Ở nước Việt ta đang tồn tại ít nhất hai loại nêu. Nêu của người Kinh dựng vào ngày Tết để đuổi quỷ. Hình như thế hệ chúng tôi hồi học cấp 1 có học về sự tích cây nêu, và hầu như ai cũng biết về sự tích cây nêu này. Giờ người ta ít dựng nêu, chứ ngày xưa ở nông thôn miền Bắc, cứ hai ba tháng Chạp, một mặt lo cúng tiễn ông Táo, mặt nữa là lo dựng nêu để giữ đất. Đơn giản nhất là người ta giải thích với nhau, ông Táo lên chầu trời thì phải có cây nêu để thay Táo giữ nhà.
Nhưng còn một loại nêu nữa mà sau này, khi ra trường, lên Tây Nguyên làm việc tôi mới biết, ấy là cây nêu người Tây Nguyên hay dựng trước các nhà rông, chính giữa cửa.
Nêu này nó khác hẳn cả về hình thức và nội dung với nêu đuổi quỷ giữ đất của người Kinh.
Người Tây Nguyên quan niệm vạn vật hữu linh, cái gì cũng có thần linh đại diện, và con người đều phải thờ, đều phải tôn trọng. Thần của các vị thần là Yang, ở tít trên... trời xanh. Con người lè tè mặt đất, vậy các vị thần trung gian phải có chỗ để "ngự", để mà giám sát con người, mà để con người có chỗ "đề đạt" với Yang thông qua trung gian là các vị này. Thế là cây nêu ra đời, nó vừa tượng trưng cho sự nối trời với đất, vừa làm chỗ trú trụ của các vị thần, vừa là khát vọng của con người vươn vào trời xanh, lại cũng có tí thực dụng là nơi để cột con trâu sẽ tế Yang, rồi bày lễ lên đấy.
Trông thì dễ, nhưng không phải ai cũng có thể làm một cây nêu cho nó ra nêu.
Nó cũng như tượng mồ. Thực ra bây giờ, mang một cái tượng mẫu ra cho mấy bác thợ mộc nhìn, chưa cần các nhà điêu khắc, rồi bảo họ làm một cái, bảo đảm có ngay, trơn tru nhẵn nhụi, giống y chang, thậm chí... giống hơn. Nhưng nó lại... không ra tượng dân gian. Cái tượng dân gian ấy, nó mang dấu ấn của từng cá nhân, nó có cảm xúc, cả sự vụng về tay ngang nhưng lại đầy kinh nghiệm từ máu, nó phập phồng hơi thở đời sống chứ không lạnh lùng kiểu ma-nơ-canh.
Thì cái cây nêu cũng thế. Tôi đoán chắc, chỉ mang cái ảnh đưa cho bác thợ mộc, chỉ một hai ngày là bác có thể làm một cây nêu ngon lành. Thế mà vừa rồi, chúng tôi ở khu du lịch Một thoáng Việt Nam đã phải "thửa" hai ông nghệ nhân Tây Nguyên là Yoan và Yai từ Plei Choet, Gia Lai xuống Củ Chi, và hai người mất tám ngày để hoàn thành cây nêu trước cái nhà rông cũng của nghệ nhân xịn từ Kon Tum xuống làm trước đó.
Khi tôi kể đang làm cây nêu trên facebook thì nhiều người vào, tỏ vẻ ngạc nhiên, rằng đang yên đang lành sao lại làm... nêu. Phải giải thích rằng đây là nêu của người Tây Nguyên. Nhưng nguyên nhân nữa, là tại cách gọi.
Nêu là cách gọi của người Kinh, cũng như rượu cần rượu ghè là người Kinh gọi căn cứ theo cái đựng và cách uống. Người Jrai gọi cây nêu là Brui. Brui chỉ làm ở hai nơi, nơi chính là nhà rông như chúng tôi đã làm ở nhà rông trong khu du lịch Một thoáng Việt Nam, và là cây lớn, có tế trâu. Ngoài ra, những nhà giàu trong làng có thể cũng dựng Brui trước nhà mình, nhưng nó khác với Brui ở nhà rông. Nó chỉ có ba cái cọc và một cái cây ở giữa. Cây này có thể là Blan (Pơ lang, gạo, mộc miên).
Phía trên, Brui cao vút và mềm mại với Mnuk là cái trụ chính, giờ kiếm rất khó bởi nó được chọn từ cây tre thẳng, mắt thưa và to, dài trên 7 mét, 4 cây trúc cũng cao vút, trên ấy là những xương cá, chim... được kết rất khéo, treo thành dây đung đưa trước gió. Nó chính là sự sống. Ngay màu của Brui cũng mang ý nghĩa tượng trưng rất cao, là đen của đất, trắng của trời, đỏ của người, tức sự sống. Giờ bà con tự thêm vào màu vàng, hỏi sao lại có màu vàng, bảo người Việt Nam da vàng, trong khi chính người Tây Nguyên lại da... không trắng không vàng.
Bốn cái trụ nêu gọi là Gongga cũng rất quan trọng, nó vừa là để giữ cho cái Mnuk, vừa để cái Byă tròng vào. Byă chính là cái dây bện rất chắc, và rất đẹp, để con trâu... thò cổ vào, và nó sẽ ngơ ngác ở đấy chờ... tế. Nó lại cũng là nơi người ta đặt lễ vật lên để cúng.
Thường là nếu tế trâu, thì nguyên cái đầu trâu, và nội tạng trâu mỗi thứ một tí, máu trâu thì bôi lên các cột Gongga. Còn nếu gà thì nguyên con chéo cánh nướng rất khéo rồi chễm chệ trên ấy. Người Tây Nguyên nướng gà cực ngon, ấy là họ không cho lửa tiếp xúc trực tiếp mà chính xác là dùng sức nóng của lửa bằng cách kẹp gà rồi cắm trên cọc cao, đốt lửa phía dưới, chếch xa chứ không thẳng đứng. Gà chín và giữ nước nên rất thơm và ngọt.
Cây nêu Tây Nguyên thường là không để lâu, nó chỉ phục vụ cho cái lễ nào đấy, như lễ cúng nhà rông chẳng hạn, vì thế, xong việc là nó... tơi bời. Có chăng "sống lâu" hơn chút là bốn cái trụ Gongga, nó sẽ tồn tại đến khi người ta làm cây nêu mới.
Cũng như tượng mồ, nhà mồ và một vài thứ tín ngưỡng khác, nêu được làm để cúng, xong rồi bỏ, chứ không có ý thức giữ, và bà con cũng không làm "nghệ thuật" như sau này có một số người phong "nghệ thuật tượng mồ", "nghệ thuật nêu", thậm chí nâng lên tầm... văn hóa, như "văn hóa nhà rông", "văn hóa rượu cần"... nhưng những gì nó đã hiện diện, dù là khoảnh khắc, dù là nhất thời, thì nó đều được làm bằng sự chưng cất cảm xúc cao nhất, bằng thái độ thành kính nhất, trước Yang và các vị thần, nó là tinh hoa của những con người đặc biệt mà giờ ta phong cho họ là nghệ nhân, có "nghệ nhân nhân dân", "nghệ nhân ưu tú" và nghệ nhân... bình thường, tức là chưa/không được phong.
Những thứ họ làm ra ấy, cũng đầy ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa nhân sinh và mang tính khái quát rất cao, nhưng lại cũng mang đậm dấu ấn sáng tạo của từng cá nhân. Ơ thế thì họ là nghệ sĩ chứ còn gì nữa, những nghệ sĩ không biết và không nghĩ mình là nghệ sĩ, nhưng họ phụng sự cái đẹp, cái cao cả, cái có lý và con tim, tâm hồn mình, cộng đồng của mình.
Còn cao hơn cả nghệ sĩ.