất sinh động và đẹo mắt.

Tổ hợp nhảy khèn tuân thủ theo nguyên tắc bước, nhảy theo những con số  rất kỳ lạ và huyền bí nhảy 3 bước, đi 3 bước và quay 2 vòng, nghỉ 1 nhịp. Cảm giác rằng, 3 bước nhảy đó tượng trưng cho 3 thế giới của người Mông: Tổ tiên - con người - âm phủ. Còn 3 bước đi là 3 việc quan trọng của  cứ dân thuần nông nghiệp, với cụ thể là: trồng cây -  chăm bón -  thu hái.

Người Mông đã gửi gắm rất nhiều tâm tư, nguyện vọng của họ trong điệu múa khèn

Người Mông đã gửi gắm rất nhiều tâm tư, nguyện vọng của họ trong điệu múa khèn

Riêng 2 vòng tượng trưng cho sự tuần hoàn của thế giới vũ trụ: ngày - đêm; âm - dương. Cuối cùng, nếu đem cộng tất cả các bước nhảy lại thì cuối cùng cho ra con số 9. Với người Mông, số 9 là con số thiêng. Bởi yếu tố đó cho nên, nhảy, múa khèn của dân tộc Mông là thể hiện sự mong ước yên bình, cử chỉ mời gọi thế lực siêu nhiên hãy che chở, phù trợ cho người Mông có cuộc sống no đủ, ấm êm.

4. Nhảy múa khèn là một bộ phận của dân vũ dân tộc Mông nó thể hiện cái đẹp nhất, tinh tuý nhất bản sắc văn hoá của một dân tộc. Nhảy, múa khèn và hình thức thể hiện của nó luôn gắn chặt với đời sống của mỗi con người, mỗi cộng đồng người Mông. Bởi vì, nó được chắt lọc những gì tinh tuý nhất, được gọt giũa qua hàng trăm năm và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ kia qua hình thức truyền dạy.

Mặc dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nhưng giá trị nghệ thuật nhảy múa khèn của dân tộc Mông như những viên ngọc quý vẫn âm thầm tồn tại trong cộng đồng dân tộc nhờ vào môi trường lễ, hội dày đặc quanh năm. Chỉ có nhảy múa khèn và hình thức thể hiện của nó mới thể hiện rõ nét nhất bản sắc của dân tộc Mông và là cầu nối giao tiếp giữa các dân tộc, nó tồn tại và phát triển trong hiện tại và tương lai.

Múa dân gian dân tộc Mông phong phú và đa dang, trong trong đó nhảy múa khèn là điệu múa đặc sắc mang đậm bản sắc của dân tộc Mông nhất. Các điệu múa khèn rất độc đáo và vẫn được dân tộc Mông gìn giữ và phát huy, được truyền dạy cho thế hệ con cháu. Đây là những giá trị tinh thần to lớn của đồng bào dân tộc Mông. Nhảy múa khèn là một sản phẩm văn hoá phi vật thể rất quý giá nhằm phục vụ phát triển du lịch của địa phương nhằm giới thiệu với du khách những nét bản sắc độc đáo.

Với đường lối chủ trương chính sách đúng đắn của Đảng về văn hóa dân tộc, nhảy múa khèn của người Mông đã  -  đang được chú trọng đầu tư sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy. Hệ thống lễ hội được khôi phục và kèm theo đó là sự phục hồi các đội nhạc lễ, múa lễ và hát lễ. Nhờ đó, nhảy múa khèn không còn chỉ là sự bó hẹp trong các nghi lễ tâm linh của người Mông mà đã bước ra đời sống sinh hoạt văn hóa văn nghệ quần chúng cùng với sự hình thành các đội  múa, bản làng trong các phong trào xây dựng hợp tác xã, các đoàn thể và phong trào xây dựng bản văn hóa dân tộc.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top