Aa

Nhiều ngân hàng "nối gót" nhau tăng lãi suất huy động

Thứ Năm, 09/05/2024 - 13:36

Chỉ trong tuần đầu tháng 5, nhiều ngân hàng đã nối gót nhau điều chỉnh lãi suất huy động, phổ biến với mức tăng từ 0,2 - 0,3%/năm so với trước đó.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa tăng lãi suất huy động ở tất cả các kỳ hạn gửi tiền.

Theo biểu lãi suất mới niêm yết tại Techcombank, người gửi tiền kỳ hạn từ 1 - 2 tháng sẽ được hưởng lãi suất từ 2,55%/năm, tăng 0,3%/năm so với trước đó. Tương tự, lãi suất huy động kỳ hạn từ 3 - 5 tháng cũng lên thành 2,95%/năm, tăng thêm 0,4%/năm.

Các kỳ hạn tiền gửi dài hơn tại Techcombank từ 6 - 11 tháng tăng thêm 0,3%/năm, đưa lãi suất tiền gửi lên thành 3,85%/năm và kỳ hạn từ 12 - 36 tháng cũng tăng 0,1%/năm, lên thành 4,65%/năm.

Đối với số dư tiền gửi từ 1 tỷ đồng trở lên, Techcombank áp dụng lãi suất cao hơn từ 0,1 - 0,2%/năm so với các mức trên, tùy theo từng kỳ hạn và số tiền gửi.

Nhiều ngân hàng "nối gót" nhau tăng lãi suất huy động- Ảnh 1.

MSB áp dụng lãi suất 8%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 13 tháng, số dư từ 500 tỷ đồng. (Ảnh minh họa: Minh Phương/Báo Tin tức)

Tương tự tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), lãi suất huy động các kỳ hạn từ 2 - 5 tháng tăng thêm 0,2%/năm lên dao động từ 2,8 - 3%/năm. Lãi suất các kỳ hạn từ 6 - 11 tháng cũng tăng thêm 0,1%/năm lên thành 4,1%/năm. Đáng chú ý, đây là lần tăng lãi suất thứ 2 liên tiếp kể từ đầu tháng 5 đến nay của VIB.

Không riêng Techcombank hay VIB, Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) cũng trong xu hướng tăng lãi suất với mức tăng từ 0,15 - 0,25%/năm cho các kỳ hạn tiền gửi từ 6 - 18 tháng. Hiện Bac A Bank áp dụng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng là 4,5%/năm, 9 tháng là 4,6%/năm, 12 tháng là 5,1%/năm và 18 tháng là 5,5%/năm.

Trước đó, một số ngân hàng đã tham gia vào "cuộc đua" tăng lãi suất huy động như Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)...

Ngay cả một số ngân hàng lớn ngay trong tuần cuối tháng 4 đã đảo chiều nhích tăng lãi suất.

Trong đó phải kể tới Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) khi lần đầu tiên trong suốt hơn 1 năm qua đã tăng lãi suất ở mức 0,2%/năm cho các kỳ hạn dưới 12 tháng. Lãi suất huy động trực tuyến tại BIDV kỳ hạn từ 1 - 3 tháng lên mức từ 2 - 2,3%/năm, kỳ hạn 6 - 11 tháng lên 3,3%/năm.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng tăng nhẹ 0,2%/năm lãi suất đối với khách hàng gửi tiền từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng và tăng 0,4%/năm đối với khách hàng gửi tiền trên 1 tỷ đồng, áp dụng cho kỳ hạn dưới 11 tháng.

Theo khảo sát ngày 8/5, nhiều ngân hàng vẫn áp dụng mức lãi suất đặc biệt cho các khoản tiền gửi từ vài trăm đến hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó, lãi suất cao nhất niêm yết tại PVcomBank ở mức 9,5%/năm cho khách hàng gửi tiền từ 2.000 tỷ đồng, kỳ hạn gửi 12 - 13 tháng.

Kế đó là mức lãi suất 8,1%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 13 tháng và 7,7%/năm kỳ hạn 12 tháng tại HDBank. Điều kiện hưởng mức lãi suất này là số dư tiền gửi tối thiểu từ 500 tỷ đồng.

Tương tự, MSB áp dụng lãi suất 8%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 13 tháng, số dư từ 500 tỷ đồng; Dong A Bank áp dụng lãi suất 7,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng trở lên, với số tiền gửi từ 200 tỷ đồng...

Lãi suất huy động của các ngân hàng nhích tăng trở lại không nằm ngoài dự báo của giới chuyên gia, nhất là trong bối cảnh tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng đã lần đầu tiên suy giảm sau khi tăng liên tục 25 tháng liên tiếp trước đó.

Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 1/2024, tiền gửi dân cư đạt gần 6,5 triệu tỷ đồng, giảm 0,53% so với cuối năm ngoái; tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn 6,67 triệu tỷ đồng, giảm 2,41% so với cuối năm 2023.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy huy động vốn của các tổ chức tín dụng từ dân cư và tổ chức tính đến ngày 25/3 đã giảm 0,76% so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng gần 1,2%.

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính cho rằng, việc tăng lãi suất huy động có thể đến từ sự hồi phục của cầu tín dụng. Hạn mức tín dụng cả năm đã được Ngân hàng Nhà nước phân bổ ngay từ đầu năm nên các ngân hàng cũng phải tính đến việc huy động thêm vốn, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu cho vay kinh doanh, sản xuất, tiêu dùng... Bên cạnh đó, lãi suất huy động "ấm" dần lên cũng giúp kênh đầu tư này trở nên hấp dẫn hơn sau một thời gian dài lãi suất liên tục "dò đáy".

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định lãi suất huy động trong thời gian tới sẽ khó tăng "nóng" do định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là ổn định lãi suất, tạo dư địa phấn đấu giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top