Bức tranh kinh tế rất sáng và đáng mừng
Trong phiên thảo luận về KT-XH và ngân sách nhà nước hôm nay Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) đánh giá cao báo cáo của Chính phủ về KT-XH, cho rằng báo cáo có chiều sâu, số liệu đầy đủ, thuyết phục; khẳng định bức tranh KT-XH năm qua rất sáng, mang lại niềm tin cho cử tri và nhân dân. Chúc mừng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những kết quả đã đạt được, đại biểu nêu một loạt số liệu về công, nông, ngư nghiệp, du lịch, dịch vụ... đều tăng trưởng vượt bậc để minh chứng cho nhận định của mình.
Bên cạnh đó, đại biểu góp ý một số nội dung nhằm phát huy những kết quả đạt được, bảo đảm tăng trưởng bền vững của nền kinh tế; các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm...
Cũng trong phiên thảo luận đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) bày tỏ tán thành cao với báo cáo KT-XH của Chính phủ, cho rằng những kết quả đã đạt được trong năm 2017 và những tháng đầu năm là hết sức đáng trân trọng. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm đánh giá về một số nội dung: Hiệu quả chính sách, chính sách đi vào cuộc sống như thế nào, để qua đó có định hướng hoàn thiện chính sách.
Đại biểu cũng góp ý một số nội dung về thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn; một số địa phương vẫn còn phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; một số vấn đề liên quan đến chuyển nguồn vốn đầu tư công; nhiều dự án vẫn còn vượt tổng mức đầu tư; huy động nguồn lực ODA; vấn đề tiếp dân và xử lý đơn thư...
Dự án của VEC khiến ODA trung hạn “đội trần” gần 37.000 tỷ đồng?
Liên quan đến việc nhiều dự án vẫn còn vượt tổng mức; huy động nguồn lực ODA như đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đề cập trong phiên thảo luận hôm nay, mới đây, Kiểm toán Nhà nước vừa chỉ ra một loạt dự án của Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) có vi phạm về quy định vay vốn là một trong những nguyên nhân khiến cho trần giải ngân vốn ODA của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã vượt dự toán 36.950 tỷ đồng, dẫn đến vi phạm hạn mức vốn 300.000 tỷ đồng (bao gồm 10% dự phòng) đã được Quốc hội thông qua.
Kiểm toán Nhà nước dẫn báo cáo số 46/BC-BKHĐT ngày 25/1/2018 của Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết nhu cầu vốn ngoài nước cần bổ sung thêm là 109.630 tỷ đồng, trong đó khoản phát sinh nhưng chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn khoảng 72.680 tỷ đồng.
Khoản này gồm 19 dự án đã ký hiệp định vay vốn nhưng chưa được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn với tổng vốn vay nước ngoài gần 2 tỷ USD, ước giải ngân đến năm 2020 đạt khoảng 19.400 tỷ đồng, trong đó vốn cấp phát từ Ngân sách Trung ương khoảng 17,6 nghìn tỷ đồng. 44 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng vốn vay nước ngoài khoảng 3,78 tỷ USD, ước giải ngân đến năm 2020 từ Ngân sách Trung ương khoảng 12.100 tỷ đồng. 36 dự án mới của các bộ, ngành, địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đề xuất dự án với tổng mức vốn nước ngoài gần 2,9 tỷ USD.
Ngoài ra, còn có các dự án đã giải ngân từ năm 2016 trở về trước nhưng chưa được quyết toán là 14.034 tỉ đồng, đã được Quốc hội thông qua tại nghị quyết số 49/2017/QH14 cho phép bổ sung vào kế hoạch trung hạn.
Báo cáo cũng nêu các dự án đang thực hiện phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư cần được bổ sung dự toán khoảng 25.000 tỷ đồng, trong đó riêng dự án tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên tại TP.HCM tăng khoảng 20.000 tỷ đồng.
Và một số dự án chuyển đổi cơ chế tài chính từ cho vay lại sang hình thức nhà nước đầu tư trực tiếp (4 dự án đường cao tốc của VEC và Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) trong trường hợp được Quốc hội chấp thuận cần được bổ sung 33.650 tỉ đồng.
Như vậy, các khoản giải ngân đã cao hơn dự toán trung hạn 36.950 tỷ đồng, dẫn đến vi phạm hạn mức vốn 300.000 tỷ đồng (bao gồm 10% dự phòng) đã được Quốc hội thông qua giai đoạn 2016-2020.
Theo Kiểm toán nhà nước, khả năng giải ngân của các dự án sử dụng vốn ngoài nước đã được giao kế hoạch trung hạn (không bao gồm khoản bổ sung để quyết toán cho các dự án sử dụng vốn ngoài nước từ năm 2016 trở về trước) có thể đạt 306.950 tỉ đồng, vượt 36.950 tỷ đồng so với hạn mức đã giao 270.000 tỷ đồng (đã trừ 10% dự phòng), vượt 6.950 tỷ đồng so với hạn mức vốn trung hạn Quốc hội đã thông qua 300.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn còn giao 22.010 tỷ đồng cho 4 dự án VEC chưa tuân thủ nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 quy định "không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước", "Không sử dụng vốn ngân sách nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước..." và nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, quy định: "Không chuyển vốn vay, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước".
Điều này, theo kết quả kiểm toán là cũng vi phạm văn bản số 88 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 "Giao Chính phủ chịu trách nhiệm hoàn thiện danh mục dự án, phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, bảo đảm việc phê duyệt và giao danh mục, phân bổ vốn cho từng dự án phải tuân thủ đúng các quy định của luật Đầu tư công, luật Ngân sách nhà nước, các nghị quyết của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020".
Trước tiên, để làm rõ trách nhiệm thuộc về Bộ ngành nào khi để xảy ra tình trạng nhiều dự án vẫn còn vượt tổng mức đầu tư, đặc biệt để Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vi phạm về quy định vay vốn và phương hướng xử lý như thế nào, chúng tôi sẽ tiếp tục xin ý kiến các đại biểu trong Quốc hội thảo luận về KT-XH và Ngân sách Nhà nước lần này để thông tin tới bạn đọc!