Aa

Nhìn lại bức tranh doanh nghiệp vật liệu xây dựng năm 2020: Nơi thăng hoa, nơi sầu thảm

Thứ Ba, 23/02/2021 - 06:00

Năm 2020, bất động sản gặp khó bởi dịch bệnh Covid-19, đồng nghĩa với đó, doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng cũng lâm cảnh kinh doanh bấp bênh. Song vẫn có không ít những doanh nghiệp “vượt bão” thu lợi nhuận cao.

DOANH NGHIỆP THÉP THẮNG LỚN

Thép vẫn là ngành hưởng lợi nhiều nhất từ giá vật liệu tăng và một phần từ việc đầu tư công được đẩy mạnh trong những tháng cuối năm 2020. Kết quả là không ít doanh nghiệp ngành thép thu lợi nhuận cao bất chấp dịch Covid-19.

Cụ thể, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) đã liên tục khiến các nhà đầu tư đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác trong năm 2020. Riêng trong quý IV/202, Hòa Phát ghi nhận 26.166 tỷ đồng doanh thu và 4.660 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng tương ứng 43% và 142% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận kỷ lục lịch sử trong một quý của Hòa Phát. Lũy kế cả năm 2020, Hòa Phát đạt doanh thu hợp nhất 91.279 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2019; lợi nhuận sau thuế 13.506 tỷ đồng, tăng 78%. Giá cổ phiếu của công ty này theo đó cũng dậy sóng trong thời gian dài.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trước tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt ở trong nước năm 2020, các Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được thực thi đã tạo thêm động lực cho ngành thép.

VSA cho biết năm 2020, giá thép toàn cầu đã kết thúc một năm bất thường ở mức cao và phần lớn đà tăng có khả năng tiếp tục kéo dài đến nửa đầu năm 2021. Điều này cũng giúp hoạt động sản xuất, tiêu thụ thép trong nước tăng trưởng mạnh mẽ trong tháng cuối năm.

Thị trường thép có nhiều triển vọng bất chấp dịch Covid-19
Thị trường thép tăng trưởng bất chấp dịch Covid-19.

Đối với Hòa Phát, nhờ sản lượng tăng sau khi đưa thêm các lò cao tại Khu Liên hợp Dung Quất vào hoạt động, cùng với giá thép xây dựng và thép cuộn cán nóng (HRC) liên tục tăng cao trong các tháng cuối năm đã góp phần đẩy lợi nhuận công ty tăng mạnh.

Ngoạn mục nhất trong năm 2020 có thể kể đến Thép Pomina (HOSE: POM) khi đã “cải tử hoàn sinh”, xóa được toàn bộ khoản lỗ lũy kế lên tới 309 tỷ đồng trong năm 2019.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 được công bố, POM ghi nhận doanh thu 2.561 tỷ đồng, giảm hơn 16% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn giảm mạnh khiến lợi nhuận gộp tăng lên 232 tỷ, cao gấp 2,5 lần con số của quý IV/2019. Luỹ kế cả năm, POM ghi nhận 9.885 tỷ đồng doanh thu, lãi sau thuế 16 tỷ đồng, trong khi năm 2019 lỗ ròng lên đến 309 tỷ đồng.

DOANH NGHIỆP XI MĂNG GIẢM LÃI

Trong khi giá thép tăng kỷ lục trong năm 2020, giá than cũng tăng theo, giá điện về cơ bản cũng tăng lên (đối với sản xuất) thì giá xi măng vẫn chưa thể tăng. Điều này đã khiến các doanh nghiệp xi măng vẫn ở trong thế khó.

Kết quả kinh doanh hợp nhất quý IV/2020 cho thấy, CTCP Xi Măng Vicem Hà Tiên (Mã: HT1) hiện dẫn đầu thị phần tại khu vực miền Nam, chỉ lãi 154 tỷ đồng trong quý cuối năm, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu thuần giảm xuống còn 2.212 tỷ đồng.

Kết quả năm 2020, Xi măng Hà Tiên ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.963 tỷ đồng, lãi sau thuế 615 tỷ đồng, lần lượt giảm 10% và 17% so với năm 2019.

Trong khi đó, báo cáo của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) cho thấy năm 2020, doanh thu thuần toàn công ty đã giảm 2.508 tỷ đồng và lãi trước thuế cũng mất đi khoảng 1.149 tỷ đồng, lần lượt ghi nhận 32.366 tỷ đồng và 2.032 tỷ đồng.

DOANH NGHIỆP ĐÁ XÂY DỰNG ÍT HƯỞNG LỢI TỪ ĐẦU TƯ CÔNG

Ở mảng đá xây dựng, do đặc thù ngành, giá thành đá xây dựng phụ thuộc nhiều vào chi phí vận chuyển.

Theo nhận định của CTCP Chứng khoán VNDirect, ngoại trừ dự án Sân bay Long Thành - Đồng Nai ở khu vực gần các mỏ đá khai thác của các công ty khai thác thì các khu vực khác đều có những công ty tư nhân khác cung ứng cho các cao tốc, vì vậy, tiềm năng tác động của hoạt động đầu tư công lên kết quả kinh doanh của các công ty khai thác đá xây dựng được đánh giá là không cao.

Với trường hợp của CTCP Hóa An (Mã: DHA), công ty sở hữu hai mỏ đá tại tỉnh Đồng Nai này ghi nhận doanh thu thuần ở mức 104 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ nhưng lãi sau thuế ghi nhận gần 31 tỷ đồng, tăng đến 75% so với cùng kỳ. Nguyên nhân một phần đến từ giúp công ty ghi nhận chi phí tài chính âm gần 10 tỷ đồng.

BỨC TRANH TĂNGTRƯỞNG NĂM 2021

Báo cáo chiến lược đầu tư năm 2021 của Công ty Chứng khoán VNDirect nêu nhận định rằng ngành vật liệu xây dựng sẽ là ngành được hưởng lợi lớn nhất trong xu hướng đẩy mạnh đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng từ năm 2021.

Theo ước tính của nhóm chuyên gia VNDirect, 40% vốn đầu tư công cho dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam sẽ được giải ngân trong năm 2021 và 60% chi phí xây dựng (23,7 nghìn tỷ đồng) sẽ được phân bổ vào chi phí nguyên vật liệu. Riêng đối với thép xây dựng, giá trị tiêu thụ thép xây dựng có thể đạt 6.400 tỷ đồng trong năm nay. Để hoàn thành toàn bộ các dự án này đến năm 2023, giá trị tiêu thụ thép xây dựng có thể đạt tới 14.800 tỷ đồng.

Doanh nghiệp vật liệu xây dựng vượt khó trong năm 2020
Nhiều doanh nghiệp vật liệu xây dựng đã vượt khó trong năm 2020 để tăng trưởng trong năm 2021.

Công ty chứng khoán này dự báo sản lượng tiêu thụ thép xây dựng năm 2021 sẽ tăng khoảng 10 - 12% nhờ vào đẩy mạnh đầu tư công, cùng với đó, thị trường bất động sản nhà ở nóng trở lại do lãi suất giảm và nguồn cung mở mới cao hơn. Về giá nguyên vật liệu đầu vào trong năm 2021, VNDirect ước tính giá quặng sắt bình quân sẽ giảm xuống quanh 85 USD/tấn (tương đương giảm 10,5%).

Mặt khác, giá than cốc và thép phế liệu bình quân cả năm sẽ tăng lên 135 USD/tấn (tương đương tăng 12,5%) và 280 USD/tấn (tương đương tăng 3%) trong năm 2021. Do đó, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thép xây dựng sẽ tăng 1 - 1,5 điểm % trong năm nay. Đáng chú ý, theo nhìn nhận của nhóm chuyên gia, các doanh nghiệp thép xây dựng hàng đầu có thể sẽ giành thêm thị phần trong năm 2021.

Đối với mảng tôn mạ, VNDirect kỳ vọng sản lượng tiêu thụ sẽ tăng 7 - 10% trong năm 2021 nhờ vào làn sóng chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam của các doanh nghiệp FDI và sản lượng xuất khẩu cao hơn do nhu cầu thế giới phục hồi. Dù vậy, VNDirect cho rằng Hoa Sen và Nam Kim sẽ gặp khó khăn về biên lợi nhuận gộp trong năm nay do tình trạng dư cung đến từ sự gia nhập của các doanh nghiệp mới dẫn đến sự cạnh tranh về giá, thêm vào đó là khả năng giảm giá của HRC.

Cũng cho rằng ngành vật liệu xây dựng còn triển vọng tăng trưởng trong năm 2021, nhưng các chuyên gia phân tích từ CTCK Bản Việt (VCSC) cho rằng, các doanh nghiệp phụ thuộc vào giá nguyên liệu đầu vào sẽ khó có khả năng tăng biên lợi nhuận so với năm 2020. VCSC cho rằng, áp lực cạnh tranh hiện tại trong ngành, giá nguyên liệu đầu vào cao và ngành bất động sản nhà ở tăng trưởng khiêm tốn sẽ hạn chế dư địa gia tăng biên lợi nhuận của các nhà sản xuất thép trong nước, bao gồm Hoà Phát, Hoa Sen và Nam Kim (Mã: NKG). 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top