Aa

Truyền thống đạo lý

Thứ Bảy, 29/09/2018 - 06:00

Người Việt luôn khẳng định thế này để nhắc nhở nhau, từ nhiều ngàn năm qua: chim có tổ, người có tông; cây có cội, nước có nguồn.

Cách đây hơn hai tuần, anh Lợi điện thoại cho tôi, thưa về việc tới đây đoàn Cựu chiến binh từ Hà Nội, vào thăm nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, mời tôi chủ lễ cầu siêu. Thật cảm động để nói đôi điều về việc làm này của anh Minh, anh Lợi cùng hội Cựu chiến binh.

Ngồi nghe anh Minh đọc thư gửi, với cụm từ được nhắc lên rất thiêng liêng: "uống nước nhớ nguồn - tri ân đồng đội"... Đó là truyền thống đạo lý.

Dân tộc chúng ta có một truyền thống đạo lý, đó là đạo lý "uống nước nhớ nguồn".

Mỗi dân tộc, có một đạo lý sống riêng. Và, dân tộc Việt Nam, đã làm nên đạo lý của mình từ truyền ngôn: Uống nước nhớ nguồn.

Người Việt luôn khẳng định thế này để nhắc nhở nhau, từ nhiều ngàn năm qua: chim có tổ, người có tông; cây có cội, nước có nguồn.

Vô ơn để sống, là muốn sống bằng vô tâm, cái ác lên ngôi.

Nhớ ơn để sống, là muốn sống với từ tâm, cái thiện lên ngôi.

Một ban thờ tổ tiên được dựng lên nơi chổ trang trọng nhất trong ngôi nhà, là người Việt muốn tỏ tấm lòng biết ơn của con cháu với cha mẹ, ông bà và các thế hệ tiên tổ trong dòng họ.

Một ngôi miếu thiêng bên gốc đa giữa đồng làng, hay trên con đường đầu xóm, nó được dựng lên, là vì, niềm biết ơn của người sống nơi đó muốn để tâm gìn giữ điều thiêng liêng cho cộng đồng họ: không xâm hại thiên nhiên cảnh vật nơi ấy.

Một đền thờ bậc danh tướng có công chống giặc giữ nước, khi được dân lập lên, là để có nơi thắp sáng lòng biết ơn cho người dân muôn đời sau gìn giữ noi theo.

Tổ Quốc ghi công, đó là điều vinh danh lớn nhất.

Bạn đã làm gì cho Tổ quốc, để Tổ quốc ghi công bạn?

Các nghĩa trang được thiết lập lên, các đài tưởng niệm, những điểm ghi dấu sự hy sinh oanh liệt của người con Việt trong chiến tranh, ơn đức của họ cần được tôn trọng và ghi nhớ để đáp đền và noi gương.

Một ngôi đình, một ngôi chùa, một nhà thờ họ tộc hay đền miếu có mặt giữa cộng đồng dân cư quê hương Việt Nam, là nhằm thắp sáng lòng biết ơn gìn giữ cho cho muôn đời sau của người Việt.

Đó là đạo lý sống của người Việt để gìn giữ quê hương và giống nòi.

Tốn kém vì tiêu phí cho lòng biết ơn của dân tộc là điều cần thiết.

Tốn kém vì đền miếu và chùa chiền, vì vinh danh các anh hùng liệt nữ hy sinh mà không thắp sáng lòng tốt biết ơn cho cuộc sống chung tay xây dựng đất nước thịnh vượng là tội ác.

Trong ngôi nhà đầm ấm chở che ta lớn lên bên mẹ cha, bên ông bà và anh em họ hàng, ta học được lòng biết ơn thắp sáng mỗi ngày qua việc thờ cúng tổ tiên.

Trong làng phố ta lớn lên cùng người dân một nước, bên thầy bên bạn, ta được thừa hưởng truyền thống uống nước nhớ nguồn.

Những việc làm tri ân hằng ngày, từ nhà trường, từ đồng đội, từ hội đoàn, hay như hôm nay của Hội cựu chiến binh, thắp sáng tình và nghĩa, nhắc nhở nhau sống xứng đáng với đồng đội, với người đồng bào để phục vụ.

Làm và sống như vậy là sống có đạo, đạo lý hiếu đạo của người Việt Nam.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top