“Nhiều doanh nghiệp bất động sản lạm dụng trái phiếu doanh nghiệp thông qua các công ty vỏ”

“Nhiều doanh nghiệp bất động sản lạm dụng trái phiếu doanh nghiệp thông qua các công ty vỏ”

Thứ Sáu, 31/05/2024 - 06:00

Theo ông Dương Đức Hiếu, Giám đốc, Chuyên gia phân tích cao cấp Khối Xếp hạng và Nghiên cứu, VIS Rating, trái phiếu doanh nghiệp đã trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho các doanh nghiệp bất động sản nhằm phục vụ việc triển khai các dự án, đặc biệt là các dự án chưa đủ điều kiện pháp lý để vay vốn từ ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã lạm dụng trái phiếu doanh nghiệp thông qua việc dùng các công ty vỏ (SPE) để huy động vốn. Đây là các công ty với những đặc điểm như không có hoạt động kinh doanh thật, không có dòng tiền hoạt động, khả năng thanh khoản thấp.

********

Xoay quanh vấn đề này, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) đã có cuộc trao đổi với ông Dương Đức Hiếu, Giám đốc, Chuyên gia phân tích cao cấp Khối Xếp hạng và Nghiên cứu VIS Rating

“Nhiều doanh nghiệp bất động sản lạm dụng trái phiếu doanh nghiệp thông qua các công ty vỏ”- Ảnh 1.

ông Dương Đức Hiếu, Giám đốc, Chuyên gia phân tích cao cấp Khối Xếp hạng và Nghiên cứu VIS Rating.

Tỷ lệ chậm trả gốc lãi của nhóm bất động sản tăng cao, hiện đạt đến mức khoảng 30%

PV: Ông đánh giá ra sao về quy mô và chất lượng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam?

Ông Dương Đức Hiếu: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nói chung và trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ nói riêng mới chỉ phát triển mạnh kể từ năm 2018 trở lại đây. Trước năm 2018, quy mô toàn thị trường chỉ ở mức dưới 4% GDP. Tuy nhiên, trong trong giai đoạn 2018 – 2021, thị trường phát triển với tốc độ rất nhanh. Đỉnh điểm của thị trường trái phiếu là năm 2021 với tổng giá trị phát hành mới lên tới gần 800 nghìn tỷ đồng đã đưa giá trị lưu hành của trái phiếu doanh nghiệp lên tới gần 18% GDP. Trong giai đoạn điều chỉnh năm 2022 – 2023, do phát hành mới sụt giảm, quy mô giảm về mức như hiện tại.

Tuy vậy, có thể thấy TPDN vẫn là một kênh huy động vốn dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp. Theo thống kê của chúng tôi, giá trị phát hành TPDN mới cao hơn từ 3 - 6 lần so với giá trị phát hành cổ phiếu niêm yết mới trong 5 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, vào cuối năm 2023, Chính phủ cũng đã đưa ra lộ trình phát triển thị trường tài chính, trong đó có nhắc tới mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp đến năm 2025 đạt 20% GDP và 2030 đạt 25% GDP. Thông điệp từ Chính phủ cho thấy, mặc dù trải qua những trục trặc gần đây nhưng trái phiếu doanh nghiệp vẫn được cơ quan quản lý định hướng là một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Chúng tôi kỳ vọng năm 2024 và đặc biệt là năm 2025, thị trường trái phiếu sẽ hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ khi các vấn đề chậm trả nợ gốc/lãi dần được giải quyết và nhu cầu vốn đối với các doanh nghiệp lớn hơn, kết hợp với các quy định chặt chẽ, xếp hạng tín nhiệm giúp tâm lý nhà đầu tư được cải thiện và đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.

“Nhiều doanh nghiệp bất động sản lạm dụng trái phiếu doanh nghiệp thông qua các công ty vỏ”- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

PV: Theo báo cáo của Bộ Tài chính, dư nợ trái phiếu phát hành riêng lẻ của doanh nghiệp bất động sản tại thời điểm ngày 5/3/2024 là gần 351.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh chung của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông đánh giá ra sao về số lượng và chất lượng phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản giai đoạn vừa qua?

Ông Dương Đức Hiếu: Trong các năm qua, trái phiếu doanh nghiệp đã trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho các doanh nghiệp bất động sản nhằm phục vụ việc triển khai các dự án, đặc biệt là các dự án chưa đủ điều kiện pháp lý để vay vốn từ ngân hàng.

Dư nợ trái phiếu phát hành riêng lẻ của nhóm bất động sản gần 351 nghìn tỷ đồng, hiện bằng khoảng 30% dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản của ngành ngân hàng, cho thấy vai trò lớn của trái phiếu trong cơ cấu vốn của ngành bất động sản.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã lạm dụng trái phiếu doanh nghiệp thông qua việc dùng các công ty vỏ (SPE) để huy động vốn. Tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp phi ngân hàng phát hành bởi các công ty SPE chiếm trung bình 28% lượng phát hành trong giai đoạn 2019 - 2022, chủ yếu thuộc nhóm bất động sản, với hình thức phát hành toàn bộ là riêng lẻ.

Đây là các công ty với những đặc điểm như không có hoạt động kinh doanh thật, không có dòng tiền hoạt động, khả năng thanh khoản thấp. Việc lạm dụng này đã khiến tỷ lệ chậm trả gốc lãi của nhóm bất động sản tăng cao trong giai đoạn vừa qua, hiện đạt đến mức khoảng 30%.

Với việc Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực toàn bộ từ đầu năm 2024, các điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ đã được siết chặt hơn. Chúng tôi kỳ vọng việc nâng cao kỷ luật thị trường, đặc biệt là việc áp dụng xếp hạng tín nhiệm bắt buộc đối với một số trường hợp, sẽ giúp chất lượng trái phiếu phát hành của các doanh nghiệp bất động sản được cải thiện trong thời gian tới.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2024

PV: Theo như phân tích của ông, dù đối diện với nhiều thách thức nhưng dường như thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có những tín hiệu dần phục hồi?

Ông Dương Đức Hiếu: Chúng tôi nhận định rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2024, thể hiện ở số lượng trái phiếu chậm trả phát sinh mới cùng các trái phiếu có rủi ro cao giảm bớt so với giai đoạn trước do môi trường kinh doanh phục hồi, giúp doanh nghiệp hồi phục doanh thu và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh.

“Nhiều doanh nghiệp bất động sản lạm dụng trái phiếu doanh nghiệp thông qua các công ty vỏ”- Ảnh 3.

Ông Dương Đức Hiếu, Giám đốc, Chuyên gia phân tích cao cấp Khối Xếp hạng và Nghiên cứu VIS Rating

"Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2024, thể hiện ở số lượng trái phiếu chậm trả phát sinh mới cùng các trái phiếu có rủi ro cao giảm bớt so với giai đoạn trước do môi trường kinh doanh phục hồi giúp doanh nghiệp hồi phục doanh thu và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh".

Một số ngành nghề có tỷ lệ chậm trả cao như bất động sản, xây dựng và tiện ích sẽ được hưởng lợi từ những chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Đặc biệt, những thay đổi về khuôn khổ pháp lý giúp các dự án được đẩy nhanh tiến độ, qua đó tăng khả năng tiếp cận vốn mới cho chủ đầu tư.

Đồng thời, chúng tôi cho rằng, khối lượng phát hành trái phiếu sẽ tiếp tục hồi phục, dẫn dắt bởi nhu cầu phát hành trái phiếu tăng lên của nhóm ngân hàng để đáp ứng các quy định mới về an toàn vốn, cùng với mặt bằng lãi suất ở mức thấp sẽ giảm bớt áp lực trả lãi cho các tổ chức phát hành. Chúng tôi kỳ vọng rằng, năm 2024 sẽ tiếp tục xu hướng của năm ngoái là phát hành cải thiện dần và mức chênh lệch giữa phát hành mới và đáo hạn sẽ tiếp tục co hẹp.

PV: Trong bối cảnh như vậy, ông có lưu ý gì cho nhà đầu tư?

Ông Dương Đức Hiếu: Đứng trên góc độ là một đơn vị xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp và công cụ nợ, chúng tôi cho rằng, trái phiếu doanh nghiệp là một công cụ đầu tư có rủi ro, vì thế nhà đầu tư khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp cần lưu ý một số điểm như sau:

Đầu tiên, nhà đầu tư cần hiểu rõ về mức độ chấp nhận rủi ro của bản thân mình cũng như các rủi ro khi đầu tư vào trái phiếu nói chung để có thể xác định xem đầu tư trái phiếu có phải là một sản phẩm tài chính phù hợp với mình hay không.

Tiếp theo, nhà đầu tư cần có hiểu biết về hoạt động kinh doanh của tổ chức phát hành, các rủi ro cũng như khả năng nhà phát hành trả nợ khi đến hạn là như thế nào. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần tham khảo các thông tin được công bố về chính các trái phiếu mình muốn tìm hiểu đầu tư, thường được công bố trong các tài liệu phát hành trái phiếu, để có thể đánh giá và hiểu đúng những quyền lợi của trái chủ và các điều khoản, điều kiện đi kèm.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng có thể tham khảo các đánh giá về tín nhiệm của tổ chức phát hành được cung cấp bởi các công ty xếp hạng tín nhiệm. Công ty xếp hạng tín nhiệm có thể đánh giá xếp hạng cho cả tổ chức phát hành và cả chính trái phiếu mà nhà đầu tư đang quan tâm, cung cấp góc nhìn độc lập và khách quan về sức khỏe tín dụng của tổ chức phát hành đối với nghĩa vụ trả nợ.

Cuối cùng, điều cốt yếu đối với nhà đầu tư trái phiếu là cần có tìm hiểu kỹ càng và đánh giá về rủi ro để có thể xác định mức giá phù hợp đối với từng loại trái phiếu.

“Nhiều doanh nghiệp bất động sản lạm dụng trái phiếu doanh nghiệp thông qua các công ty vỏ”- Ảnh 4.

Ảnh minh họa

PV: Ông có dự báo gì về triển vọng thị trường bất động nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản nói riêng?

Ông Dương Đức Hiếu: Chúng tôi cho rằng, thị trường bất động sản trong phần còn lại của năm 2024 sẽ dần phục hồi dựa trên môi trường lãi suất thấp, nhu cầu nhà ở vẫn duy trì ở các thành phố lớn và các kỳ vọng về sự cải thiện nguồn cung bất động sản nhờ việc tháo gỡ pháp lý dự án.

Trong bối cảnh đó, khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp bất động sản sẽ cải thiện hơn nhờ sự hỗ trợ từ nguồn vốn vay ngân hàng, đặc biệt nếu như pháp lý dự án được cải thiện.

Tâm lý thị trường tích cực hơn cũng sẽ giúp các công ty bất động sản thuận lợi hơn trong việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán.

Trong năm 2024, khối lượng vốn cổ phần dự kiến huy động của nhóm bất động sản đạt trên 20 nghìn tỷ đồng. Khả năng tiếp cận vốn cải thiện sẽ giúp giảm áp lực đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản trong năm 2024 - 2025. Bên cạnh đó, việc gia hạn trái phiếu vẫn tiếp tục diễn ra, trong quý I/2024 số lượng trái phiếu bất động sản gia hạn đạt khoảng gần 18 nghìn tỷ đồng.

PV: Ông có nhắc đến mục tiêu mà Chính phủ đã đưa ra trong lộ trình phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp đến năm 2025 đạt 20% GDP và 2030 đạt 25% GDP. Đâu là điều kiện để có thể đạt được mục tiêu trên, đưa thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế?

Ông Dương Đức Hiếu: Theo VIS Rating, có 3 điều kiện cần để giúp thị trường trái phiếu Việt Nam phát triển đạt được mục tiêu đề ra là quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tới năm 2030 đạt tối thiểu là 25% GDP.

Thứ nhất, cần tăng cường minh bạch thông tin thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bởi nếu không minh bạch thị trường sẽ không thể và không bao giờ phát triển được. Theo đó, phải có thông tin về mức độ rủi ro trái phiếu bán trên thị trường bao gồm sức khỏe tài chính, mức độ rủi ro hoạt động của tổ chức phát hành, khả năng trả nợ. Các thông tin đầy đủ về rủi ro của tổ chức phát hành cần được một bên độc lập cung cấp.

“Nhiều doanh nghiệp bất động sản lạm dụng trái phiếu doanh nghiệp thông qua các công ty vỏ”- Ảnh 5.

Thứ hai, cần hình thành một tham chiếu đơn giản và phổ biến giữa lợi suất trái phiếu và mức độ tín nhiệm để nhà đầu tư dựa vào đó để biết trái phiếu đang được giao dịch mức giá thế nào, hay còn gọi là đường cong lãi suất trái phiếu doanh nghiệp. Điều này giúp các nhà đầu tư tránh tình trạng dò dẫm, không biết giá nào đúng để đặt lệnh giao dịch.

Thứ ba, thay đổi cơ cấu nhà đầu tư. Nhà đầu tư cá nhân trên thị trường Việt Nam đang có tỷ lệ sở hữu trái phiếu doanh nghiệp cao, theo thống kê của VIS Rating cuối năm ngoái nhà đầu tư đang sở hữu 33% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành. Ngược lại, với các thị trường trái phiếu doanh nghiệp có quy mô lớn trong khu vực châu Á, các nhà đầu tư tổ chức nắm giữ trái phiếu có kỳ hạn dài chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nhà đầu tư.

- Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của chuyên gia!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top