Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục đi xuống trong tuần từ 19 - 23/7. Dù có những phiên hồi phục mạnh nhưng xu hướng chủ đạo của thị trường vẫn là đi xuống. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index đứng ở mức 1.268,83 điểm, tương ứng giảm 30,5 điểm (-2,35%). HNX-Index cũng giảm 5,99 điểm (-1,95%) xuống 301,77 điểm. UPCoM-Index giảm 0,96 điểm (-1,13%) xuống 84,37 điểm.
Đa số các nhóm ngành cổ phiếu đều biến động tiêu cực trong tuần vừa qua, trong đó, nhóm cổ phiếu bất động sản tuy không quá tiêu cực như tuần trước đó nhưng số mã giảm vẫn có phần chiếm ưu thế hơn. Thống kê 119 cổ phiếu bất động sản đang giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam thì trong tuần qua có 63 mã giảm trong khi có 41 mã tăng giá.
“Tân binh” của nhóm bất động sản trên thị trường chứng khoán là KHG của CTCP Bất động sản Khải Hoàn Land gây chú ý khi tăng 27,3% trong tuần qua. KHG chính thức giao dịch trên sàn HNX từ ngày 19/7 với giá tham chiếu 15.000 đồng/cp. Ngay 3 phiên đầu tiên giao dịch trên sàn HNX, KHG đều tăng trần với mức tăng gần 57%. Tuy nhiên, ở 2 phiên còn lại của tuần, KHG đều bị kéo xuống mức giá sàn. Chốt tuần, KHG đứng ở mức 19.100 đồng/cp. Khối lượng khớp lệnh trung bình của cổ phiếu này là 1,36 triệu đơn vị/phiên.
Trong khi đó, cổ phiếu tăng giá mạnh nhất nhóm bất động sản là PTL của CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí với mức tăng 36,7%. PTL tăng trong bối cảnh không có thông tin hỗ trợ. Thanh khoản cổ phiếu này tăng mạnh với khối lượng khớp lệnh bình quân 39.340 cổ phiếu/phiên, trong khi ở tuần trước đó chỉ là 8.250 đơn vị/phiên.
Cổ phiếu NBB của CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy hay CRE của CTCP Bất động sản Thế Kỷ tăng lần lượt 11% và 10,1%. Động lực giúp 2 cổ phiếu này đi lên trong tuần qua là nhờ kết quả kinh doanh quý II/2021 mới công bố là tích cực. Cụ thể, doanh thu thuần của NBB đạt 390,5 tỷ đồng tăng 37% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế 177 tỷ đồng tăng 88% so với quý II/2020. EPS quý 2 đạt 2.175 đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, NBB đạt 553 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 28% so với cùng kỳ, nhờ doanh thu tài chính nên lợi nhuận sau thuế đạt gần 210 tỷ đồng tăng 112% so với cùng kỳ 2020. EPS 6 tháng đạt 2.572 đồng.
Còn đối với CRE, doanh nghiệp này đạt 1.644 tỷ đồng doanh thu thuần cao gấp 3,8 lần cùng kỳ. Công ty lãi sau thuế 128 tỷ đồng tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái tương đương EPS đạt 1.324 đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, CRE đạt 3.685 tỷ đồng doanh thu thuần cao gấp hơn 5 lần cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 251 tỷ đồng tăng 80,6% so với nửa đầu năm 2020. EPS 6 tháng đạt 2.608 đồng.
Tương tự là trường hợp CTCP Đầu tư Nam Long (Mã CK: NLG) khi tăng 6,5%. Theo BCTC quý II/2021, doanh thu của công ty này đạt 401 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế trong kỳ là 48 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 80 tỷ hồi quý II/2020. Luỹ kế 6 tháng, NLG đạt doanh thu thuần 636,5 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nửa đầu năm NLG phát sinh khoản thu nhập khác gần 430 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, NLG đạt hơn 412 tỷ lãi ròng sau nửa đầu năm, tăng 131%, chủ yếu nhờ sự đóng góp từ việc mua Công ty TNHH Thành phố Waterfront Đồng Nai.
Ngoài ra, nhiều cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao khác như HDC của CTCP Phát triển Nhà Bà Rịa – Vũng Tàu, SCR của CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín, CEO của Tập đoàn CEO… cũng tăng giá tốt trong tuần qua.
Ở chiều ngược lại, dù số mã giảm áp đảo nhưng chỉ có 2 mã giảm trên 10% là HIZ của CTCP Khu công nghiệp Hố Nai và TEG của CTCP Năng lượng và Bất động sản Trường Thành.
Bên cạnh đó, NRC của CTCP Tập đoàn Danh Khôi giảm 7,8%. Theo BCTC quý II mới được công bố, doanh thu thuần trong kỳ đạt vỏn vẹn 1,8 tỷ đồng giảm tới 98% so với cùng kỳ. Công ty báo lỗ sau thuế gần 46 tỷ đồng trong đó công ty mẹ chịu lỗ 45 tỷ đồng, quý II/2020 NRC có lãi hơn 33 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, NRC đạt 4,8 tỷ đồng doanh thu thuần chỉ bằng 1/20 cùng kỳ, lỗ ròng 69 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi sau thuế 2,3 tỷ đồng.
Vừa qua, Bà Nguyễn Ngọc Trâm - Phó Tổng Giám đốc công ty này mới đăng ký bán 137.484 cổ phiếu. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ 21/7 đến 19/8 thông qua thỏa thuận và khớp lệnh.
Các cổ phiếu như HAR của CTCP BĐS An Dương Thảo Điền, DXS của CTCP Dịch vụ BĐS Đất Xanh, AMD của CTCP FLC Stone, HQC của CTCP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân… cũng đồng loạt giảm giá, nhưng mức giảm của các cổ phiếu này đều không quá mạnh.
Đối với nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn, diễn biến chủ yếu là biến động hẹp. Trong đó, các cổ phiếu như VIC của Tập đoàn Vingroup, VHM của CTCP Vinhomes, PDR của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt hay NVL của Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va đều có mức giảm dưới 2%. Trong khi đó, VRE của CTCP Vincom Retail và BCM của Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp giảm lần lượt 2,5% và 2,4%. THD của CTCP Thaiholdings là cổ phiếu bất động sản lớn duy nhất còn tăng giá nhưng mức tăng cũng chỉ vỏn vẹn 0,3%./.