Aa

Nhiều con số ấn tượng về thị trường bất động sản trong năm 2020

Trung Hiếu
Trung Hiếu trunghieu.ntdtv@gmail.com
Thứ Năm, 04/02/2021 - 11:10

Theo các đơn vị nghiên cứu thị trường, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng lĩnh vực bất động sản vẫn có những biến chuyển tích cực trong năm 2020. Đặc biệt là tỷ lệ hấp thụ khá tốt ở hầu hết phân khúc.

Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất thế giới

Theo báo cáo thị trường Quý IV/2020 từ Công ty Tư vấn dịch vụ Bất động sản Colliers International, trong năm 2020 thị trường vẫn đón nhận những thông tin tích cực về GDP và nguồn vốn FDI bất chấp ảnh hưởng bởi Covid-19. Ghi nhận trong năm 2020, mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong nước đạt mức 2,91%. Tuy rằng đây là con số tăng trưởng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020 nhưng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành thì đây lại là mức ấn tượng, khiến Việt Nam trở thành một trong bốn quốc gia có mức tăng cao nhất thế giới.

Đối với phân khúc cho thuê, do ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19 khiến cho khách thuê vẫn tỏ ra thận trọng, tiếp tục xu hướng tìm kiếm văn phòng ở những phân khúc thấp hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ lấp đầy vẫn tương đối cao, có thể xuất phát từ việc dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam. Giá chào thuê trung bình nhìn chung vẫn tương đương hoặc thậm chí cao hơn quý trước, xét ở cả ba thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Đà Nẵng là thị trường ghi nhận mức giá chào thuê trung bình tăng khá cao, từ 27 USD ở quý 3/2020 lên mức 35 USD/m2/tháng ở Quý IV/2020.

thị trường bất động sản năm 2021, dự báo thị trường, thông tin thị trường, đầu tư bất động sản năm 2021,
Việt Nam đang dần khẳng định vị trí trong chuỗi cung ứng trên toàn cầu

Dấu hiệu sôi động thể hiện khá rõ nét ở phân khúc bất động sản công nghiệp. Giá thuê trung bình của bất động sản công nghiệp TP.HCM cao nhất cả nước (ở mức 160 USD/m2/kỳ hạn). Trong số các địa phương phía Nam, Long An đang là tỉnh thu hút đầu tư FDI khá ấn tượng, bao gồm 1.079 dự án và mức vốn 6,6 tỷ USD (số liệu tháng 12/2020) và đang nổi lên như là “đối thủ” của TP.HCM trong phân khúc bất động sản công nghiệp.

Các khu công nghiệp tại Hà Nội cũng không chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, vẫn duy trì được hoạt động ổn định. Giá chào thuê trung bình và tỷ lệ lấp đầy vẫn ở mức tương đương so với quý III/2020. Đông Anh và Thạch Thất nhận được quan tâm nhiều nhất từ nhà đầu tư ngoại do phần lớn các khu công nghiệp trong khu vực đều tập trung tại hai huyện này.

Thị trường căn hộ tương đối khác biệt giữa hai thành phố lớn nhất nước. Tại TP.HCM, quý IV/2020 có hơn 3.600 căn hộ mới được tung ra, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước và chủ yếu thuộc phân khúc hạng trung hoặc cao cấp.  Căn hộ cao cấp tại Quận 2 thậm chí giá bán còn cao hơn 7% so với năm 2019.

Tại Hà Nội, thị trường tương đối trầm lắng với đa phần các giao dịch thuộc phân khúc trung bình diễn ra tại các quận vùng ven. Một số nhà đầu tư từ TP.HCM đã bắt đầu triển khai các dự án quy mô lớn tại Hà Nội.

Ở TP.HCM, khu Đông tiếp tục là tâm điểm của thị trường biệt thự - nhà phố, gần 1/3 số lượng mở bán mới trong năm 2020 là ở Quận 9.  Thị trường bất động sản liền thổ tại Hà Nội vẫn hấp dẫn bất chấp đại dịch. Hầu hết các giao dịch trong quý này đến từ thị trường thứ cấp. Các giai đoạn tiếp theo từ các dự án lớn như Starlake, Ecopark, Gamuda city được mở bán. Hoạt động bán hàng tốt vẫn được ghi nhận ở các bất động sản có chất lượng xây dựng tốt và tiến độ xây dựng nhanh.

“Bên cạnh việc giành nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp ngoại, Việt Nam cũng cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước mạnh mẽ và phù hợp hơn nữa. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp nội gia tăng năng lực cạnh tranh, góp phần giúp Việt Nam từng bước cải thiện vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính và có chiến lược sàng lọc thận trọng các dự án đầu tư nước ngoài cũng nên là ưu tiên để Việt Nam thu hút mạnh mẽ hơn nguồn vốn chất lượng cao”, ông David Jackson - Tổng Giám Đốc Colliers International nhận định.

Nhiều tín hiệu khả quan 

Cũng theo báo cáo thị trường từ Savills Việt Nam trong cả năm 2020, với sự hạn chế về nguồn cung là nguyên nhân giúp tỷ lệ hấp thụ ở các dự án mới ổn định dù khó khăn vì dịch. Ghi nhận nguồn cung sơ cấp năm 2020 đạt mức thấp nhất trong 5 năm với hơn 25.300 căn, giảm mạnh 38% theo năm do nguồn cung mới hạn chế và lượng hàng tồn thấp. Hạng C tiếp tục chiếm lĩnh nguồn cung cả năm với 65% thị phần.

Bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu, Savills Việt Nam nhận định: “Chúng tôi cho rằng việc căn hộ hạng C vẫn là nguồn cung chiếm đa số trên tổng lượng sơ cấp (lượng sản phẩm đang chào bán trên thị trường) là một dấu hiệu tích cực. Chúng tôi tin rằng nguồn cung căn hộ để bán vẫn đang đi đúng hướng với nhu cầu thực tế của người dân.”

Song song với đó, tỷ lệ hấp thụ của phân khúc nào cũng đạt mức cao, tương đương 77% trong Quý IV/2020, với lượng giao dịch đạt 8.600 căn hộ. Giá bán sơ cấp ghi nhận mức tăng ở tất cả các hạng. Nhiều dự án ở Hạng A và B có giá bán tăng lên đến 9% theo quý, trong khi giá bán Hạng C có mức tăng thấp hơn, khoảng đến 4% theo quý. Tuy nhiên, nguồn cung Hạng C có giá dưới 1.000USD/m2 trở nên khan hiếm do chi phí sử dụng đất tăng và hạn chế hỗ trợ từ Chính phủ.

Dự báo về nguồn cung tại TP.HCM trong tương lai, bà Trang cho biết: “Tính đến 2024, nguồn cung tương lai dự kiến có hơn 115.000 căn hộ, trong đó nguồn cung năm 2021 chiếm 15%. Nguồn cung mới vẫn còn khá hạn chế, nhất là đối với những dự án đang mở bán ở giai đoạn đầu tiên. Trong khi một năm qua, hầu hết nguồn cung là từ các dự án đã phát triển như các dự án phức hợp, các khu đô thị lớn. Điều đó sẽ giúp cho tiến độ phát triển dự án rất tốt cũng như tạo ra một môi trường sống lành mạnh, chất lượng cho cư dân, đồng thời dần khẳng định được vị thế các dự án phức hợp trong thị thường nhà ở”.

bà Võ Thị Khánh Trang, Savills Việt Nam
Bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu, Savills Việt Nam

Còn trong phân khúc biệt thự và nhà phố, nhà phố thương mại đang tiếp tục được ưa chuộng, bất động sản liền thổ có sự gia tăng chuỗi giá trị khi nhà ở liền thổ giá cao được cung cấp ra thị trường nhiều hơn và được hấp thụ tốt. Các quận phía Đông gồm Thủ Đức, Quận 9, và Quận 2, chiếm đến 80% tổng giao dịch của cả năm. Trong đó, các dự án phức hợp như Vinhomes Grand Park và Verosa Park chiếm khoảng 70% lượng giao dịch. Các quận phía Đông chiếm khoảng 40% nguồn cung tương lai đến năm 2023, nhờ quỹ đất lớn, quy hoạch đô thị và cơ sở hạ tầng tốt, khu vực này được kỳ vọng sẽ tiếp tục dẫn đầu thị trường.

Phân khúc nhà phố thương mại cũng ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực. Trong năm 2020, nguồn cung sơ cấp của nhà phố thương mại tăng 230% theo năm, dẫn đầu phân khúc bất động sản liền thổ với 43% thị phần.

Nhận định về tiềm năng phát triển của thị trường nhà ở trong 2021 và các năm tiếp theo, bà Trang chia sẻ: “Trong năm 2021, với những dấu hiệu tốt như xuất hiện vacxin phòng ngừa dịch bệnh, chúng tôi hy vọng đến năm 2023, vacxin sẽ được tiêm ngừa rộng rãi và phòng chống đại dịch thành công. Những thay đổi về luật và sự hỗ trợ của chính phủ cũng như là sự phát triển tầm chung và hạ tầng ở TP.HCM trong việc kết nối với các tỉnh thành khác sẽ kích thích nhu cầu nhà ở tại TP.HCM tăng cao.

Việt Nam nằm trong top 5 các quốc gia Châu Á có sự tăng trưởng về tầng lớp giàu có (với lượng tài sản lớn hơn 1 triệu USD). Trong 5 năm tới, tầng lớp này ở Việt Nam dự kiến có mức tăng trưởng trung bình 65% mỗi năm. Trong năm 2021, lãi suất vay mua nhà được kì vọng sẽ tiếp tục giảm và bất động sản vẫn là kênh đầu tư ưa thích, nên nhu cầu cho phân khúc bất động sản liền thổ kì vọng sẽ tiếp tục tăng.”

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top