Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai, về việc “san lấp, phân lô, tách thửa, bán nền, xây dựng công trình, nhà ở không đúng quy định trên địa bàn TP. Pleiku”, đã có 1.523 thửa đất tách không đúng quy định để phân lô, bán nền với 21 vị trí tại 10 phường, xã trên diện tích với 33ha. Nhiều hồ sơ vụ việc sai phạm đã được chuyển sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh kể từ năm 2018 đến nay.
Dạo quanh một vòng các địa điểm như phường Ia Kring, xã Diên Phú (TP. Pleiku), các huyện: Chư Păh, Ia Grai, Đăk Đoa… dễ dàng thấy cảnh người dân cắm biển bán đất nương rẫy khắp nơi.
Chị Trần Thị Thủy – người dân xã Ia Der, huyện Ia Grai, cho biết: “Dịch bệnh Covid-19 kéo dài, giá nông sản xuống thấp, nhiều người không có việc làm. Do đó, nhiều người dân buộc phải bán rẻ đất nương rẫy hoặc thậm chí xin chuyển một phần đổi sang đất thổ cư để phân lô bán nền, nhằm có tiền trang trải cuộc sống”.
Những năm qua giá cà phê, hồ tiêu xuống thấp, người nông dân bỏ vốn ra nhưng không thu về lợi nhuận, trong khi phải vay vốn ngân hàng để sản xuất. Ông Nguyễn Văn Tâm - Người dân ở xã Diên Phú (TP. Pleiku), cho hay chỉ những người nông dân đi vay ngân hàng hoặc có khoản nợ mới chấp nhận bán đất nương rẫy. Còn những gia đình giàu có thì sẽ dùng tiền dự trữ bấy lâu để mua thêm đất tích trữ. Bởi nhu cầu đất đang cao, giá đất lên từng ngày, còn đồng tiền thì dễ mất giá do lạm phát”.
Hiện nay, một số người dân sẵn sàng bán đất nương rẫy cho các đầu nậu thu gom đất, sau đó giới đầu cơ bất động sản bỏ tiền làm đường, hạ tầng, xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất để rao bán dự án khu dân cư. Một số dự án đầu tư xây dựng sai với quy hoạch, chưa có giấy tờ pháp lý đầy đủ xuất hiện trên địa bàn TP. Pleiku đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.
UBND TP. Pleiku cũng vừa ký văn bản kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Gia Lai phối hợp kiểm tra việc tách thửa đất nông nghiệp của ông Hoàng Văn Dũng (trú ấp Bến Cam, xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) tại tổ 9, phường Yên Thế. Ông Dũng có hơn 5.100m2 đất trồng cây lâu năm (2 sổ đỏ). Từ 2 sổ này, ông Dũng xin tách thành 7 thửa khác với diện tích từ 600 - 1.100m2 và đề nghị chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cơ quan chức năng nhận định, việc tách thửa trên có dấu hiệu của kinh doanh bất động sản, tách thành nhiều thửa đất nông nghiệp nhỏ lẻ, trái với quy hoạch đất đai. Việc phân lô bán nền trên đất nông nghiệp gây ra nhiều hệ lụy, nhiều giao dịch mua bán trái với pháp luật, dẫn đến các vụ đòi nợ, lừa đảo.
Mới đây, Tỉnh ủy Gia Lai yêu cầu Thanh tra tỉnh Gia Lai tiến hành thanh tra việc phân lô, tách thửa đối với một số địa phương mà báo chí phản ánh trong thời gian qua, nếu vi phạm thì kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật, nếu không vi phạm thì kịp thời thông tin cho báo chí biết để định hướng dư luận. Tỉnh ủy Gia Lai cũng yêu cầu Đảng ủy Công an tỉnh Gia Lai đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế với quan điểm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Trước mắt là kiến nghị khởi tố liên quan đến các Ban Quản lý rừng phòng hộ, các dự án, các vụ việc phân lô bán nền gây xôn xao dư luận địa phương.
Ông Hồ Văn Niên - Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, chỉ đạo các đơn vị, địa phương trong quá trình kiểm tra, thanh tra, thi hành án, nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để thụ lý, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, không chờ đến khi kết thúc quá trình kiểm tra, thanh tra, thi hành án mới chuyển hồ sơ./.