Loạt doanh nghiệp tham gia
Chỉ trong hơn 5 tháng đầu năm nay, hàng loạt dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã được nhiều doanh nghiệp khởi công hoặc lên kế hoạch xây dựng trên khắp cả nước.
Trong đó, có nhiều ông lớn trong ngành bất động sản như Vinhomes, Tổng công ty Viglacera, Vinaconex, Tập đoàn Nam Long, Tập đoàn Hoàng Quân, Tập đoàn Danh Khôi…
Theo chia sẻ của ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch CTCP Vinhomes (Mã: VHM), sản phẩm nhà ở xã hội Happy Home sẽ là một trong những trọng tâm phát triển của doanh nghiệp trong thời gian tới. Sau khi động thổ hai dự án đầu tiên tại Thanh Hóa và Quảng Trị trong năm 2022, công ty sẽ tiếp tục mở bán hai dự án này và hoàn thiện các thủ tục pháp lý để bổ sung dự án tại nhiều tỉnh, thành phố ở cả ba miền như Hải Phòng, Hưng Yên, Khánh Hòa.
Kế hoạch trong quý IV năm nay, Vinhomes sẽ tiến hành mở bán ở Thanh Hóa và Quảng Trị. Tại Hà Nội, doanh nghiệp cho biết cũng đang xin tham gia để triển khai dự án nhưng còn phụ thuộc vào thủ tục của cơ quan nhà nước. Khi xong mới tiến hành triển khai.
Mới đây, Tổng công ty Viglacera - CTCP (Mã: VGC) cũng cho biết sẽ từng bước triển khai đầu tư 50.000 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2022 - 2030 đã được Bộ Xây dựng giao. Theo đó, các dự án trọng điểm đang triển khai gồm: Nhà ở công nhân tại các KCN Đồng Văn IV, Phú Hà, Đông Mai; nhà ở xã hội tại Kim Chung; khu nhà ở xã hội 9,8ha Yên Phong - Bắc Ninh.
Năm nay, doanh nghiệp cũng dự kiến khởi công mới Nhà ở công nhân Tiền Hải (5,2ha), nhà ở xã hội Phú Hà (8,4ha). Chuẩn bị đầu tư dự án nhà ở công nhân Hải Yên - Quảng Ninh; dự thầu dự án khu nhà ở xã hội tại Tiên Dương - Đông Anh (theo chương trình của UBND TP. Hà Nội). Đồng thời tiếp tục khảo sát, tìm kiếm phát triển quỹ đất mới để đầu tư các khu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các địa phương có điều kiện phù hợp.
“Hiện nay, chúng tôi đang hy vọng vào thị trường Hà Nội, công ty có tham gia dự án Tiên Dương (Đông Anh) khoảng 40ha, đến nay quy hoạch 1/500 của dự án đã được duyệt và công ty đang chờ các thủ tục để đấu thầu chọn chủ đầu tư. Viglacera đang rất sẵn sàng làm nhưng đang phải chờ để tham gia đấu thầu”, Tổng giám đốc Viglacera Nguyễn Anh Tuấn cho hay.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 diễn ra mới đây, đại diện CTCP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG) cũng khẳng định là có tham gia vào phân khúc nhà ở xã hội. Nam Long cam kết xây dựng 20.000 căn nhà ở xã hội trong những vùng dự án Nam Long đang làm (Hải Phòng, Đồng Nai, Cần Thơ, Long An). Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng những block nhà ở xã hội doanh nghiệp này còn cùng chính quyền địa phương nghiên cứu, xây dựng những khu đô thị tích hợp dành riêng cho nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền.
Vừa qua, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - Mã: VCG) cho biết, doanh nghiệp rất mong muốn làm nhà ở xã hội, lợi nhuận chỉ có 10% vẫn còn hơn làm đầu tư công.
Lãnh đạo Vinaconex cho biết đang xin chủ trương nghiên cứu và tài trợ công tác lập quy hoạch một số khu đất tại Hà Nội, Hải Dương, Phú Thọ, Vĩnh Phúc,… cũng như tìm kiếm cơ hội đầu tư các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà phân khúc trung bình.
Ông Lê Thống Nhất, CTCP Tập đoàn Danh Khôi (Mã: NRC) cho biết, HĐQT và ban điều hành công ty cũng đang suy nghĩ kế hoạch tham gia vào nhà ở xã hội dựa trên quỹ đất mà công ty đang có tại huyện Nhà Bè hay quận 12. Tuy nhiên, để thực hiện phân khúc này, chắc chắn trong năm nay phía công ty vẫn chưa thể thực hiện được mà phải đợi sang năm 2025.
Còn theo thông tin từ HĐQT CTCP BV Land (UPCoM: BVL), việc phát triển các sản phẩm giá rẻ (nhà ở xã hội) cũng là mục tiêu của doanh nghiệp này trong năm 2023. Năm nay công ty sẽ tập trung phát triển các sản phẩm nhà ở đáp ứng nhu cầu thực.
“Thời gian qua, bất động sản nổi sóng khắp nơi là do những người đầu cơ mua đi bán lại là chính. Tuy nhiên, BV Land sẽ hướng đến những khách hàng mua để ở thực chứ không phải lướt sóng. Công ty đang có kể hoạch triển khai một dự án nhà ở xã hội và hy vọng dự án có thể khởi công trong năm 2023 - 2024 với tổng diện tích sàn khoảng 150.000m2”, đại diện doanh nghiệp cho hay.
Còn theo đánh giá của ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT CTCP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (Mã: HQC), hiện nay, chính sách cho NƠXH mạnh và dài hơi hơn so với năm 2013. Bởi 4 ngân hàng lớn có gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay với chủ đầu tư là 8,7%/năm và 8%/năm với khách hàng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội vẫn đồng hành với lãi suất 4,8%/năm.
Ông Tuấn cũng chia sẻ, với gói 120.000 tỷ đồng thì công ty và các đơn vị liên kết có thể được hưởng dòng tiền lớn. Qua làm việc với ngân hàng thì các dự án công ty đã hoàn thành cũng có thể được vay các gói này.
Kỳ vọng mới về nguồn cung và mặt bằng giá
Hà Nội đang là địa phương có nhiều dự án nhà ở xã hội đã và đang xây dựng tại các quận Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Đông Anh... với mức giá bán khoảng 14 - 16 triệu đồng/m2. Ví dụ dự án nhà ở xã hội CT3-CT4 Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) có giá bán từ 13 triệu đồng/m2; Nhà ở xã hội IEC Thanh Trì có giá bán 15,8 triệu đồng/m2; Ecohome tại Bắc Cổ Nhuế, Nam Từ Liêm có giá bán 16,5 triệu đồng/m2; Nhà ở xã hội Lucky House, Hà Đông giá bán khoảng 13,9 triệu đồng/m2...
Tại TP.HCM, trên một số diễn đàn nhà ở xã hội cho thấy mức giá bán nhà ở xã hội đều trên 20 triệu đồng/m2. Đơn cử, dự án nhà ở xã hội HQC Bình Trưng Đông, TP. Thủ Đức giá bán 28 - 30 triệu đồng/m2; Nhà ở xã hội Topaz Home 2, TP. Thủ Đức đang được rao bán 22 - 30 triệu đồng/m2; Nhà ở xã hội Topaz Home, quận 12 đang được rao bán 29 triệu đồng/m2...
Trước bối cảnh nguồn cung hẹp, giá không hề rẻ, từ cuối năm ngoái đến nay, Nhà nước đã nỗ lực trong việc cải thiện nguồn cung nhà ở cho thị trường, bao gồm đề án xây dựng 1 triệu đơn vị nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; sửa đổi Luật Nhà ở 2014 để bổ sung nhiều chính sách thông thoáng và ưu đãi hấp dẫn;… Đặc biệt, việc tiếp tục chiến lược phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ của doanh nghiệp bất động sản, kỳ vọng sẽ đem đến luồng gió mới cho phân khúc này.
Theo bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng cũng làm gia tăng khoảng cách giàu - nghèo. Giá nhà tại Việt Nam hiện cao hơn khoảng 20 lần so với thu nhập bình quân đầu người, khiến người Việt Nam ngày càng khó sở hữu nhà ở.
“Thực trạng này đặt ra yêu cầu phải có các giải pháp tái cân bằng, cụ thể là phát triển nhà ở xã hội như một công cụ bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy tính bền vững của thị trường bất động sản”, bà Trang Bùi nói.
Theo phân tích của vị chuyên gia này, các điều luật về nhà ở xã hội hiện cũng đã được thay đổi một số điểm quan trọng để phù hợp với nhu cầu người dân cũng như giúp khuyến khích chủ đầu tư xây dựng loại tài sản này. Từ năm 2023, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại có quy mô từ 10ha (hoặc 2ha) trở lên tại các đô thị loại 3 (hoặc loại 1) trở lên không còn phải dành 20% diện tích đất ở trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội như trước. Các chủ đầu tư thương mại sẽ không còn chịu trách nhiệm về việc thực hiện chính sách nhà ở xã hội hoặc đóng góp để phát triển nhà ở xã hội.
Dù luật dành cho nhà phát triển đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên, về phía người mua nhà ở xã hội vẫn còn nhiều khó khăn bất cập. Trong quá trình đăng ký mua nhà, người mua phải chờ bốc thăm và nộp nhiều loại giấy tờ chứng minh đủ điều kiện mua nhà ở xã hội.
Quy trình kéo dài và phức tạp này khiến việc tiếp cận nhà ở xã hội ngày càng khó khăn đối với những người dân có nhu cầu thực sự và cấp bách về nhà ở. Kiểm tra lý lịch cũng là một điểm đáng quan tâm vì đã có trường hợp các chủ đầu tư bán các đơn vị nhà ở xã hội cho những người không thuộc danh sách đủ điều kiện.
Theo nhận định của bà Trang Bùi, nhu cầu về nhà ở rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản cũng như tăng trưởng kinh tế. Đối với các chủ đầu tư dự định tham gia vào lĩnh vực này trong thời gian tới, việc cân bằng giữa giá bán, chất lượng công trình và các yếu tố bền vững là vô cùng quan trọng. Điều quan trọng đối với các nhà phát triển là tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng và nghiên cứu khả thi trước khi bắt đầu dự án./.