Aa

Nhìn từ nghi vấn gây rạn nứt, hư hại nhà dân của Công ty Anh Phát

Thứ Sáu, 14/08/2020 - 14:20

Câu chuyện người dân đòi Công ty Anh Phát bồi thường vì nghi ngờ DN trong quá trình sử dụng mìn để hoàn thổ mỏ đất đã gây hư hại tường nhà một lần nữa đặt ra câu hỏi về trách nhiệm trong quản lý vật liệu nổ công nghiệp.

Để kiểm soát tình trạng doanh nghiệp sử dụng mìn để khai thác, sản xuất luật pháp đã có những quy định cụ thể về quy trình cũng như trách nhiệm của các đơn vị khi sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp dường như vẫn lơ là câu chuyện an toàn, để xảy ra những vi phạm trong quá trình sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

Quy định về xử phạt hành vi vi phạm sử dụng vật liệu nổ công nghiệp như thế nào?

Nghị định 71/2019/NĐ-CP (có hiệu lực ngày 15/10/2019) quy định xử phạt hành vi vi phạm quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp như sau:

Điều 3. Hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả

1. Hình thức xử phạt chính:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng có thời hạn đối với Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp; Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp; Giấy phép sản xuất hóa chất Bảng 1, hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3, hóa chất DOC, DOC-PSF; Giấy phép, Giấy chứng nhận về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ;

b) Đình chỉ có thời hạn một phần hoặc toàn bộ hoạt động hóa chất; hoạt động sản xuất, mua bán, nhập khẩu, khảo nghiệm hóa chất diệt côn trùng, diệt khuẩn, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế; hoạt động cung cấp dịch vụ diệt côn trùng, diệt khuẩn bằng chế phẩm; hoạt động vật liệu nổ công nghiệp;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong hoạt động hóa chất, hoạt động vật liệu nổ công nghiệp…

Trên thực tế, các quy định xử phạt hành vi vi phạm về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đã có và rất chặt chẽ, thế nhưng, trong từng trường hợp cụ thể, không ít hộ dân vẫn cảm thấy bất an, lo lắng nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân không tuân thủ luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trong quá trình quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ.

Để hiểu rõ hơn vấn đề, phóng viên Reatimes đã trực tiếp khảo sát vụ việc sử dụng vật liệu nổ tại khu vực đồng Mỏ Vàng, xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn, đồng thời đặt vấn đề về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng vật liệu nổ. Bên cạnh đó, kiến nghị cấp có thẩm quyền trong việc đưa ra giải pháp đảm bảo an toàn khi sử dụng vật liệu nổ công nghiệp nói chung, đặc biệt là việc tăng cường công tác quản lý vật liệu nổ công nghiệp nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, tránh gây ảnh hưởng, xáo trộn cuộc sống sinh hoạt của người dân.

Hàng loạt căn nhà bị rạn nứt, hư hại

11h trưa, tiếng mìn nổ uỳnh uỳnh làm rúng động cả một vùng phát ra từ khu vực Mỏ Vàng (thôn Lâm Quảng, xã Tân Trường, Nghi Sơn). Khu vực này cách khu dân cư khoảng hơn 100m. Cậu bé L.H.L. - cháu ông L. chưa đầy 5 tuổi đang nô đùa ngoài sân bỗng khóc thét vì nghe tiếng nổ lớn. Đứa trẻ chân xoắn quẩy chạy thật nhanh vào nhà, chân không kịp mang dép, vội ôm lấy ông nội vì sợ hãi.

Ông L. cho hay, mấy tháng nay, ông và các hộ dân lân cận đã quá quen với tiếng ồn và rung chấn từ những vụ nổ mìn phục vụ cho việc hoàn trả mặt tại khu vực đồng Mỏ Vàng - nơi Công ty Anh Phát đang thi công. 

“Đây là khu vực mà Công ty Anh Phát (trụ sở tại Thanh Hóa) đang thực hiện hoàn trả mặt bằng đóng cửa mỏ cho nên vài tháng nay, hầu như ngày nào họ cũng nổ mìn để lấy vật liệu san lấp. Thời điểm nổ mìn đều đặn như vắt chanh, đó là vào 11h trưa và hơn 5 giờ chiều. Mỗi khi tiếng nổ lớn vang lên là lúc nhà cửa rung lắc. Nhiều nhà dân quanh khu vực đều bị nứt ít nhiều. Với tình hình này e rằng nhà của dân sập lúc nào không hay. Không chỉ vậy, mỗi lần mìn nổ là đứa cháu tôi lại khóc thét. Mình là người lớn còn sợ huống gì trẻ con”, ông L. nói.

received_1171819543218334
Người dân phản ánh nhà cửa nứt nẻ do hoạt động "hoàn thổ" của Công ty Anh Phát.

Cùng chung cảnh ngộ, bà L.H. (74 tuổi) chỉ tay về hướng vết nứt trong căn nhà mới xây dựng năm 2019, rồi buông lời chua chát: “Đấy! hậu quả của việc nổ mìn đấy. Hiện nay, nhiều hộ dân sống gần khu vực này đều có tường, trần, nền bị rạn nứt như vậy giống nhà tôi.

Căn nhà trị giá tiền tỷ của gia đình được vợ chồng, con cái tích góp nhiều năm mới xây dựng được, ai ngờ chỉ một thời gian ngắn sau khi hoàn công đã nứt nẻ trần, tường, nền do doanh nghiệp nổ mìn lấy đất đá san lấp mặt bằng, hoàn thổ. Hôm nay họ nổ tiếp đấy...”, bà H. nói chưa dứt lời thì bỗng tiếng nổ lớn (nổ mìn) vang lên cách đó không xa.

Bà H. cho biết, người dân thôn Lâm Quảng đã nhiều lần khiến nghị tới cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, bồi thường cho dân nhưng không được đáp ứng.

“Cực chẳng đã, chúng tôi đã lên trực tiếp lên công ty đề nghị lập biên bản ghi nhận hiện trạng, nhà cửa bị hư hại do nổ mìn, nhưng không được đáp ứng. Sau nhiều lần kiến nghị họ mới về kiểm tra nhưng kiểm tra xong rồi lại… để đó", bà H. bức xúc.

Sau nhiều lần kiến nghị không được giải quyết, bà H. cùng 1 số người dân liều mình đến khu vực chôn mìn để lấp hố, ngăn cản việc nổ mìn. 

VET NUT
Nhiều người dân cho rằng, vết nứt trên tường là do nổ mìn. 

Cùng chung quan điểm trên, bà L.N. (thôn Lâm Quảng) chia sẻ: “Từ khi Công ty Anh Phát về đây thi công cũng là lúc cuộc sống của người dân bị xáo trộn. Họ nổ mìn mà rung cả cốc chén trong nhà. Nổ rung giường, rung tường, có bữa tưởng sập nhà. Chúng tôi cũng nói nhiều, kiến nghị cũng không ít nhưng tất cả như "nước đổ đầu vịt". Dân bức xúc kéo nhau lên bãi mìn để kiến nghị nhưng họ vẫn làm".

Kể từ khi xuất hiện tình trạng nổ mìn, nhiều người dân thôn Lâm Quảng không dám bén mảng đến khu vực này để chăn thả gia súc vì sợ mang vạ vào thân.

Theo khảo sát của phóng viên Reatimes, tại thôn Lâm Quảng có nhiều căn nhà rơi vào tình trạng hư hỏng, xuống cấp mà theo người dân, nguyên nhân là do đơn vị nổ mìn lấy vật liệu san lấp gây ảnh hưởng tới kết cấu các căn nhà.

Nhiều căn nhà có chung tình trạng, vách tường, nền, trần nhà xuất hiện nhiều vết nứt, có nhiều đoạn tường bị tách rời nhau. Các phòng (bếp, vệ sinh, phòng ngủ, phòng khách) của các hộ dân đều có hiện tượng nứt nẻ ít nhiều và có nguy cơ gây ảnh hưởng tới chất lượng của toàn bộ công trình. Tình trạng hư hỏng tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người dân.

Người dân đề nghị bồi thường

Khảo sát thực tế của Reatimes cho thấy, vị trí bãi nổ mìn để thực hiện việc hoàn trả mặt bằng mỏ đất thuộc khu vực Mỏ Vàng, xã Tân Trường (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) gồm 2 bãi nổ, cách khu dân cư từ 100 - 300m.

Ông Lường Văn Sỹ, trưởng thôn Lâm Quảng cho hay, hiện tại đã có hơn 20 hộ dân trong thôn làm đơn kiến nghị tới cơ quan có thẩm quyền với nội dung đề nghị Công ty Anh Phát bồi thường hư hỏng nhà dân do tác động của việc nổ mìn: “Sau khi có kiến nghị của người dân, các ban ngành và đại diện công ty đã kiểm tra thực tế nhiều hộ dân để nắm rõ mức độ hư hại tài sản của người dân.

Tuy nhiên, đến nay chưa có thông báo kết quả việc kiểm tra cũng như mức tiền bồi thường cho dân. Một số người dân tỏ thái độ bức xúc vì cho rằng, tài sản bị ảnh hưởng bởi việc nổ mìn trong quá trình hoàn trả mỏ của Công ty Anh Phát và đề nghị chính quyền và đơn vị thi công bồi thường”, ông Sỹ nói.

Được biết, sau khi nhận được đơn kiến nghị của người dân thôn Lâm Quảng về đề nghị giải quyết các nội dung liên quan đến san lấp mặt bằng, hoàn thổ mỏ đất của Công ty Anh Phát, lãnh đạo xã Tân Trường đã phối hợp với các bên có liên quan tiến hành kiểm tra, khảo sát thực trạng tại mặt bằng san lấp của Công ty Anh Phát tại khu vực đồng Mỏ Vàng - xã Tân Trường.

Cũng qua kiểm tra thực tế, cơ quan có thẩm quyền phát hiện nhiều hộ có vết nứt nhà, nứt sân (bao gồm cả vết nứt cũ và mới), đồng thời đề nghị Công ty Anh Phát tạm dừng việc nổ mìn ở khu vực gần khu dân cư, đồng thời làm việc với các hộ dân, thỏa thuận và có biện pháp khắc phục đảm bảo đời sống của nhân dân.

Ông Nguyễn Anh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Trường.
Ông Nguyễn Anh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Trường (Tĩnh Gia, Thanh Hóa)

Ông Nguyễn Anh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Trường cho rằng, nguyên nhân nứt nhà của các hộ dân có tác động của việc nổ mìn: “Hiện tại đã có biên bản kiểm tra hiện trạng vết nứt cũ và mới tại các hộ gia đình có công trình bị ảnh hưởng. Chúng tôi đã đề nghị Công ty Anh Phát kiểm tra, đối chiếu, so sánh hiện trạng vết nứt mới so với hiện trạng trước đó, để biết rõ mức độ thiệt hại và làm căn cứ thỏa thuận, bồi thường cho dân".

Trong khi đó, đại diện Công ty Anh Phát cho rằng, chưa có căn cứ khẳng định "cáo buộc" các vết nứt tại nhiều nhà dân là do quá trình doanh nghiệp dùng mìn, thực hiện thi công hoàn thổ mỏ đất.

“Trước khi nổ mìn chúng tôi đã khảo sát và thấy nhà nào cũng nứt. Hiện trạng trước và sau khi nổ không khác nhau. Nếu có chuyện này (nổ mìn gây nứt nhà dân - PV) chúng tôi sẵn sàng có phương án đền bù cho dân”, Lê Văn Dũng, Phó Ban quản lý dự án, Công ty Anh Phát khẳng định.

Phóng viên Reatimes đã liên hệ với lãnh đạo thị xã Nghi Sơn và Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp để làm rõ một số nội dung liên quan tới vụ việc, nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top