1. Tường đá - nhà đất - cây đào trong sân, đó là điểm đặc sắc rất riêng có của một gia đình người Mông miền núi phía Bắc. Trong số những thứ cây truyền thống được người Mông trồng chung quanh ngôi nhà thân yêu của mình, thì cứ như một sự mặc định bất di bất dịch từ hàng trăm năm nay, nhất định không thể thiếu được cây đào bởi nó neo giữ một vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần và tâm linh của họ.
Bởi thế, nếu như cây lanh là một loài cây di sản vật thể đại diện cho đời sống vật chất, tinh thần của người Mông thì cây đào chính là một trong những hình ảnh cơ bản đại diện cho tâm hồn và thế giới tâm linh của họ. Ở một chừng mực nào đó sẽ không hề ngoa ngôn khi nói rằng, người Mông đã gửi gắm hồn và cốt của mình vào cây đào, cũng như thể họ gói ghém thế giới tâm hồn của mình vào trong cây khèn vậy.
Những ngày đầu xuân, sương giăng mây phủ, con đường núi quanh co đục mờ, núi rừng chìm trong sương trắng, thấp thoáng những cây đào khẳng khiu đã lấp ló lên sắc đỏ đó là những cây đào núi bắt đầu nở đón mùa xuân sau những chuỗi ngày đông hanh hao giá buốt. Dù có phải vất vả đến mấy, nhưng hễ thấy hoa đào là bỗng dưng mệt mỏi tiêu tan. Một khung cảnh thật đẹp và mơ mộng, ta như lạc vào cõi tiên, đem đến cho con người cảm giác thoát khỏi thế giới thực tại.
Cây đào (đào núi, đào phai) theo các nhà khoa học là một loại cây ôn đới, sống ở trên núi cao từ 800m - 1.500m so với mặt nước biển. Đào là thứ cây gỗ nhỡ, thuộc họ hoa hồng, cao khoảng 3 - 4m, lá đơn mọc so le, phiến hẹp và dài, cuống ngắn, mép có răng cưa nhỏ, hoa màu hồng nhạt, mọc riêng lẻ.
Hoa đào có 5 cánh với cuống hoa ngắn với số lượng nhụy khoảng từ 35-40 cái và thứ quả hạch có rãnh dọc, ở mặt ngoài có phủ nhung tơ. Nhân hạt, hoa, lá đào đều có tác dụng y học chữa một số bệnh cho con người. Đào phai, đào rừng, đào già… là tên người ta thường gọi giống hoa đào có từ lâu đời ở vùng núi phía Bắc nước Việt. Trong đó giống đào phai phát triển mạnh và cho màu hoa đẹp nhất.
2. Hoa đào theo văn hoá phương Đông được coi là biểu tượng của mùa Xuân, tùy vào văn hoá của tộc người mà có những biểu trưng văn hoá khác nhau. Người Trung Quốc thì quan niệm hoa đào là hình ảnh của sự đổi mới và sức sinh sản dồi dào, nó biểu tượng cho lễ cưới.
Trong khi đó, người Nhật Bản quan niệm hoa đào là tượng trưng cho sự trong trắng và thủy chung. Còn người dân nước Việt mến yêu thì quan niệm hoa đào là may mắn, hạnh phúc (số đào hoa). Với người Mông thì họ quan niệm cây đào là người bạn thân thiết, là loài cây trừ tà ma, biểu trưng cho sức sống mãnh liệt của người trên vùng sơn cước. Và nữa, hoa đào biểu trưng cho khát vọng sinh tồn của dân tộc Mông.
Bởi coi cây đào là người bạn tri âm tri kỷ cho nên mỗi khi đến với mảnh đất tốt tươi nào người Mông cũng không quên trồng một cây đào để đánh dấu “lãnh thổ” của mình. Và chính cây đào ấy là chỗ người ta được hoàn toàn tự tin tựa tấm lưng mình vào để nghỉ tránh nắng những buổi làm nương nắng gắt chói chang.
Trong thế giới đa sắc của các loài hoa, hoa đào là thứ hoa đẹp và quý. Hầu hết các bộ phận của cây đào đều có giá trị đối với đời sống thực tế. Trong văn hóa dân tộc Mông, hoa đào, cây đào, quả đào,… được lựa chọn làm biểu tượng với rất nhiều ý nghĩa khác nhau. Quả đào là quà biếu cho người già và trẻ em vì họ nghĩ rằng quả đào sẽ tiếp thêm sức mạnh cho con người.
Người già lấy cây đào là người tin cậy để bầu bạn tâm sự và càng già càng đẹp. Còn với trẻ con lấy lá đào để tắm cho sạch sẽ, chống được thời thiết khắc nghiệt của miền núi. Người con gái ngồi dưới gốc đào để thêu váy, lấy hoa đào ép thành nước để tắm, gội cho trắng hồng, con trai ngồi dưới tán đào để mài dao, đẽo gỗ. Trai gái đi chơi trong ngày hội cũng thích đến rừng đào để bày tỏ tình cảm. Họ cho rằng cây đào là người bạn vô cùng tin cậy che chở con người được an toàn.
Đã từng có cả một dòng họ lấy họ theo cây đào. Đó là họ Thào vì người ta cho rằng, dòng họ này sẽ được cây đào che chở bảo vệ và là cây của tổ tiên cho nên khi gặp nhau họ chỉ hỏi nhau về “họ” (tên dòng họ) và nếu trùng với “họ” mình thì nhận là anh em trong nhà.
Người Mông xem cây đào cũng như số phận một con người, một đời người. Thế nên, mỗi khi năm hết, Tết đến người già bản Mông lại lấy con dao khắc vào cây đào để đánh dấu tuổi đời, vòng đời cho nó. Tết đến, con người phải mặc những bộ trang phục mới nhất để du Xuân. Bởi vậy, sau khi đánh dấu tuổi mới cho cây đào, người Mông còn lấy giấy bản trang trọng dán lên thân đào để mặc áo mới cho cây vào dịp xuân mới.
Cây đào và hoa đào là một thực thể rất đặc biệt trong không gian cảnh quan thiên nhiên những bản Mông trong ngày xuân. Nó là cái hồn xuân trong không gian cư trú mỗi ngôi nhà của người Mông nơi miền sơn cước xa xôi. Nếu đến vùng người Mông cư trú mà không thấy hoa đào ngày xuân thì cảnh quan nơi ấy thật tẻ nhạt, bởi cảm giác thiếu vắng một cái gì đó rất cơ bản, rất đặc trưng.
Người thiếu nữ Mông và hoa đào vốn đã có mối quan hệ đặc biệt với nhau. Với biểu tượng màu sắc hoa đào trên váy, áo đã làm nổi bật vẻ đẹp người phụ nữ trong sự tương quan với hoa đào, đôi khi là búp đào, đào tơ hay quả đào non. Người Mông cho rằng, cây đào là cây thiêng. Vì thế, nó là cây loài cây trừ tà ma khi trong nhà có người ốm đau, làm ăn không thuận, họ tổ chức cúng ma và trong lễ cúng bắt buộc phải có cành đào.
Tuỳ theo dòng họ kiêng kị mà có những cách thức lễ cúng khác nhau, nhưng có điểm chung là họ chuẩn bị các cành đào xung quanh nhà để “khóa ma” trong nhà. Để làm được cái việc “khóa ma”, người ta chặt 5 cành đào cắm vào chậu đất để giữa nhà. Tiếp theo 4 cây cắm 4 góc (tượng trưng 4 ma: ma rừng, ma hổ, ma cây, ma đá) 1 cây cắm ở giữa để chốt ma, thầy cúng cầm một roi đào xua đuổi ma vào chậu đất và để giữ cho con ma không ra ngoài làm hại người.
Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa người Mông thường bị các loại ma rừng, ma hổ,… quấy nhiễu làm cho nhiều người ốm; nuôi con lợn không được; mùa màng không nên hạt. Để giải quyết vấn nạn trên, người Mông quyết định trèo lên núi gọi tổ tiên của mình hỏi xem nguyên nhân tại sao mà họ lại phải đương đầu với hàng loạt những tai ương khốn khổ như thế.
Thế rồi khi người đại diện của bản Mông trèo lên tới đỉnh núi thì đã cuối mùa đông, gió thổi rất mạnh mọi cây cối bị gãy nhưng duy nhất chỉ có cây đào là vẫn đứng vững bung ra loài hoa đỏ. Nghĩ rằng, tổ tiên đã cho mình một loài cây quý vô giá để chống lại sự quấy nhiễu của các thế lực siêu nhiên, thế nên người ta bèn đem về trồng và là cây xua đuổi tà ma.
Người Mông cũng lại cho rằng, nếu vợ chồng lấy nhau đã lâu nhưng nếu không có con là do tại con ma hãm hại, nên họ lấy cành đào và buộc vào đó vuông vải đỏ. Làm thế là vì theo quan niệm của người Mông, con ma nó rất sợ màu đỏ là màu của mặt trời. Cái màu đỏ ấy sẽ làm loá mặt con ma và thầy cúng sẽ đốt hương, giấy bản,…khiến cho con ma bị buộc vào cành đào để không làm hại vợ chồng, vải đỏ che mắt con ma không nhìn thấy ai để hại.
3. Thời tiết miền núi phía Bắc quanh năm rất khắc nghiệt, một ngày bốn mùa. Có những đợt băng giá, sương muối trắng đồi. Ấy thế nhưng, cây đào vẫn có sức sống mãnh liệt. Khi trời ấm, từ những cái cành khẳng khiu lại bung ra sắc hoa tươi hồng và nẩy ra những chồi non lộc biếc.
Khi chặt cành đào đem bày vào trong nhà rất đơn giản, người ta chỉ cần thui (đốt) gốc của cái cành đó rồi đặt vào chậu nước là cây vẫn nảy lộc đơm hoa và tươi rất lâu. Cây đào là một cây dễ trồng, lên nhanh. Dù nắng hạn kéo dài, hay mưa ngập nước thì cây đào vẫn căng tràn sức sống bởi khả năng tái sinh của nó rất mạnh mẽ, như một sự vô biên vậy.
Cộng đồng người Mông trải qua biết bao thăng trầm biến cố trong lịch sử. Song dẫu đã phải trải qua những cuộc đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt; với sự xâm chiếm của các tộc khác nhưng dân tộc Mông vẫn đứng vững; vẫn bảo tồn văn hoá của tộc người, họ chịu đựng và đoàn kết để chống lại mọi sự đồng hoá của các dân tộc khác.
Cây đào chính là đại diện cho khát vọng sinh tồn của người Mông. Bởi lẽ, đào là một loài cây tiềm tàng khả năng tái sinh mạnh mẽ. Hạt đào khi đã nảy mầm là lập tức trưởng thành rất nhanh và cây càng già tuổi đời càng không ngừng bung ra những cánh hoa đẹp như một sự trường sinh bất lão mà không thể có bất cứ một thứ bút lực nào mô tả nổi vẻ đẹp yêu kiều, vi diệu của nó.
Ở một khía cạnh nào đó, cây đào chính là “bản sao” bản chất của người Mông. Ấy là khát vọng được sống, được lao động, được vui chơi và thể hiện bản thân mình với cộng đồng. Họ gắn bó với dòng họ, làng bản và cộng đồng người Mông. Người Mông vẫn cho mình là rực rỡ như hoa đào. Riêng cây đào và quả đào thường biểu trưng cho sự trường sinh bất tử gắn với huyền thoại về cây đào của Tây Vương Mẫu cứ 3000 năm lại ra quả một lần, ai ăn quả đó sẽ được trường sinh bất tử.
Với bà con người Mông, cây đào được xem là thứ cây cao quý vô giá chỉ mọc ở khu vườn tổ tiên, vườn của sự trường sinh. Do đó, mỗi khi Tết đến và Xuân về, dẫu bận trăm công ngàn việc bởi miếng cơm manh áo thường ngày thì người Mông nhất định không thể sao nhãng cái việc, chặt cành đào để thành kính dâng lên bàn thờ trong nhà để kính cáo với tiên tổ của mình, rằng một mùa Xuân mới - Xuân của sự ấm no, của sự đoàn viên thanh bình đã lại về đồng thời, cành đào thiêng ấy cũng chính là thứ “vũ khí” thần diệu nhất để xua đi mọi sự u ám của năm cũ, mùa cũ và cũng là giúp cho gia chủ tránh được tà ma.
4. Xưa và nay, chơi hoa đào ngày Tết là một thú chơi truyền thống. Song tiếc thay, cây đào và hoa đào thực ra chưa mang ý nghĩa kinh tế lớn đối với người dân ở vùng cao, nhất là với bà con người Mông. Có thể vì thế cho nên bây giờ ngày càng ít người Mông mặn mà với cây đào truyền thống trong khu vườn thiêng của gia đình mình thì phải?!
Đồng bào Mông có nhiều điểm đặc sắc, cùng với ngôi nhà đất, bức tường đá và đặc biệt là không thể thiếu sự hiện hữu của một cây đào trong sân. Nhưng để có những cành đào già thì ít nhất cây đào đó phải từ 20-25 tuổi trở lên. Điều đó đồng nghĩa với việc, nó (đào) trải qua biết bao sương gió, nắng mưa mới có thể tạo thế đẹp, vững chãi trên núi đá. Những năm gần đây, xuất hiện một thực tế, thú chơi hoa đào ngày tết đã - đang làm cho những cây đào rừng đào ở vùng miền núi phía Bắc dần biến mất. Người nhiều tiền sẵn sàng bỏ ra cả triệu đồng để mua một cành đào có đường kính gốc khoảng chục centimet, có thế cành đẹp, thân mập xù xì, có nụ, có hoa, có lộc và nếu có cả địa y, tầm gửi bám vào thì càng đắt giá.
Đã có chuyện, nhiều người trồng đào cảnh ở miền xuôi còn mua cả gốc đào già ở miền núi phía Bắc về để ghép thành đào thế cổ thụ. Chính vì những lối “chơi” kiểu “tận thu” và “tận diệt” của những người nhiều tiền và những người cần có thật nhiều tiền (kinh doanh đào Tết) cho nên đã - đang vô tình “góp phần” khiến cho bóng dáng những cây đào thiêng ngày một thưa dần đi trước khi “biến mất” khỏi những khu vườn của các gia đình người người Mông.
Mai này, một ngày nào đó nếu đến với mùa Xuân vùng cao Tây Bắc mà không còn được chiêm ngưỡng những cây đào núi lộng lẫy, thì ắt rằng sẽ không còn thấy được vẻ đẹp văn hóa Mông. Khi đó, chúng ta sẽ mất đi một cây “văn hoá” rất thân thiết và nó là hồn cốt của núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, thơ mộng đầy chất Việt. Thật tiếc lắm thay, nếu điều đó xảy ra?