Nhìn lại một năm “gập ghềnh“ của khối doanh nghiệp nhà thầu
Doanh nghiệp nhà thầu nói riêng và doanh nghiệp bất động sản nói chung đang rơi vào một "vòng tròn luẩn quẩn" của các thủ tục pháp lý khiến khả năng hồi phục sau dịch cùng tốc độ phát triển bị kìm hãm nặng nề.
Năm 2021 đã gần qua đi, đánh dấu một năm thử thách khốc liệt với cả nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành xây dựng nói riêng. Tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát liên tục đặc biệt ở các tỉnh phía Nam khiến nhiều dự án phải dừng để thực hiện giãn cách phòng chống dịch, có tỉnh lên tới 6 tháng. Các tỉnh thành phía Bắc có nhẹ hơn nhưng cũng phải dừng, giãn cách không dưới 2 tháng. Mọi ngành kinh tế dừng hoạt động, giao thông bị hạn chế nên nguồn cung bị đứt gãy khiến các nhà thầu xây dựng cũng như tất cả các doanh nghiệp nói chung đều rất khó khăn.
Ngoài ra, ngành xây dựng có đặc thù riêng là 80% lực lượng lao động trong ngành là lao động thời vụ, nông nhàn – khi công việc bị dừng vài tháng, số lao động này đều tìm cách bỏ về quê vì ở lại vừa không có lương, vừa không có chỗ ở đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Vì vậy đứt gãy công việc và đứt gãy lao động là hai vấn đề song hành đối với ngành xây dựng trong thời gian vừa qua.
Song chỉ từ cuối tháng 9/2021, sau khi có lệnh nới lỏng giãn cách, các doanh nghiệp xây dựng đều tích cực, chủ động khắc phục mọi khó khăn để bù đắp lại khoảng thời gian đã mất. Cho đến nay mới chỉ hơn 2 tháng hồi phục nhưng những tín hiệu tích cực đang đến nhiều hơn. Một số doanh nghiệp lớn trong ngành như Delta, Vinaconex, Newtecons, Fecon... khả năng đạt được giá trị sản lượng và doanh thu năm 2021 là tương đối ổn so với 2020 mặc dù chịu nhiều tác động của dịch bệnh.
Đơn cử, Newtecons khả năng đạt trên 6.000 tỷ đồng, cao hơn 2020 khoảng 15%; Vinaconex là 3.600 tỷ, tương đương 2020; Delta cũng tương đương doanh số của 2020; hay Fecon mặc dù chỉ đạt khoảng 3.000 tỷ đồng, tương đương với năm 2020 nhưng bằng khoảng 75% kế hoạch đề ra của 2021.
Tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp bị hụt khá nhiều so với 2020 như Phục Hưng Group, doanh số xây lắp chỉ đạt khoảng 50% so với 2020; Coteccons mục tiêu kế hoạch 2021 là 17.500 tỷ đồng nhưng khả năng chỉ đạt khoảng 60% và thấp hơn rất nhiều so với 2020 và 2019.
Đó chỉ là những con số bề nổi về chỉ tiêu chung. Vấn đề muôn thuở của doanh nghiệp ngành xây dựng gặp phải là khả năng thanh toán của các chủ đầu tư. Vốn đã hay bị chậm trễ nay lại còn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, mạch tài chính của các chủ đầu tư gần như đứt gãy. Thêm vào đó để kiểm soát rủi ro, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện các biện pháp siết chặt tín dụng bất động sản khiến nhiều dự án bị tắc dòng tiền. Vì vậy, không ít nhà thầu lớn bị vỡ nợ thanh toán đến vài nghìn tỷ, dẫn đến tình hình tài chính vô cùng khó khăn.
Bên cạnh việc ách tắc do nguồn tài chính của chủ đầu tư, thủ tục hồ sơ quyết toán của các gói đầu tư công cũng còn rất phức tạp, mất thời gian. Đơn cử như các nhà thầu tham gia gói thầu đường cao tốc Bắc – Nam hiện nay đang bị chậm trễ về thủ tục giải ngân, thủ tục mua mỏ đất để lấp nền…
Một vấn đề nan giải khác cho các nhà thầu xây dựng trong năm 2021 là giá vật liệu xây dựng tăng phi mã, đặc biệt là giá thép có thời điểm tăng đến 30 - 40% so với tháng 11/2020, sau đó chững lại và giảm độ 5 - 10% so với thời điểm cao nhất nhưng nay lại tăng trở lại. Giá xi măng, gạch, cát, đá và cả nhôm, kính cũng đều tăng, có loại 3 - 5%, có loại 10 - 15%. Tất cả các vật liệu tăng cao dẫn đến giá thành xây dựng nhích lên từ 7 - 10%.
Trong khi đó, đơn giá thi công của nhà thầu lại không được tăng tương ứng, thậm chí nhiều hợp đồng ký đơn giá cố định với chủ đầu tư hoặc hợp đồng trọn gói nên phải tự chịu những bất cập này. Chưa kể một số nhà thầu ký hợp đồng theo đơn giá có điều chỉnh nhưng số liệu cập nhật đơn giá công bố của các địa phương thường chậm và lạc hậu so với biến động thật của giá vật liệu trên thị trường - thông thường thấp hơn từ 10 - 15% nên lúc nào nhà thầu cũng gánh nhiều thiệt thòi.
Chính vì tình hình biến động giá như vậy cộng với hàng loạt chi phí phát sinh phục vụ phòng chống dịch mà nhà thầu phải chấp nhận để duy trì sản xuất khiến tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của các nhà thầu xây dựng đều giảm mạnh trong năm 2021 (khoảng 20 - 25% so với 2020). Một số nhà thầu đã phải đối phó với đà tăng giá vật liệu cho những hợp đồng đã ký bằng cách ứng vốn hoặc vay ngân hàng để mua trước vật liệu nhằm giảm bớt thiệt hại về tài chính cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, một thực tế nữa trong năm 2021 mà ngành xây dựng phải đối mặt là số lượng công việc thực tế có suy giảm so với 2020. Ước tính sơ bộ, số công việc khả thi chỉ bằng khoảng 75% số đầu việc trong năm 2020 trong đó đặc biệt khối lượng công việc về nhà ở cao tầng bị giảm nhiều nhất. Đây là hậu quả của việc điều chỉnh cơ chế đầu tư (điều kiện pháp lý để chuyển đổi từ đất khác sang dự án nhà ở đô thị theo Nghị định 30 Luật Nhà ở) do vậy số dự án còn vướng mắc tồn đọng chưa triển khai được khá nhiều, từ đó số đầu việc cho nhà thầu xây dựng cũng khan hiếm hơn.
Như vậy, nhìn chung tình hình của ngành xây dựng qua hoạt động của một số doanh nghiệp nhà thầu lớn trong năm 2021 chỉ đạt khoảng 75 - 80% so với mục tiêu của năm, nhưng cũng gần tương đương với năm 2020. Có được kết quả đó trước hết do nỗ lực chủ quan rất cao của các nhà thầu, đồng thời cũng do khá nhiều đầu việc đã được ký hợp đồng từ 2020 hoặc từ đầu năm 2021.
Tuy nhiên, trong ngành xây dựng với khoảng gần 5.000 doanh nghiệp trong cả nước thì một đặc điểm chung là doanh nghiệp xây dựng đa số đều có vốn đăng ký ở mức độ dưới 100 tỷ (khoảng 90%). Do vậy phần đông đều là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính yếu. Chính vì đặc điểm này nên khi vấp phải dịch bệnh, phải giãn cách, ngừng việc, tăng chi phí…, các doanh nghiệp xây dựng rất khó để vượt qua. Nhiều doanh nghiệp xây dựng từng là cái tên có tíếng với chủ đầu tư, đặc biệt trong một số chuyên ngành như kéo căng, bê tông trượt… nay gần như tan rã do khó khăn kép về dịch bệnh; đột biến về giá vật liệu.
Khối doanh nghiệp nhà thầu năm 2021 gặp nhiều khó khăn bủa vây. (Ảnh minh hoạ)
Việc hạn chế số đầu việc khả thi để đấu thầu cũng làm cho thị trường đấu thầu việc làm ở các dự án thêm căng thẳng, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ. Cũng từ thực tế khó khăn đó, trong ngành xây dựng hiện nay phân hóa rất rõ, các doanh nghiệp lớn thì tập trung đấu thầu, kiếm việc ở các dự án được làm tổng thầu, các doanh nghiệp nhỏ hoặc chỉ tập trung vào làm các chuyên ngành hẹp: Cọc, sơn vôi, trần thạch cao, sàn gỗ, điện nước… hoặc làm thầu phụ cho các doanh nghiệp lớn tổng thầu.
Mặt khác, qua đợt dịch Covid-19 này, các doanh nghiệp xây dựng cũng đã nhìn ra thực lực tài chính của các chủ đầu tư nên cũng có một sự ràng buộc về độ tin cậy, thậm chí có chủ đầu tư hiện nay không có nhà thầu nào dám nhận làm mặc dù rất thiếu việc làm.
Với bối cảnh hiện tại, song song với việc đẩy mạnh công tác phòng chống dịch Covid-19, Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành cũng đang tập trung tìm mọi cách để đẩy mạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi kinh tế bằng các chương trình rất cụ thể, có hiệu quả ví dụ như chương trình cải cách pháp luật: sửa đổi một loạt các luật và nghị định, thông tư với mục tiêu điều chỉnh hệ thống pháp luật cho sát với thực tế cuộc sống, phục vụ cho doanh nghiệp và người dân.
Chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp và hợp tác xã đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh để phục hồi kinh tế bằng hàng loạt chương trình. Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề nghị chương trình 800 nghìn tỷ đồng (32 tỷ USD) cho 4 chương trình: Hỗ trợ an sinh, việc làm; Hỗ trợ doanh nghiệp và hợp tác xã; Hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng; Hỗ trợ mở cửa kinh tế tạo điều kiện thị trường cho các doanh nghiệp trong 5 năm để kinh tế Việt Nam không bị tụt hậu so với khu vực, quốc tế hoặc Bộ Xây dựng cũng đang đề xuất một gói hỗ trợ 65.000 tỷ cho gói nhà ở công nhân…
Với những động thái đó, ngành xây dựng cũng như các ngành kinh tế khác đều cảm nhận: thị trường 2022 sẽ khởi sắc hơn. Các doanh nghiệp xây dựng cũng tự tin hơn trước thềm 2022 vì ngoài việc có những cải tiến về pháp luật, việc mở cửa nền kinh tế đồng thời tăng cường đầu tư công, tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng sẽ mang lại những cơ hội việc làm cho doanh nghiệp và người lao động. Mặt khác, nếu những rào cản pháp lý của các thủ tục đầu tư được gỡ bỏ thì thị trường bất động sản sẽ khởi sắc trở lại, tạo điều kiện công ăn việc làm cho ngành xây dựng.
Trước mắt, nếu chương trình hỗ trợ nền kinh tế do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất được Quốc hội và Chính phủ thông qua thì các doanh nghiệp xây dựng kiến nghị:
Thứ nhất, hỗ trợ về vốn bằng việc cho vay ưu đãi giá rẻ và thủ tục đơn giản để các doanh nghiệp xây dựng vượt qua được thách thức trước mắt.
Thứ hai, hỗ trợ an sinh, việc làm cho công nhân ngành xây dựng: Hỗ trợ để công nhân có nhà ở, có các thủ tục đi lại, cư trú đơn giản để người lao động yên tâm, trước mắt dừng thu BHXH cho công nhân xây dựng trong năm 2021 và 2022.
Thứ ba, cải tiến các thủ tục đấu thầu và hợp đồng xây dựng trong đó cần quyết tâm đưa việc bảo lãnh thanh toán khoản 35% cuối của hợp đồng để giải mã việc nợ đọng xây dựng tồn tại như một căn bệnh trầm kha từ nhiều năm nay. Có biện pháp để chỉ đạo các Sở Xây dựng địa phương cập nhật kịp thời chính xác sự biến động của giá vật liệu trên thị trường nhằm giảm thiểu những thiệt thòi cho các nhà thầu xây dựng.
Bên cạnh việc phác họa bức tranh toàn cảnh của ngành xây dựng năm 2021, với góc độ là một chủ đầu tư bất động sản nhà ở, chúng tôi cũng xin có một vài kiến nghị và giải pháp tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện nay.
Có thể nói, bất động sản và xây dựng gắn chặt với nhau như “răng với môi”. Vì vậy, doanh nghiệp ngành xây dựng hết sức quan tâm đến việc làm thế nào để tháo gỡ cho bất động sản phát triển.
Bất động sản là một ngành kinh doanh phải hoàn thành các thủ tục pháp lý phức tạp nhất từ trước tới nay. Bởi bất động sản phải chịu sự tác động điều tiết của 12 luật khác nhau: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Phòng cháy chữa cháy… Chính vì sự phức tạp, chồng chéo này mà có ý kiến từng đánh giá, đây là “ma trận” làm cho tốc độ triển khai các dự án đầu tư bất động sản bị hạn chế rất lớn.
Vì vậy, muốn bất động sản phát triển trở lại để làm động lực phát triển cho cả nền kinh tế cần phải cải tổ hệ thống luật pháp hoàn chỉnh. Cụ thể:
Thứ nhất, phải tháo gỡ sự chồng chéo của luật pháp bằng cách cơ quan tham mưu về luật của Quốc hội. Cần tập hợp tất cả những vấn đề xung đột, chồng chéo, khác biệt của các luật liên quan đến bất động sản lại để thống nhất, hướng đến một chính sách hoàn chỉnh. Trước mắt cần sớm tháo gỡ ách tắc của Nghị định 30 trong việc cho phép chuyển đổi đất khác sang dự án nhà ở đô thị giúp khơi thông hàng trăm dự án bất động sản trên cả nước hiện nay.
Thứ hai, nhanh chóng chỉnh sửa Luật Đất đai, đặc biệt vấn đề giải phóng mặt bằng cần làm rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền để giải tỏa những ách tắc tồn đọng lâu nay.
Về tiền đền bù cho dân, tiền sử dụng đất. Hai vấn đề này đang được gộp lại. Trong khi đó, hệ số đền bù giữa các tỉnh là khác nhau nên người nông dân ở các tỉnh nhận đền bù cũng khác nhau khiến người dân không hài lòng và rất khó khăn khi đền bù thu hồi đất. Vì vậy, cần nâng giá đền bù đất lúa. Ngoài ra, khâu giáo dục vận động dân cũng rất quan trọng. Đất của dân đang là đất thuê nên cần phải làm công tác tư tưởng cho dân hiểu, nếu cần thiết có thể sử dụng phương pháp cưỡng chế.
Thứ ba, vấn đề đấu thầu, đấu giá dự án cần xem xét, điều chỉnh đi vào thực chất nhằm tạo điều kiện cho các chủ đầu tư, đặc biệt đối với các chủ đầu tư đang được sử dụng đất hợp pháp khi chuyển đổi.
Thứ tư, về thủ tục hành chính cần cải tổ để chỉ một đầu mối chịu trách nhiệm xử lý, quyết định nhằm giảm thời gian chờ đợi (hiện nay một thủ tục nếu gửi cho ủy ban, ủy ban sẽ gửi cho khoảng 4 - 5 sở ngành, quận huyện hỏi ý kiến rất mất thời gian).
Thứ năm, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần xem xét, điều chỉnh hợp lý những quy định và chế độ về tín dụng cho bất động sản. Chúng tôi cho rằng cần chặt chẽ ở một số điểm: Ví dụ việc phát hành trái phiếu bất động sản, hoặc việc sử dụng các công ty con để luân chuyển vốn… Tuy nhiên về tổng thể cần có quy định cụ thể hướng dẫn phân loại các khoản nợ của các chủ đầu tư, đồng thời cần xem xét nới lỏng phù hợp theo từng thời điểm việc cho vay bất động sản (như tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, hệ số rủi ro của vay bất động sản…) để tháo gỡ cho nguồn vốn vào bất động sản.
Thứ sáu, cần cải tiến chế độ thông tin về quy hoạch, kêu gọi đầu tư, kể cả việc cải tạo chung cư cũ cần công khai, minh bạch để kêu gọi được các nguồn lực của toàn xã hội.
Bất động sản là một ngành kinh tế có tác động khá rộng tới toàn bộ nền kinh tế của nước ta, do vậy những chính sách tháo gỡ cho bất động sản chính là một mắt xích quan trọng trong việc tháo gỡ, phục hồi cho cả nền kinh tế trong giai đoạn 10 năm tới. Hy vọng những kiến nghị, giải pháp nêu trên sẽ là những ý kiến tham mưu cho Quốc hội và Chính phủ trong việc đẩy mạnh phát triển, phục hồi nền kinh tế của nước ta./.