Về quỹ db x-trackers FTSE Vietnam UCITS ETF (DB), với số liệu cập nhật ngày 18/8, ước tính chỉ số FTSE Vietnam Index có thể thêm vào danh mục cổ phiếu PLX do thanh khoản của cổ phiếu đã được kiểm nghiệm đủ thời gian 3 tháng, thỏa mãn tất cả các tiêu chí về quy mô vốn hóa và tỷ lệ tự do chuyển nhượng lớn hơn 5%. Dự kiến tỷ trọng của PLX trong danh mục mới có thể đạt 1,99%, tương đương khối lượng mua 1,5 cổ phiếu.
Bên cạnh đó, TCH có thể được thêm vào danh mục do đã đạt đủ các tiêu chí yêu cầu. Tỷ trọng dự kiến là 1,44%, tương đương quỹ DB ETF có thể mua vào 4,6 triệu cổ phiếu.
Về trường hợp của BHS và SBT, theo quy tắc chỉ số FTSE, khi có hoạt động sáp nhập hai cổ phiếu thành phần, cổ phiếu của công ty sáp nhập vẫn được giữ lại trong rổ chỉ số. Cổ phiếu BHS sẽ bị hủy niêm yết vào ngày 30/8 và hoán đổi sang cổ phiếu SBT với tỷ lệ 1.02. Dự kiến lượng cổ phiếu phát hành thêm sẽ chính thức giao dịch trên HOSE khoảng 3 tháng sau khi hủy niêm yết. FTSE sẽ chốt dữ liệu tính toán trước thời điểm BHS bị hủy niêm yết, và lượng cổ phiếu phát hành thêm chưa được giao dịch khi các quỹ thực hiện tái cơ cấu danh mục trong tháng 9. Giả định quỹ DB FTSE sẽ giữ lại SBT trong danh mục và chờ hoán đổi BHS theo tỷ lệ tương ứng.
Tính toán tỷ trọng danh mục với cổ phiếu SBT sau khi sáp nhập là 3,29%, tương ứng 7 triệu cổ phiếu SBT sau sáp nhập. Với 3,4 triệu cổ phiếu BHS hiện tại và 3,53 triệu cp SBT hiện có trong danh mục của DB FTSE ETF trước khi sáp nhập, quỹ DB FTSE ETF có thể chỉ mua thêm khoảng 261 nghìn cổ phiếu SBT và chờ hoán đổi BHS. Giá trị mua thêm là không đáng kể vì vậy có thể coi việc sáp nhập SBT, BHS không làm thay đổi tỷ trọng của các cổ phiếu còn lại trong rổ.
Quỹ db x-trackers FTSE Vietnam UCITS ETF hiện có tổng tài sản 192,8 triệu EUR. Với giả định chỉ số FTSE Vietnam Index sẽ thêm vào PLX và TCH, loại ra BHS để sáp nhập vào SBT, tỷ trọng danh mục dự kiến như sau:
Có thể thấy, chất lượng bộ chỉ số FTSE Vietnam Index đang ngày càng giảm sút do có nhiều cổ phiếu chất lượng kém được bổ sung vào rổ chỉ số. Tính từ đầu năm, NAV của DB FTSE Vietnam ETF đã giảm -6,8% trong khi 2 ETF sử dụng 2 chỉ số khác làm tham chiếu là VanEck Vectors Vietnam ETF (sử dụng chỉ số MVIS Vietnam Index do Vaneck tự xây dựng) và KIM KINDEX Vietnam ETF của Hàn Quốc (sử dụng chỉ số VN30 do HOSE xây dựng) có NAV tăng lần lượt là 8,6% và 10,5%. Sở dĩ chỉ số VN30 có chất lượng tốt nhất một phần do VN30 được xây dựng dựa trên những nguyên tắc vừa linh hoạt và chặt chẽ nhằm giảm thiểu khả năng các cổ phiếu kém chất lượng được vào chỉ số đồng thời tăng khả năng các cổ phiếu tốt, các doanh nghiệp đầu ngành được tham gia vào chỉ số.
Về quỹ VanEck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF), với số liệu chốt ngày 18/8, dự đoán không có cổ phiếu nào bị loại khỏi danh mục chỉ số MVIS Vietnam Index. Có 3 cổ phiếu đạt đủ các điều kiện yêu cầu bao gồm HBC, KBC và DXG. Tuy nhiên, do quan sát thấy MVIS vẫn giữ quan điểm thận trọng trong những lần rà soát danh mục gần đây, quỹ sẽ không thêm cổ phiếu nào trong kỳ này. Tuy nhiên, cần lưu ý môt số cổ phiếu có tỷ trọng thấp trong danh mục có thể bị loại ra trong trường hợp MVIS tìm đủ cổ phiếu offshore thay thế để đảm bảo số lượng tối thiểu 25 cổ phiếu thành phần trong rổ chỉ số.
Về trường hợp SBT và BHS, khác với FTSE, danh mục chỉ số MVIS Vietnam Index chỉ có SBT nên sẽ không nhận được cổ phiếu phát hành thêm để hoán đổi. Tại thời điểm quỹ thực hiện tái cơ cấu danh mục, lượng cổ phiếu này cũng chưa được giao dịch chính thức nên khối lượng cổ phiếu SBT lưu hành vẫn giữ nguyên. Tính toán tỷ trọng danh mục dựa trên giả định SBT vẫn chưa được hoán đổi trong kỳ này và cho rằng MVIS sẽ nâng tỷ trọng SBT trong kỳ sau.
Quỹ VanEck Vectors Vietnam ETF hiện có tổng tài sản 290,7 triệu USD, trong đó cổ phiếu Việt Nam chiếm 73,97% danh mục. Giả định tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam giữ nguyên, tỷ trọng mới và khối lượng giao dịch của quỹ ước tính như sau: