Tuổi thơ một thời, có ai không gắn với ve sầu? Ấy là những cái que dài ngất nghểu, đầu được vo một cục nhựa mít. Thế là xuyên trưa đi dính ve sầu. Mà cũng chẳng có loại nào ngốc đến thế, cứ ra rả kêu dù màu thân đã gần trùng với màu cái cây nó đang bám. Thế là cái que nhựa mít vươn lên, xòe một phát, một tia nước đái mát lạnh bắn vào ha hả tiếng cười khoái trá. Chú ve sầu tiếp tục kêu khi cánh dính cứng vào que nhựa mít.
Mà phượng là hay được ve sầu "chiếu cố" nhất. Phượng lại nhiều ở các sân trường. Thế nên nghỉ hè nhưng sân trường vẫn luôn là "điểm hẹn" của những thằng học trò quần đùi trễ rốn, xương sườn xương ống khoe hết ra, ngất nghểu cái cần nhựa mít rảo khắp sân.
Lại còn đồn nhau, đứa nào hay đái dầm nướng ve sầu ăn sẽ hết. Chả đứa nào nhận là mình đái dầm, nhất là con gái, nhưng cứ nhìn đứa nào dấm dúi mang ve sầu về nướng ăn là láng máng biết. Ơ mà cũng chả hiểu sao hồi nhỏ ấy, trẻ con nông thôn ấy, lại hay đái dầm nhỉ, giờ thấy rất ít, nhất là trẻ con thành phố, đái dầm. Hay chúng có phòng riêng, có gì chỉ chúng tự biết.
Ngày xưa nhà chật, anh chị em, thậm chí cả bố mẹ, ngủ chung giường, đứa nào "dấm đài" là bị phát hiện ngay, dù có đứa nửa đêm phát hiện mình đái dầm đã tự dậy tụt quần ra phơi, "truổng cời" ngủ. Mà phía Bắc, mùa đông lạnh thấu xương, chăn chiếu thời ấy lại hiếm. Mà mùa đông mới hay đái dầm, vì mồ hôi không có. Cơ khổ cho những ai bị thế và vì thế mà nghe ve sầu chữa đái dầm là phải thun thút nghe. Thấy bảo có đứa ăn hết cả mùa hè ve sầu mà vẫn... đái dầm.
Giờ, hàng ngày có hàng trăm thứ âm thanh hỗn hợp ập vào ta, nên cái tiếng kêu ve sầu nó cũng bị lẫn vào đó. Hầu như trẻ con không để ý lắm tới ve sầu. Cũng có thể chúng có nhiều thú chơi rồi. Ngày xưa, hè chỉ có "hai việc lớn" là đi bắt ve sầu và tập bơi, ngoài việc thường trực là giúp bố mẹ làm đồng. Giờ, vẽ ư, nhạc ư, tiếng Anh ư, học thêm kiến thức ư, du lịch ư, ở nhà thì cũng hàng đống đồ chơi, toàn loại xịn, loại hấp dẫn, chưa chán đã có thứ khác... nên tiếng ve cứ như thừa ra.
Và ngay người lớn cũng khó chịu. Chả hiểu sao ve sầu lại không chịu... ngủ trưa. Không những thế, cứ giữa trưa là chúng kết bè để kêu. Rền rĩ, âm ỉ, liên miên... rất dễ khiến các quý ông cần nghỉ trưa một chút để chiều đi làm nổi khùng. Nhưng làm gì chúng. Việc của ve sầu là kêu, là làm cho mùa hè tưng bừng lên.
Nhưng ít ai để ý là, chỉ ve sầu đực biết kêu, còn cái thì không, con cái chỉ nghe. Chim cũng thế, chỉ chim đực là hót hay. Công hoặc gà cũng chỉ con trống có bộ lông sặc sỡ. Thế tức là, con ve sầu ấy, nó kêu là để làm mỗi việc... dụ con cái, khoe với con cái cái giọng tuyệt vời của mình. Và vì thế mà, nó hay bị dính nhựa mít, rồi những con cái lại đi nghe tiếng kêu của những con đực khác.
Nhà tôi ở trước một ngôi trường mẫu giáo, có hàng phượng rất đẹp, cứ hè, tất nhiên là nó rừng rực "cháy". Và ve sầu, lại cũng tất nhiên, chỉ đợi phượng bắt đầu chúm chím là từ côn trùng nằm sâu dưới đất tự thuở nào, chúng leo lên cây để thành ve sầu. Năm nay có hai sự kiện xảy ra, một là như mọi ngôi trường khác, trường cũng lo cho sự an toàn của học sinh (và cả phụ huynh), chưa tới mức chặt hết đi, nhưng mé hết các cành lớn, tức là lá rất ít và hoa lại càng không.
Và hai là, phố tôi mới làm lại con đường, đổ bê tông hết, nên ấu trùng ve sầu từ dưới đất, khá sâu dưới đất, hình như không ngoi lên được. Nó tạo một khoảng vắng, khoảng vắng tiếng ve.
Hôm qua lão hàng xóm mọi năm cứ càu nhàu ve sầu kêu dai quá không ngủ được, quần đùi lòi rốn cứ ngửa cổ lên mấy cây phượng tìm. Hỏi tìm gì đấy. Ve sầu. Năm nay sao tới giờ chưa thấy nó kêu. Ơ, mọi năm ông toàn càu nhàu nó kêu không ngủ được mà. Thì thế, nhưng năm nay hè không thấy ve kêu lại cứ như là... chưa hè. Ơ chưa hè thật mà, mọi năm tháng 5 đã nghỉ, năm nay Covid nên tháng 7 vẫn còn lục xục thi với kiểm tra đấy.
Chết thôi, hè mà không ve không phượng thì còn gì là hè? Tôi phì cười nghe lão rên, nhưng rồi cũng thảng thốt, ôi những con ve mùa hè của tuổi thơ tôi?
Mà lạ, nhớ ve thì ít mà nhớ... nước đái của nó lại nhiều. Có ai còn nhớ dòng nước mát lạnh giữa trưa hè không mưa bỗng dưng vọt vào đầu vào mặt mình không?