Tín dụng thấp, lãi suất tăng
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, tăng trưởng tín dụng năm 2018 dưới mức 16%, nợ xấu tính đến hết tháng 11 đã giảm mạnh và được kiểm soát ở mức 2,16%, lạm phát tăng bình quân 3,59% trong 11 tháng năm nay.
Tín dụng tăng thấp, lạm phát được kiểm soát như mục tiêu đề ra, song ngân hàng vẫn tăng lãi suất huy động tiền gửi đầu vào. Chẳng hạn, SHB tăng lãi suất lên đến 8,7%/năm. Trong đó, với kỳ hạn từ 18 tháng trở lên, số tiền gửi dưới 2 tỷ và từ 2 tỷ đồng trở lên sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi lần lượt là 8,6%/năm và 8,7%/năm. Mức lãi suất cao nhất được áp dụng tại VPBank kỳ hạn 13 tháng là 8,5%/năm và kỳ hạn từ 18 tháng là 8,6%/năm.
Không chỉ tăng mạnh lãi suất kỳ hạn dài để cơ cấu lại nguồn vốn theo quy định của Thông tư 19/2017/TT-NHNN giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, các nhà băng cũng tăng mạnh lãi suất ở các kỳ hạn ngắn. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 1 tháng đã đụng trần cho phép 5,5%/năm tại VietABank, Viet Capital Bank… Ở kỳ hạn 1 - 6 tháng, không nhà băng nào không bỏ xa mức trần 5,5%/năm.
Không chỉ tăng lãi suất, các nhà băng còn gia tăng khuyến mãi, ưu đãi. Không ít ngân hàng còn cộng thêm biên độ lãi suất từ 0,3-0,5%/năm. Mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng dần khi cận kề thời điểm Tết Nguyên đán và dường như trần lãi suất không còn nhiều tác dụng.
Mức độ điều chỉnh lãi suất giữa các ngân hàng tương đối khác nhau dẫn tới chênh lệch lãi suất huy động trên thị trường giữa các nhà băng khá lớn. Cùng ở các kỳ hạn dài, lãi suất giữa các ngân hàng có lúc chênh nhau đến 1 - 1,5%/năm. Hiện tại, SHB, VPBank đang huy động với lãi suất cao nhất lên tới 8,6%/năm.
Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong một báo cáo mới đây, cho rằng, áp lực lên lãi suất vẫn còn kéo dài trong thời gian tới, mức lãi suất cao sẽ còn duy trì quanh mức hiện tại đến cuối Tết Âm lịch.
Vì sao chưa gỡ bỏ trần?
Trước diễn biến thị trường thời gian qua và xu hướng lãi suất tăng nửa cuối năm 2018, không ít ý kiến cho rằng, nên bỏ trần lãi suất, vì trần lãi suất không còn tác dụng trong thực tế và lãi suất cũng cần cạnh tranh theo cung - cầu vốn, có đường cong… Tuy nhiên, theo Thống đốc Lê Minh Hưng, việc áp dụng trần lãi suất huy động là cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Khi hệ thống tín dụng hoạt động tốt hơn, an toàn, lành mạnh hơn, NHNN sẽ tiếp tục xem xét dỡ bỏ những biện pháp không cần thiết.
Cũng theo người đứng đầu NHNN, việc áp dụng trần lãi suất có những cơ sở thực tiễn. Trong bối cảnh thị trường vốn chưa đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế, hệ thống ngân hàng vẫn là kênh chủ lực cung ứng vốn cho nền kinh tế, thì việc sử dụng có chọn lọc với liều lượng và thời điểm phù hợp các biện pháp hành chính vẫn là giải pháp cần thiết nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động của thị trường tiền tệ. Hơn nữa, khi chất lượng các tổ chức tín dụng chưa đồng đều, việc áp dụng trần lãi suất huy động dưới 6 tháng nhằm giữ ổn định và phát triển tiền tệ, đồng thời giữ được tâm lý kỳ vọng về lạm phát.
Nhận định về mặt bằng lãi suất năm tới, các chuyên gia tài chính đều cho rằng, lãi suất khó có thể đứng yên. Đáng chú ý là, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm điều chỉnh lãi suất lần thứ 4 trong năm nay và lộ trình 3 lần trong năm tới, tỷ giá VND/USD ít nhiều ảnh hưởng, lãi suất huy động tiết kiệm sẽ còn tăng.
"Nên theo thông lệ quốc tế" - TS. Bùi Quang Tín (Đại học ngân hàng TP.HCM) Hầu như không có nước nào trên thế giới áp trần huy động. Việt Nam cũng nên theo thông lệ quốc tế, dỡ bỏ trần lãi suất huy động. Theo quy định hiện hành, lãi suất tiền gửi cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên không bị giới hạn bởi trần lãi suất, mà do tổ chức tín dụng và khách hàng tự thỏa thuận. Riêng lãi suất huy động từ 6 tháng trở xuống, từ tháng 10/2014 đến nay, đang được NHNN áp trần 5,5%. |