Trong tháng 7/2025, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã và đang tiến hành chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức năm 2024 bằng cổ phiếu. Đây là một trong những chiến lược phổ biến nhằm mở rộng vốn điều lệ, giữ lại dòng tiền cho hoạt động đầu tư mà vẫn đảm bảo quyền lợi cổ đông.
Theo đó, CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (mã: KDH) sẽ chốt quyền trả cổ tức bằng cổ phiếu vào ngày 18/7 tới, với tỷ lệ 10%. Cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 10 cổ phiếu mới, tương ứng với số lượng cổ phiếu phát hành thêm là hơn 101 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, Khang Điền cũng đang triển khai phương án phát hành 9,96 triệu cổ phiếu ESOP cho các nhân sự chủ chốt, với giá 14.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn gần 50% so với thị giá hiện tại trên sàn HoSE. Những cái tên đáng chú ý trong danh sách nhận ESOP bao gồm bà Mai Trần Thanh Trang, Chủ tịch HĐQT; ông Lý Điền Sơn, Phó Chủ tịch HĐQT và ông Vương Văn Minh, Tổng Giám đốc. Mỗi người được phân bổ từ 1 đến 1,2 triệu cổ phiếu. Các cổ phiếu ESOP này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.
Hiện Khang Điền đang lưu hành hơn 1 tỷ cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ hơn 10.100 tỷ đồng. Sau đợt phát hành trả cổ tức và ESOP, vốn điều lệ dự kiến nâng lên hơn 11.200 tỷ đồng.
Tương tự, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP (Becamex IDC, mã: BCM) cũng sẽ phát hành hơn 113,8 triệu cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 100:11. Ngày đăng ký cuối cùng để phân bổ quyền dự kiến trong tháng 8/2025. Sau phát hành, vốn điều lệ của BCM sẽ tăng từ 10.350 tỷ đồng lên gần 11.500 tỷ đồng.
Đáng chú ý, doanh nghiệp này cũng đang lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án chào bán thêm 150 triệu cổ phiếu ra công chúng thông qua đấu giá trên sàn HoSE. Giá khởi điểm không thấp hơn giá trị sổ sách tại báo cáo tài chính tổng hợp của công ty trong quý gần nhất, không thấp hơn bình quân 30 phiên giao dịch gần nhất và tối thiểu 50.000 đồng/cp. Nếu phát hành thành công, Becamex IDC dự kiến thu về ít nhất 7.500 tỷ đồng, phục vụ đầu tư dự án, tăng vốn các công ty con và thanh toán nợ vay, trái phiếu đến hạn.
CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (mã: HHV) mới đây cũng đưa ra thông báo về việc chốt quyền trả cổ tức bằng cổ phiếu vào ngày 21/7, với tỷ lệ 20:1 tức cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu nhận 1 cổ phiếu mới. Tổng lượng phát hành dự kiến gần 23,7 triệu đơn vị. Sau phát hành, vốn điều lệ tăng từ gần 4.738 tỷ đồng lên hơn 4.975 tỷ đồng.
Trước đó, hồi tháng 5, HHV cũng đã huy động thành công 415 tỷ đồng từ đợt chào bán riêng lẻ 41,5 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, với giá 10.000 đồng/cp. Toàn bộ số tiền được sử dụng để tham gia dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
Cổ phiếu HHV hiện giao dịch quanh vùng giá 12.500 đồng/cp, không có nhiều biến động trong thời gian gần đây.
Một trường hợp khác là CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (mã: SIP). Theo đó, doanh nghiệp này thông báo chốt quyền trả cổ tức năm 2024 bằng cổ phiếu vào ngày 15/7 tới, với tỷ lệ 15%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận 15 cổ phiếu mới. Tương ứng, số lượng cổ phiếu doanh nghiệp dự kiến phát hành thêm là hơn 31,5 triệu đơn vị.
Trước đó, ngày 28/5, SIP đã chi trả cổ tức đợt 2/2024 bằng tiền mặt, tỷ lệ 7% (mỗi cổ phiếu nhận 700 đồng). Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, với kết quả kinh doanh năm 2024 tăng trưởng tích cực: doanh thu đạt 7.801 tỷ đồng (tăng 17% so với cùng kỳ), lợi nhuận sau thuế gần 1.279 tỷ đồng (tăng 27%).
Tính đến cuối năm 2024, SIP còn gần 1.700 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối, cùng hàng trăm tỷ đồng trong các quỹ thuộc chủ sở hữu.
Có thể thấy, trả cổ tức bằng cổ phiếu đang là lựa chọn ưu tiên của nhiều doanh nghiệp địa ốc trong bối cảnh dòng tiền vẫn cần được tập trung cho đầu tư và tái cơ cấu tài chính. Đây cũng là cách giúp doanh nghiệp tăng vốn điều lệ mà không làm ảnh hưởng đến thanh khoản, đồng thời tạo động lực giữ chân người lao động thông qua chương trình ESOP./.