Thị trường giảm trở lại trong tuần giao dịch qua với thanh khoản tiếp tục suy giảm. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 42,03 điểm (-3,96%) xuống 1.019,82 điểm, HNX-Index giảm 8,47 điểm (-4,6%) xuống 217,41 điểm, UPCoM-Index giảm 1,59 điểm (-1,98%) xuống 78,57 điểm.
Giá trị giao dịch trên HoSE giảm 18,8% so với tuần trước đó xuống 50.972 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 18,3% xuống 2,38 tỷ cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 4,7% so với tuần trước đó lên 4.971 tỷ đồng, tuy nhiên khối lượng giao dịch giảm 6,7% xuống 280 triệu cổ phiếu.
Thị trường giảm điểm mạnh trong tuần qua khiến cho hầu hết các nhóm ngành đều giảm điểm. Đối với nhóm bất động sản, sau một tuần biến động có phần phân hóa thì đến tuần từ 17 - 21/10, giao dịch diễn ra tiêu cực trở lại. Thống kê 127 mã bất động sản đang giao dịch trên toàn thị trường có đến 99 mã giảm giá, trong khi số mã tăng chỉ là 15.
Giảm giá mạnh nhất trong nhóm bất động sản là VHD của CTCP Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị Vinaconex với 23,3%. HĐQT doanh nghiệp này mới đây đã thông qua việc thực hiện bảo lãnh không hủy ngang cho các nghĩa vụ của CTCP Đầu tư và Xây dựng Xuân Phú Hải để đảm bảo quyền lợi của CTCP Tập đoàn Đầu tư Emir tại hợp đồng đặt mua bất động sản ký giữa Emir và Xuân Phú Hải. Tổng mức bảo lãnh là 300 tỷ đồng.
Cổ phiếu LHG của CTCP Long Hậu giao dịch tiêu cực khi giảm đến gần 17,6% chỉ sau một tuần giao dịch. Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) quyết định về việc chuyển cổ phiếu LHG từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch. Cụ thể, ngày 24/10, cổ phiếu LHG sẽ bị chuyển từ diện kiểm soát sang hạn chế giao dịch do công ty chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2022 quá 45 ngày so với thời hạn quy định. Cổ phiếu LHG chỉ được giao dịch phiên chiều của ngày giao dịch khớp lệnh tập trung và phương thức giao dịch thỏa thuận kể từ ngày 24/10/2022.
Bộ đôi cổ phiếu DXS của CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh và DXG của CTCP Tập đoàn Đất Xanh gây chú ý khi giảm khá mạnh. Trong đó, DXS giảm đến 13,8% còn DXG giảm 9,7%. Đối với DXS, ngày 17/10 vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện chốt danh sách cổ đông để phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2021 theo tỷ lệ 10%.
Về DXG, vào phiên 18/10, các quỹ thành viên của Dragon Capital là Balestrand Limited, Hanoi Investments Holdings Limited, Norges Bank và Vietnam Enterprise Investments Limited đã bán tổng cộng 4 triệu cổ phiếu DXG, ở chiều ngược lại, CTBC Vietnam Equity Fund mua vào 800.000 cổ phần DXG, qua đó giảm tổng tỷ lệ sở hữu của nhóm quỹ ngoại này xuống còn 17,82%, tương đương với 108,7 triệu cổ phần.
Cổ phiếu AMD của CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone giảm 10,8%. HoSE quyết định về việc chuyển cổ phiếu AMD từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 24/10/2022. Lý do cổ phiếu AMD bị đưa vào diện hạn chế giao dịch là do doanh nghiệp này đã chậm nộp Báo cáo tài chính (BCTC) soát xét bán niên 2022 quá 45 ngày so với thời hạn quy định, theo điểm a khoản 1 Điều 39 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của HĐTV Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam. Cụ thể, từ ngày 24/10, cổ phiếu AMD chỉ được giao dịch phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung và phương thức giao dịch thỏa thuận.
Ở chiều ngược lại, dù thị trường chung biến động tiêu cực nhưng vẫn có một số cổ phiếu bất động sản đi ngược hay thậm chí tăng rất mạnh. PTN của CTCP Phát triển Nhà Khánh Hòa tăng đến 44,1% chỉ sau một tuần giao dịch. Tuy nhiên, thanh khoản của PTN là rất thấp. PTN giao dịch tại UPCoM từ 14/10 với giá tham chiếu chỉ 9.100 đồng/cp. Tuy nhiên, trong 3 phiên đầu tiên trên UPCoM, cổ phiếu này không xuất hiện giao dịch, trong khi ở hai phiên còn lại, PTN đều tăng trần và chốt phiên 21/10 ở mức 13.113 đồng/cp.
Cổ phiếu EIN của CTCP Đầu tư - Thương mại - Dịch vụ Điện lực cũng tăng đến hơn 31%. Thanh khoản của EIN tăng vọt với khối lượng khớp lệnh bình quân là 385.000 đơn vị/phiên, trong khi ở tuần trước đó chỉ là 10.100 đơn vị/phiên.
Hai mã bất động sản khác cũng tăng trên 10% là KHA của CTCP Đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội và VGV của Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn, toàn bộ 10 mã đứng đầu vốn hóa nhóm bất động sản đều giảm giá. KDH của CTCP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền giảm mạnh nhất trong nhóm này với 10%. Trong báo cáo gần đây của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) về hoạt động kinh doanh của KDH, trong 8 tháng đầu năm 2022, hoạt động bán hàng của doanh nghiệp này khá ảm đạm khi không có thêm dự án mới được chào bán ra thị trường. Tuy nhiên, đến tháng 9/2022, hoạt động bán hàng đã bắt đầu sôi động trở lại với việc mở bán chính thức đợt 1 dự án The Classia, 100 căn biệt thự - nhà phố ngày 11/09/2022, kết quả bán hàng ghi nhận ở mức khá cao 96%. Theo kế hoạch, dự án sẽ mở bán đợt 2 trong tháng 11 tới đây.
Bộ ba cổ phiếu họ “Vin” gồm VIC của Tập đoàn Vingroup, VHM của CTCP Vinhomes và VRE của Vincom Retail đều giảm giá. Trong đó, VHM giảm 7,6%, VIC và VRE giảm lần lượt 4,86% và 4,76%./.