Doanh thu quý IV/2023 cải thiện
Trong tháng đầu tiên của năm 2024, một số doanh nghiệp bất động sản niêm yết đã công bố tình hình tài chính quý IV/2023. Dù thị trường vẫn còn nhiều khó khăn nhưng số liệu các doanh nghiệp đưa ra tương đối khả quan khi kết quả quý sau ghi nhận tốt hơn quý trước. Thậm chí, một số doanh nghiệp còn ghi nhận lợi nhuận quý cuối năm 2023 cao hơn cùng kỳ năm 2022.
Đơn cử như Công ty Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (NDN), công ty này ghi nhận doanh thu thuần lên tới 68 tỷ đồng trong quý cuối của năm 2023, vượt xa so với mức 1 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, doanh nghiệp lãi ròng khoảng 24 tỷ đồng, trong khi quý IV/2022 lỗ gần 13 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (D2D) cũng ghi nhận tín hiệu khởi sắc khi doanh thu thuần đạt 118,6 tỷ đồng trong quý IV/2023, tăng 57% so với cùng kỳ 2022. Lợi nhuận gộp sau khấu trừ giá vốn bán hàng là 38 tỷ đồng, tăng 35%; lãi ròng hơn 23 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ. Được biết, đây cũng là quý có kết quả tốt nhất của D2D kể từ quý I/2022. Lũy kế cả năm 2023, D2D đạt mức lãi ròng hơn 25 tỷ đồng, tăng 48% so với năm 2022.
Báo cáo tài chính quý IV/2023 vừa công bố của CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (AGG) cũng cho thấy bức tranh kinh doanh khả quan khi doanh thu quý IV đạt 86 tỷ đồng, lãi ròng đạt 300 triệu đồng. Ước tính doanh thu cả năm 2023 đạt khoảng 3.800 tỷ đồng và lãi ròng 135 tỷ đồng, lần lượt vượt 27% kế hoạch doanh thu và vượt 35% kế hoạch lợi nhuận. Trong đó, doanh thu chủ yếu đến từ việc bàn giao dự án Westgate (Bình Chánh, TP.HCM) với hơn 2.000 sản phẩm.
CTCP Tập đoàn Hà Đô (HDG) mới đây cũng cho biết, doanh thu cả năm 2023 ước đạt 3.020 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 974 tỷ đồng, vượt 6% kế hoạch lợi nhuận năm. Tương ứng doanh thu và lãi sau thuế của riêng quý IV lần lượt đạt khoảng 1.000 tỷ đồng và 441 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp khác cũng có kết quả kinh doanh khá tích cực là Công ty Cổ phần Địa ốc First Real (FIR). Theo đó, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 54 tỷ đồng trong quý IV/2023, tăng hơn 60% so với quý trước. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp là hơn 9,7 tỷ đồng, tăng vượt trội gấp 5 lần so với mức 1,8 tỷ đồng ở quý III/2023.
Ngoài ra, tỷ lệ cơ cấu nợ/tài sản của doanh nghiệp vẫn giữ ở biên độ an toàn khi tổng tài sản của FIR tại thời điểm ngày 31/12/2023 đạt gần 1.328 tỷ đồng.
Những con số khả quan về tình hình tài chính mà các doanh nghiệp công bố đã cho thấy "ánh sáng" đang dần hé lên trên thị trường bất động sản. Dù vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận tổng quan về sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp bất động sản hồi phục nhưng có thể khẳng định, nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp vừa và nhỏ đã cố gắng không ngừng để cải thiện hơn trong quý IV/2023.
Kỳ vọng sẽ tiếp đà khởi sắc trong năm 2024
Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), 2023 là một năm đầy "vất vả" với thị trường bất động sản Việt Nam.
Khi thị trường xuống dốc, sức khỏe nội tại của doanh nghiệp bất động sản Việt Nam lại chưa đủ mạnh và khả năng ứng biến với các tình huống chưa cao. Vì vậy, năm 2023 đã có 1.286 doanh nghiệp giải thể, tăng 7,7% so với năm 2022; 3.705 doanh nghiệp ngừng có thời hạn, tăng 47,4%. Trong khi đó, số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới chỉ đạt 4.725, giảm 45%.
Cùng sự ra đi của hàng loạt doanh nghiệp bất động sản thì hàng nghìn môi giới cũng mất việc, bỏ nghề. Thị trường chỉ còn khoảng 20% môi giới bất động sản đang hoạt động tính đến thời điểm cuối năm 2023.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho biết, thị trường không hoàn toàn tối màu từ đầu năm đến cuối năm mà đã ghi nhận những chuyến biến có chiều hướng tích cực khi quý sau tốt hơn quý trước, đặc biệt là quý cuối năm 2023.
Cụ thể, trong quý IV/2023 rất nhiều doanh nghiệp bất động sản đã chủ động linh hoạt để thích ứng thông qua việc thực hiện đa dạng các chính sách bán hàng. Các doanh nghiệp cũng chủ động cắt giảm tối đa các chi phí quản lý doanh nghiệp, tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu bộ máy. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ dần có kết quả sau thời gian dài thực hiện. Nổi bật là việc tháo gỡ khó khăn cho dự án tại các địa phương. Thống kê của VARs cho biết, tính đến cuối năm 2023, cả nước đã có 500 dự án được gỡ vướng và khởi động trở lại.
"Với sự hỗ trợ từ phía Chính phủ và nỗ lực không ngừng từ các doanh nghiệp thì việc ghi nhận doanh thu khả quan hơn trong quý cuối của năm 2023 là điều dễ hiểu", ông Đính khẳng định và cho rằng, những con số khả quan của quý cuối năm qua sẽ là động lực để các doanh nghiệp "bước tiếp" ở chặng đường sắp tới và có thể kỳ vọng rằng, doanh nghiệp bất động sản nói riêng và thị trường bất động sản nói chung sẽ lấy lại đà hồi phục trong năm 2024.
Tại Diễn đàn Thị trường bất động sản 2024, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cũng nhận định, một vài tín hiệu tích cực của thị trường địa ốc đã xuất hiện ở thời điểm cuối năm 2023. Những tín hiệu này chưa thể giúp thị trường thay đổi nhiều nhưng sẽ là nền tảng quan trọng đưa niềm tin trở lại thị trường, từ đó giúp thị trường hồi phục rõ rệt trong nửa cuối năm 2024.
Theo ông Thành, nửa đầu năm 2024 thị trường vẫn sẽ chuyển biến chậm nhưng sang nửa cuối năm, thị trường sẽ nhanh nhạy hơn và đi lên theo chiều hướng tích cực.
"Toàn bộ quy hoạch của các tỉnh thành, trong đó có cả Hà Nội và TP.HCM sẽ hoàn thành trong năm 2024; hạ tầng giao thông được đẩy mạnh; sự chuyển hướng nâng cấp đối tác chiến lược… là những động lực mạnh mẽ để chúng ta kỳ vọng 2024 sẽ là năm chuyển tiếp thuận lợi giữa chu kỳ cũ và chu kỳ mới của thị trường bất động sản. Đặc biệt, khi 3 bộ luật quan trọng là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã được thông qua có hiệu lực, thị trường sẽ có cơ sở pháp lý hoàn thiện hơn để "hồi sinh" các dự án, các doanh nghiệp có điểm tựa để mạnh dạn hơn trong việc đầu tư", TS. Võ Trí Thành nhìn nhận./.