Aa

Nhiều đại biểu Quốc hội đồng ý gia hạn tiến độ dự án sân bay Long Thành

Thứ Năm, 09/11/2023 - 13:30

Nhiều đại biểu Quốc hội thống nhất việc cần phải sửa đổi Nghị quyết 53, thống nhất phải điều chỉnh thời gian tiến độ của dự án và đề xuất các giải pháp để bố trí nguồn vốn hợp lý.

Sáng nay, 9/11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Nhiều đại biểu cho rằng cần phải sửa đổi Nghị quyết 53, thống nhất phải điều chỉnh thời gian tiến độ của dự án và đề xuất các giải pháp để bố trí vốn hợp lý. Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần thẳng thắn nhìn nhận các nguyên nhân dẫn đến việc chậm tiến độ để không tiếp tục chậm tiến độ sau khi gia hạn.

Chậm tiến độ 3 năm, không “đổ” cho COVID-19

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cơ bản đồng tình với đề nghị của Chính phủ và ý kiến thẩm tra về việc cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn. Đại biểu cho rằng đây là cơ sở pháp lý để có thể tiếp tục triển khai hoàn thành các dự án thành phần có cấu phần xây dựng cũng như triển khai công tác giải ngân các dự án. Việc xem xét điều chỉnh này đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 6 là phương án này là hợp lý. 

Bà Mai Hoa nêu rõ dù đã có nhiều nỗ lực nhưng tiến độ dự án sân bay Long Thành đang rất chậm và gặp nhiều khó khăn. Đại biểu cho rằng dịch COVID-19 không phải lý do chính vì quyết tâm của tỉnh Đồng Nai và Chính phủ khi trình Quốc hội khóa XIV là sẽ bàn giao mặt bằng vào năm 2020, tức là trước năm 2021, trong khi COVID-19 diễn ra tại Đồng Nai vào giữa năm 2021.

Theo bà, còn có nhiều nguyên nhân và Chính phủ cũng như tỉnh Đồng Nai cần phải có những phân tích để có thêm những bài học kinh nghiệm cho những dự án tương tự.

Ngoài ra, việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được triển khai một lần và hoàn thành trước năm 2021 là nội dung được quy định trong Nghị quyết 53/2017/QH14. Tuy nhiên, theo đề nghị trình Quốc hội tại kỳ họp này là hết năm 2024, tức là dự kiến sẽ chậm tới 3 năm.

Đại biểu Nguyễn Thi Mai Hoa đặt vấn đề việc điều chỉnh thời gian của dự án thành phần này đã và sẽ ảnh hưởng như thế nào tới tiến độ hoàn thành đưa vào khai thác giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành dự kiến là sẽ xong vào năm 2025?

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa thảo luận. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đại biểu cho rằng cần phải có một sự cam kết thật rõ từ phía Chính phủ. “Liệu dự án có bị chậm, bị chậm trong bao lâu và ngoài việc điều chỉnh thời gian lần này thì còn có thể sẽ phải trình nội dung nào khác không?”, Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đặt câu hỏi.

Nêu rõ dự án sân bay Long Thành là một dự án rất là lớn và vắt qua 3 nhiệm kỳ Quốc hội: Quốc hội khóa XIII thông qua chủ trương đầu tư; Quốc hội khóa XIV ban hành Nghị quyết 53/2017/QH14 đồng ý cho tách dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; Quốc hội khóa XV xem xét chấp thuận sẽ đưa vào Nghị quyết Kỳ họp thứ 6 cho phép lùi thời hạn giải ngân dự án thành phần, bà Hoa cho rằng đây là sự cố gắng, nỗ lực và đồng hành của Quốc hội đối với Chính phủ để thực hiện một dự án lớn.

"Hy vọng tiến độ hoàn thành giai đoạn một vào năm 2025 sẽ được bảo đảm và không có thêm một lần trình lùi hoãn thời gian nào nữa,” Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nêu rõ.

Đây cũng là vấn đề được Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đặt ra. Đại biểu Việt Nga cho hay hầu như các nguyên nhân được Chính phủ nêu ra trong báo cáo về việc chậm tiến độ đều là những nguyên nhân khách quan, không có nguyên nhân chủ quan, thậm chí có nguyên nhân chưa có tính thuyết phục cao, như do đại dịch COVID-19.

Đại biểu đề nghị cần có những đánh giá sát thực hơn nguyên nhân dẫn đến việc triển khai dự án bị chậm nhiều so với tiến độ, đặc biệt là những nguyên nhân chủ quan, để từ đó có biện pháp khắc phục hiệu quả, tránh việc đã gia hạn nhưng vẫn tiếp tục chậm trễ trong thời gian tới. 

Ngoài ra, công tác triển khai đề án đào tạo nghề giải quyết việc làm và tổ chức lại đời sống cho người dân được tiến hành quá chậm, trong khi đây là nội dung quan trọng của dự án. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng và có giải pháp cụ thể cho vấn đề này.

Giải bài toán bố trí ngân sách

Cơ bản đồng thuận về việc kéo dài thời gian thực hiện dự án cũng gia hạn giải ngân nguồn vốn cho dự án, các đại biểu đã thảo luận về giải pháp phù hợp cho việc bố trí vốn vào giai đoạn nào.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đề nghị bổ sung số vốn còn thiếu của dự án vào Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024 chuẩn bị trình Quốc hội thông qua.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng giải trình. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đây cũng là giải pháp được Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu đưa ra. Đại biểu Toàn đề nghị bổ sung bố trí vào dự toán ngân sách năm 2024 để đảm bảo đủ vốn cho dự án này đồng thời tăng bội chi tương ứng để đảm bảo giải quyết đúng quy định, tạo thuận lợi cho dự án hoàn thành.

Tuy nhiên, một số đại biểu băn khoăn về vấn về tính pháp lý của vấn đề này. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng việc kéo dài ngân sách vốn đã giao từ năm 2021 sang năm 2024 có phù hợp với Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách Nhà nước không, Chính phủ cần làm rõ trước Quốc hội.

Trước ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho hay Chính phủ sẽ tiếp tục đánh giá, xác định các nguyên nhân chủ quan, từ đó rút kinh nghiệm và khắc phục triệt để trong thời gian tới.

Cũng theo Bộ trưởng Thắng, đến nay dự án đã thu hồi đạt 97,6% và bàn giao 100% mặt bằng giai đoạn 1 cho các chủ đầu tư triển khai. Còn lại 24% dự án thuộc giai đoạn 2 nên việc chậm thu hồi mặt bằng 2,4% còn lại không ảnh hưởng đến việc thi công dự án.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho hay trong giai đoạn 1, gói thầu xây dựng nhà ga hành khách mới khởi công từ tháng 8/2023 và sẽ hoàn thành vào tháng 11/2026, chậm hơn so với yêu cầu của Quốc hội là hoàn thành vào 2025. Chủ đầu tư đang chỉ đạo quyết liệt các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ để có thể hoàn thành sớm vào 2025.

Về giải pháp triển khai xử lý dứt điểm các tồn tại sau khi được Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện dự án, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải sẽ kết hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai theo dõi đôn đốc, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc.

Về kéo dài thời gian giải ngân vốn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay do dự án chưa hoàn thành nên tỉnh Đồng Nai chưa hoàn trả nguồn vốn kết dư này vào ngân sách Trung ương. Để không ảnh hưởng đến kế hoạch năm 2024-2025 trong khi nguồn vốn kết dư vẫn nằm trong ngân sách tỉnh Đồng Nai, Bộ trưởng đề nghị chuyển phần vốn kết dư này sang ngân sách của tỉnh Đồng Nai năm 2024./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top