Hồ sơ xếp hàng nhưng căn hộ vẫn bỏ trống
Nhà ở xã hội vốn là niềm mong ước của nhiều người dân lao động có thu nhập thấp. Đặc biệt, trong giai đoạn thị trường bất động sản tăng giá chóng mặt như hiện nay, ước mơ ấy trở nên khó khăn hơn rất nhiều lần.
Các chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân và người lao động có thu nhập thấp luôn được Chính phủ ta đặc biệt quan tâm và đẩy mạnh thực hiện. Nhiều doanh nghiệp đã bắt tay vào thực hiện các dự án nhà ở xã hội với tinh thần trách nhiệm cao, giúp cuộc sống của những người công nhân, người dân lao động có thu nhập nhanh chóng được ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp.
Vui mừng khi có thể mua được một căn nhà chính mình làm chủ sở hữu, chị Hương (37 tuổi, sống tại dự án nhà ở xã hội Lan Hưng, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) chia sẻ: "Là công nhân đi làm và là mẹ đơn thân nuôi 2 đứa con nhỏ, tôi chẳng nghĩ tới có ngày mình mua được một căn nhà riêng. Khi có dự án nhà ở xã hội, tôi rất mừng và nhanh chóng làm thủ tục hồ sơ vay vốn ngân hàng chính sách với số tiền 390 triệu đồng từ tháng 8/2021. Năm đầu tiên, tôi đóng lãi 3,7 triệu đồng/tháng, sang năm thứ 2 tôi đóng 3 triệu đồng/tháng".
Thế nhưng, niềm vui chưa được bao lâu, chị Hương nhận được thông báo thu hồi từ ngân hàng với lý do chị không nằm trong đối tượng công nhân thuộc khu công nghiệp trên địa bàn huyện, mà là công nhân ở huyện khác.
Cùng trường hợp giống chị Hương, anh Nguyễn Quốc Trung (40 tuổi) là sĩ quan công an thuộc 10 nhóm đối tượng được mua nhà ở xã hội theo Điều 49 Luật Nhà ở.
"Gia đình tôi sinh sống tại dự án nhà ở xã hội Lan Hưng được hơn 1 năm thì có nhận được thông báo thu hồi do không đúng đối tượng được mua nhà. Trước đó, ngay khi dự án mở bán, tôi nhanh chóng nộp hồ sơ và thấy rất mừng vì có thể sở hữu căn nhà của mình với mức giá tốt từ chính sách hỗ trợ mua nhà ở xã hội của Chính phủ. Giờ lại phải sống trong tình trạng bị đòi lại nhà, tôi thấy rất khó chịu, mong các cơ quan sớm giải quyết vấn đề này", anh Trung bức xúc nói.
PV Reatimes đã liên hệ với chị Vương Thị Hà - Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Bất động sản Lan Hưng (Công ty Lan Hưng) là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Lan Hưng đã bán nhà cho 2 khách hàng trên. Chị Hà cho biết, chị Hương và anh Trung là 2 khách hàng nộp hồ sơ ngay khi mở bán dự án và đúng là hiện nay dự án đang có khoảng 40 hộ thuộc diện bị thu hồi do ảnh hưởng từ văn bản chính sách về đối tượng bán hàng.
"Mặc dù ngân hàng thông báo thu hồi nhưng chúng tôi vẫn tạo điều kiện cho khách hàng tiếp tục sinh sống tại dự án và không thu hồi lại căn hộ. Vấn đề vướng mắc trong đối tượng được mua nhà ở xã hội cũng chính là vướng mắc lớn nhất trong khâu bán hàng của chúng tôi, khiến sản phẩm không thể thanh khoản", chị Hà nói.
Chị Hà cho biết, hiện nay chủ đầu tư vẫn tiếp tục làm việc với Sở Xây dựng để có được phương án tối ưu nhất, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống của khách hàng, đồng thời có thể mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội để doanh nghiệp tránh khỏi nguy cơ phá sản trong khi nhu cầu về nhà ở xã hội là rất lớn, tránh gây lãng phí nguồn lực đầu tư và không đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
"Chúng tôi đã có nhiều văn bản gửi đến Chính Phủ về việc đề nghị được tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng Nhà ở xã hội (nhà ở công nhân), đề nghị được bổ sung các nhóm đối tượng được mua/thuê/thuê mua nhà ở dự án đến các cơ quan quản lý nhà nước, UBND tỉnh Bắc Ninh, Bộ Xây dựng nhưng trong vòng 3 năm qua vẫn chưa được giải quyết", chị Hà ngậm ngùi nói.
Theo tìm hiểu của PV, dù cạnh dự án có 3 khu công nghiệp lớn thế nhưng số lượng công nhân muốn mua nhà ở xã hội hầu như không có. Công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn không mặn mà với việc mua nhà ở xã hội vì thủ tục rất phức tạp. Đa số công nhân là người từ nơi khác đến họ không xác định làm lâu năm, không có kế hoạch mua nhà để gắn bó lâu dài, vậy nên họ chỉ có nhu cầu thuê nhà. Thế nhưng, so với giá cho thuê tại nhà dân trên địa phương, giá Nhà nước quy định đối với cho thuê nhà ở xã hội được đánh giá ở mức cao hơn. Tại dự án nhà ở xã hội của công ty Lan Hưng, giá thuê là 61.000 đồng/m2, đối với một căn 50m2 tương đương giá thuê 3 triệu đồng/tháng, chưa có nội thất. Trong khi đó, với mức giá 3 triệu đồng/tháng, công nhân lao động có thể thuê được một căn phòng rộng rãi đầy đủ tiện nghi và đặc biệt không cần phải làm hợp đồng thuê dài hạn ít nhất 5 năm.
"Hiện dự án của chúng tôi chỉ có 2 khách hàng đăng ký mua là công nhân tại khu công nghiệp trên địa bàn. Từ năm 2020, công ty đã đề xuất mở rộng ra bán cho 10 đối tượng theo Nghị định 100 của Chính phủ là có thể bán cho các đối tượng công an, quân đội, công nhân viên chức, giáo viên. Tháng 12/2022, công ty có gửi công văn đến Tổ công tác và Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác có văn bản về tỉnh yêu cầu báo cáo nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính thức" - chị Hà chia sẻ.
Thực tế cho thấy, tại tỉnh Bắc Ninh có nhiều dự án nhà ở xã hội của các doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương Mại Sao Hồng, Khu nhà ở xã hội khu công nghiệp Yên Phong của chủ đầu tư công ty Kinh doanh Bất động sản Viglacera, dự án nhà ở xã hội Bắc Kỳ do Công ty cổ phần đầu tư & phát triển đô thị Bắc Kỳ,…đều đang gặp nhiều khó khăn trong chính sách bán hàng, khi số lượng công nhân thuộc đối tượng được mua đăng ký mua/thuê/thuê mua rất ít.
Trao đổi với PV Reatimes, đại diện Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh cũng đồng tình rằng, các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh đang vướng mắc trong việc tiếp cận đối tượng được thụ hưởng chính sách. Cụ thể là người có thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn.
Theo quy định tại Điều 49, 50, 51 Luật Nhà ở: Nhóm đối tượng "Hộ gia đình có thu nhập thấp, hộ nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn" chỉ được hỗ trợ theo các chương trình mục tiêu về nhà ở mà không được mua/thuê/thuê mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội. Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện nay, các nhóm đối tượng này có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, nhưng không được mua/thuê/thuê mua.
Khoản 1 Điều 19 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 có quy định về việc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội thì nhà ở xã hội phải được bán, cho thuê, thuê mua theo đúng đối tượng và điều kiện quy định tại Điều 49 và Điều 51 của Luật Nhà ở; mỗi hộ gia đình, cá nhân chỉ được giải quyết hỗ trợ nhà ở xã hội một lần theo quy định tại Điều 52 của Luật Nhà ở.
Theo đó, Điều 49 Luật Nhà ở đã chỉ rõ có 10 đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội bao gồm:
1. Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng;
2. Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn;
3. Hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu;
4. Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị;
5. Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp;
6. Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân;
7. Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;
8. Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định tại khoản 5 Điều 81 của Luật này;
9. Học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; học sinh trường dân tộc nội trú công lập được sử dụng nhà ở trong thời gian học tập;
10. Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.
Giải pháp nào cho sự lãng phí?
Dự án nhà ở xã hội của chủ đầu tư Công ty Lan Hưng tại huyện Thuận Thành có tổng khoảng 1400 căn, xây dựng được 648 căn. Dự án bắt đầu mở bán từ tháng 4/2020, tuy nhiên sau 3 năm mới chỉ bán được gần 100 căn, còn lại vẫn đang bỏ trống (theo đúng hồ sơ được duyệt). Dù lượng hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội tại dự án có số lượng nhiều (trên 500 hồ sơ), thế nhưng lại là hồ sơ của các nhóm đối tượng xã hội khác không được mua/thuê/thuê mua nhà tại các dự án này, không nằm trong nhóm đối tượng được phê duyệt.
"Hiện tại doanh nghiệp phải đối mặt với vấn đề bị đọng vốn, trả lãi ngân hàng, còn dự án thì bỏ trống nhiều căn, gây nên tình trạng lãng phí, không bảo đảm an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn", chị Vương Thị Hà - Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Bất động sản Lan Hưng cho biết.
Theo thống kê của sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh, tính từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 51 dự án nhà ở xã hội, với tổng diện tích đất là khoảng 156,58ha, tổng diện tích sàn khoảng 3.931.992m2, với 46.462 căn hộ, đáp ứng nhu cầu ở cho khoảng 182.595 người, trong đó: Số dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân là 22 dự án với tổng diện tích đất khoảng 106,59ha, tổng diện tích sàn khoảng 2.404.356m2, với 30.894 căn, đáp ứng nhu cầu ở cho khoảng 107.221 công nhân. Trong đó có 7 dự án đã hoàn thành và đang xây dựng với tổng diện tích đất là khoảng 20,84ha, tổng diện tích sàn khoảng 444.027m2, với 5.494 căn hộ, đáp ứng nhu cầu ở cho khoảng 30.302 người; 15 dự án chuẩn bị đầu tư xây dựng với tổng diện tích đất là khoảng 85,75ha, tổng diện tích sàn khoảng 1.960.329m2, với 25.400 căn hộ, đáp ứng nhu cầu ở cho khoảng 76.919 người.
Số dự án nhà ở xã hội dành cho các đối tượng khác là 29 dự án với tổng diện tích đất khoảng 49,99ha, tổng diện tích khoảng 1.527.636m2, với khoảng 15.568 căn, đáp ứng nhu cầu ở cho khoảng 75.374 người. Trong đó có 21 dự án đã hoàn thành và đang xây dựng với tổng diện tích đất là khoảng 26,50ha, tổng diện tích sàn khoảng 1.188.190m2, với 12.070 căn hộ, đáp ứng nhu cầu ở cho khoảng 58.766 người; 8 dự án chuẩn bị đầu tư xây dựng với tổng diện tích đất là khoảng 23,49ha, tổng diện tích sàn khoảng 339.446m2, với 3.498 căn hộ, đáp ứng nhu cầu ở cho khoảng 16.608 người.
Trao đổi với Reatimes, đại diện Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh cho biết, tỉnh cũng đề nghị bổ sung đối tượng thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội theo các khoản 1, 4, 6, 7, 8, 10 Điều 49 của Luật Nhà ở được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở xã hội phục vụ khu công nghiệp:
Trong thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có một số dự án nhà ở xã hội phục vụ khu công nghiệp được thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13.
"Tuy nhiên, sau khi một số dự án đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định tại Điều 63 Luật Nhà ở, đối tượng là công nhân làm việc tại các khu công nghiệp đăng ký mua/thuê/thuê mua nhà ở tại dự án là rất ít (chủ đầu tư đã công bố rộng rãi đến các doanh nghiệp trên địa bàn để công nhân đăng ký, tuy nhiên chỉ có 0,17% lượng công nhân được khảo sát có nhu cầu đăng ký mua/thuê/thuê mua nhà ở tại dự án); trong khi đó nhu cầu về nhà ở của các nhóm đối tượng xã hội khác đủ điều kiện là rất cao, nhưng không được mua/thuê/thuê mua nhà tại các dự án này. Tại các địa bàn không có các dự án nhà ở xã hội khác sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa về nhà ở cho công nhân nhưng thiếu trầm trọng nhà ở xã hội cho các nhóm đối tượng khác, không đảm bảo an sinh xã hội", đại diện Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh cho biết.
Do vậy, tỉnh đã đề nghị cho phép bổ sung các đối tượng được thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội theo Điều 49 của Luật Nhà ở được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân trên địa bàn tỉnh.
Sở Xây dựng Bắc Ninh cũng đã xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng để đề xuất phương án xử lý theo quy định của pháp luật. Sau khi các Bộ có ý kiến trả lời cụ thể, Sở Xây dựng sẽ hướng dẫn chủ đầu tư các khu nhà ở hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật, nhằm đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng cho biết thêm, thông qua công tác quản lý nhà nước và công tác thanh tra, kiểm tra, thời gian qua đã phát hiện một số trường hợp chủ đầu tư bán nhà ở xã hội không đúng đối tượng và không đủ điều kiện theo quy định.
Trên cơ sở kết quả xác minh, Sở Xây dựng đã xử lý vi phạm hành chính, buộc các chủ đầu tư phải thu hồi nhà ở xã hội và buộc hoàn trả bên mua mua số tiền mua nhà ở xã hội. Các hành vi không cung cấp, cung cấp không chính xác, không đầy đủ hoặc không đúng thời hạn kê khai thông tin, dữ liệu về thị trường bất động sản cho cơ quan quản lý hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản của chủ đầu tư khi bị phát hiện thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi đều bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Cũng thông qua công tác quản lý nhà nước; công tác thanh tra, kiểm tra và tiếp nhận phản ánh của các tổ chức, công dân trên địa bàn, Sở Xây dựng đưa ra đánh giá trên địa bàn còn xảy ra hiện tượng chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội yêu cầu khách hàng phải đầu tư thêm gói nội thất ngoài giá trị hợp đồng được ký kết (chủ đầu tư có giới thiệu đơn vị thi công nội thất); có hiện tượng thu tiền thêm ngoài hợp đồng được ký kết; có hiện tượng kê khai thuế chưa chính xác, không xuất hóa đơn đầy đủ theo quy định của pháp luật về thuế; có hiện tượng một số tổ chức, cá nhân không được chủ đầu tư ủy quyền nhưng thực hiện việc môi giới mua bán nhà ở xã hội tại dự án và trực tiếp thu tiền của người mua nhà.
Những hiện tượng này đã được Sở Xây dựng kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Để thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực xây dựng nói chung và lĩnh vực quản lý nhà ở xã hội nói riêng, trên tinh thần thượng tôn pháp luật và không có vùng cấm, bên cạnh việc thanh tra, kiểm tra, Sở Xây dựng Bắc Ninh mong muốn các cơ quan báo chí và người dân tiếp tục chia sẻ, cung cấp thông tin, phối hợp với Sở Xây dựng nhằm phát hiện và xử lý nghiêm minh đối với những hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân có liên quan, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế xã hội của địa phương./.