Aa

Cần tách bạch rủi ro của từng loại trái phiếu trên thị trường

Thứ Bảy, 18/05/2024 - 05:50

Theo chuyên gia VIS Rating, hiện Việt Nam đang chỉ dừng lại ở việc xếp hạng cho nhà phát hành chứ chưa có những yêu cầu cụ thể về xếp hạng đến từng loại trái phiếu. Do đó, muốn thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững, cần lưu ý đến việc tách bạch rủi ro của từng loại trái phiếu trên thị trường.

Tại Hội thảo "Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp tới 2030: Góc nhìn từ xếp hạng tín nhiệm", ông Dương Đức Hiếu, Giám đốc, Chuyên gia phân tích cao cấp Khối Xếp hạng và Nghiên cứu, VIS Rating đã có những nhận định về vai trò, giá trị của việc xếp hạng tín nhiệm trong sự phát triển bền vững của thị trường trái phiếu Việt Nam thông qua tham chiếu, dẫn chứng từ các thị trường trong khu vực châu Á.

Cụ thể, theo ông Hiếu, hiện có một điểm chung trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) châu Á là hoạt động xếp hạng tín nhiệm được diễn ra từ rất sớm như Hàn Quốc, Malaysia… và sau khi có sự xuất hiện của hoạt động xếp hạng tín nhiệm nội địa thì quy mô thị trường này đã tăng rất mạnh mẽ.

"Xếp hạng tín nhiệm đóng vai trò tiền đề rất quan trọng trong sự phát triển của thị trường TPDN", chuyên gia nhấn mạnh.

Cần tách bạch rủi ro của từng loại trái phiếu trên thị trường- Ảnh 1.

Ông Dương Đức Hiếu, Giám đốc, Chuyên gia phân tích cao cấp Khối Xếp hạng và Nghiên cứu, VIS Rating.

Về quy mô thị trường, ông Hiếu cho biết, dường như không có sự liên hệ giữa quy mô thị trường trái phiếu và số lượng các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm nội địa. Ví dụ như những thị trường rất lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc chỉ có 2 - 3 đơn vị xếp hạng tín nhiệm. Hay trong khu vực ASEAN, tại thị trường lớn nhất như Thái Lan, Malaysia cũng chỉ có 2 đơn vị xếp hạng.

Việc quản lý hoạt động xếp hạng tín nhiệm cũng như môi trường pháp lý của hoạt động này ở các quốc gia châu Á là tương đối khác nhau. Tuy nhiên, những lợi ích mà hoạt động xếp hạng tín nhiệm mang lại tại các thị trường châu Á là điểm mà Việt Nam có thể tham khảo.

Về giá trị, lợi ích mà xếp hạng tín nhiệm mang lại tại các thị trường châu Á và có thể áp dụng cho Việt Nam, theo ông Hiếu, thứ nhất là một báo cáo xếp hạng tín nhiệm sẽ mang lại cho nhà đầu tư những thông tin quan trọng như: Các yếu tố chính; các điểm yếu điểm mạnh; đánh giá ngành, các công ty cùng ngành; phân tích triển vọng tương lai và kỳ vọng; các yếu tố điều chỉnh (tính thanh khoản, quản trị rủi ro, rủi ro ESG); đánh giá các yếu tố hỗ trợ khác hay các yếu tố dẫn tới nâng/hạ kết quả xếp hạng.

Cần tách bạch rủi ro của từng loại trái phiếu trên thị trường- Ảnh 2.

Ảnh minh họa: IT

Giá trị thứ hai của xếp hạng tín nhiệm là tách bạch rủi ro của từng loại trái phiếu. Có thể hiểu là phân loại chất lượng của từng loại trái phiếu.

Hiện chất lượng trái phiếu được phản ánh dựa trên rủi ro của đơn vị phát hành, mức độ ưu tiên thanh toán của trái phiếu, và dựa trên các biện pháp đảm bảo như tài sản đảm bảo, hay có đơn vị bảo lãnh hay không. 

Từ đây, theo chuyên gia VIS Rating, việc phân tích các yếu tố kể trên sẽ có đánh giá tổng quan về chất lượng của từng loại trái phiếu. Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc xếp hạng cho nhà phát hành chứ chưa có những yêu cầu cụ thể về xếp hạng đến từng loại trái phiếu. Do đó, đây là một điểm mới mà Việt Nam cần lưu ý. 

Bên cạnh đó, việc phân loại chất lượng của các sản phẩm sẽ chưa có được nhiều giá trị nếu không dẫn đến sự phân loại định giá của từng sản phẩm. Vì vậy, một trong những giá trị quan trọng nhất từ hoạt động xếp hạng tín nhiệm của các quốc gia châu Á là mang lại sự phân loại về định giá từng sản phẩm.

Đưa ra góc nhìn sâu hơn về vấn đề này, ông Dương Đức Hiếu cho biết, trái phiếu là một sản phẩm tài chính có giá biến động rất lớn theo chỉ số vĩ mô. Nếu quan sát kỹ trên các thị trường châu Á qua nhiều chu kỳ kinh tế, có thể thấy diễn biến giá của các rổ trái phiếu luôn dao động, tuy nhiên luôn có sự tách biệt giữa các rổ trái phiếu.

Xuyên suốt các chu kỳ kinh tế, việc định giá luôn có sự tách biệt, tức là có sự phân loại về định giá giữa các rổ hàng hóa trái phiếu khác nhau, chất lượng tín dụng khác nhau, ông Hiếu đánh giá đây là giá trị quan trọng nhất vì qua đó có thể đáp ứng được mọi nhu cầu của các nhà đầu tư. 

"Tại Việt Nam, trong những chu kỳ trước và ở cả thời điểm hiện nay, chúng ta vẫn chưa có được phân loại về định giá và điều này đã gây nhiều khó khăn trong việc lựa chọn hàng hoá phù hợp với khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư. Do đó, tôi hy vọng trong tương lai, Việt Nam sẽ sớm hình thành được tham chiếu rủi ro này để giúp cho các nhà đầu tư có thể đưa ra những quyết định đúng đắn nhất", chuyên gia kỳ vọng. 

Cuối cùng, xếp hạng tín nhiệm thúc đẩy sự tham gia của nhà đầu tư có tổ chức để phát triển chiều sâu của thị trường. Theo ông Dương Đức Hiếu, khi có đầy đủ các thông tin, có sự phân loại về chất lượng, về định giá thì sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư chất lượng.

Hiện cơ cấu nhà đầu tư TPDN ở các nước sẽ bao gồm nhóm: Ngân hàng thương mại, nhà đầu tư khác, nhà đầu tư cá nhân và Quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm, quỹ tương hỗ. Tuy nhiên, nếu so sánh thì nhóm Quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm, quỹ tương hỗ đang có vai trò hạn chế tại thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, nếu so sánh Việt Nam với các quốc gia châu Á khác thì tỷ lệ phần trăm TPDN được xếp hạng tại nước ta vẫn còn thấp. Nhìn về mặt tích cực thì điều này cho thấy tiềm năng tăng trưởng của TPDN Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, nếu nhìn vào mặt có nhiều thách thức hơn thì sẽ cần rất nhiều nỗ lực của tất cả các thành viên trên thị trường để thúc đẩy hoạt động xếp hạng tín nhiệm. Cụ thể, những nỗ lực này sẽ đến từ phía các cơ quan quản lý, các công ty xếp hạng tín nhiệm, các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư.

Để hướng tới mục tiêu của Chính phủ đề ra là nâng quy mô thị trường TPDN đạt 20% GDP vào năm 2025 và 25% GDP vào năm 2030 từ mức 10% GDP như hiện nay, ông Hiếu nhấn mạnh trong giai đoạn phát triển mới, cần đặc biệt chú trọng tới hoạt động xếp hạng tín nhiệm vì việc này sẽ giúp giải quyết được các vấn đề quan trọng trên thị trường TPDN như: Công bố thông tin kịp thời đầy đủ, bảo vệ quyền lợi của trái chủ, phân loại rủi ro của trái phiếu và phát triển chiều sâu của thị trường TPDN…/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top