Aa

Nhờ sốt đất, nghề môi giới lên ngôi, “tay ngang” cũng kiếm tiền triệu mỗi ngày

Thứ Hai, 10/05/2021 - 06:00

Trong bức tranh u ám về làn sóng Covid-19, đất nền vẫn nóng sốt trong 3 tháng đầu năm và nghiễm nhiên lúc này, nghề được xôn xao rằng “hốt bạc” nhanh chóng chính là môi giới, mua bán nhà đất.

Môi giới “tay ngang” xuất hiện ngày càng nhiều

Trong thời gian 4 tháng đầu năm 2021, nhiều địa phương đã xuất hiện tình trạng “sốt đất” khó tin. Theo báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, hiện tượng đất đai sôi sục khắp nơi, trung bình tăng 10% sau một tháng. Cá biệt một số nơi tăng 2 - 3 lần chỉ trong 1 - 2 tháng.

Đáng chú ý, nhiều nơi người dân bỏ kinh doanh, bỏ sản xuất để lao vào cơn sốt, tiền gửi ngân hàng cũng được rút ra để đầu tư vào đất đai. Nghề môi giới bất động sản cũng trở nên hấp dẫn, bởi bất động sản thường có giá trị cao, chính vì thế chỉ cần giao dịch thành công một mảnh đất, môi giới có thể nhận vài chục triệu đồng tiền hoa hồng, tương đương 4 - 5 tháng lương đối với các công việc văn phòng khác.

Nhiều cơn sốt đất đã qua, không thể không nhắc tới bàn tay của các môi giới “tay ngang”, hay còn được gọi là “cò đất”. Họ có thể là người dân địa phương có “sốt đất”, làm nghề xe ôm, bán trà đá, quán ăn… và cả những nhân viên từ các ngành nghề khác chuyển sang.

Trong cơn sốt đất, xuất hiện nhiều môi giới từ ngành nghề khác chuyển sang
Trong cơn sốt đất, xuất hiện nhiều môi giới từ ngành nghề khác chuyển sang

Đơn cử như chị Ngọc, bán trà đá tại khu vực Long Biên, là một môi giới “tay ngang” vào nghề từ cơn sốt đất cho biết, kể từ sau khi có thông tin Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, nhiều người đổ về khu vực này tìm đất. Nhận thấy, đa phần những người tìm về khu vực mua đất đều không thông thạo địa hình, chị Ngọc đã đề nghị tìm đất cho họ và được trả tiền hoa hồng theo thoả thuận. Dần dần, chị Ngọc cũng trở thành môi giới tại khu vực này.

“Mỗi giao dịch thành công, bên mua hoặc bán sẽ trả tôi khoảng 30 - 40 triệu đồng. Do hai bên tự thoả thuận ai là người trả phí môi giới. Sau khi ký hợp đồng xong tôi có thể nhận tiền hoa hồng luôn”, chị Ngọc nói.

Một đồng nghiệp khác của chị Ngọc là anh Đỗ Văn Tân, làm nghề xe ôm cho hay, thời gian này anh không chạy xe đưa đón khách mà chỉ chờ khách có nhu cầu mua đất thì “tư vấn” và dẫn họ đến các mảnh đất người dân muốn bán cũng có thể kiếm từ 500.000 - 1.000.000 đồng/ngày.

Dưới góc độ doanh nghiệp môi giới chuyên nghiệp, chia sẻ tại toạ đàm mới đây, ông Nguyễn Chí Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đất Xanh Miền Bắc cho biết, cơn sốt đất có yếu tố đóng góp của một số nhà môi giới mới như những nhóm di chuyển từ việc kinh doanh đa cấp, ngân hàng hoặc bảo hiểm.

“Những nhóm này thường có lượng nhân viên không nhiều, không đóng thuế, họ hoạt động không chính thức. Thế nhưng, các bộ nhận dạng thương hiệu chiến lược truyền thông của họ rất tinh vi khiến những nhà đầu tư chuyên nghiệp không thể thoát khỏi họ được. Ví như người bán nước có thời gian thường trực “nhất cự ly, nhì tốc độ” còn những người làm đa cấp họ có sự nhiệt tình và có kỹ thuật riêng của họ”, ông Nghĩa nói.

Cần quản lý chặt chẽ hoạt động của môi giới

Trao đổi với Reatimes xoay quanh vấn đề môi giới tay ngang, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, 5 năm qua, cả nước có khoảng 300.000 người tham gia hoạt động môi giới bất động sản tại Việt Nam, mức độ tăng trưởng của nghề là 15%. Tuy nhiên, trong đó chỉ có khoảng hơn 20% là đủ điều kiện hành nghề, còn lại đa phần là những người hoạt động nghiệp dư hoặc môi giới “tay ngang” chuyển nghề. Thậm chí trong các cơn “sốt đất” xuất hiện cả người chở xe ôm, bán trà đá, cũng trở thành môi giới.

ông Nguyễn Chí Thanh, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam
Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam

“Hiện nay, phần lớn lực lượng môi giới không có chứng chỉ, thiếu kiến thức căn bản để hành nghề, đặc biệt là kiến thức về pháp luật có liên quan tới lĩnh vực bất động sản. Môi giới phần lớn hoạt động không khác gì người dẫn mối. Không ít môi giới bắt tay với nhà đầu cơ tạo nên cơn sốt ảo ở khắp các địa phương, gây náo loạn thị trường, thổi giá nhằm trục lợi. Nhiều khách hàng trở thành nạn nhân bị môi giới lừa đảo, mất trắng tài sản”, vị này nhấn mạnh.

Nhằm hướng tới một thị trường dịch vụ bất động sản chuyên nghiệp, cần nâng cao vai trò, địa vị pháp lý của nhà môi giới trong việc giao dịch, ông Thanh cho rằng, việc bắt buộc tất cả các môi giới phải có chứng chỉ hành nghề, được đào tạo bài bản và đạt các yêu cầu tối thiểu là điều cần thiết. Ngoài ra, cần cân nhắc việc bắt buộc giao dịch qua các sàn bất động sản để dễ dàng quản lý.

Để phát triển một thị trường bất động sản lành mạnh, minh bạch, ông Thanh cho rằng, Nhà nước có thể giao cho các hiệp hội hoặc cơ quan chức năng quản lý về hoạt động của môi giới bất động sản. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc hành nghề môi giới bất động sản đúng luật. Bởi hiện nay, công tác thanh kiểm tra hoạt động môi giới, đặc biệt là môi giới tự do đang bị bỏ ngỏ. Đây cũng là nguyên nhân chính làm nên thị trường bất động sản méo mó.

Đồng thời, mỗi môi giới bất động sản cần được cấp một mã số hành nghề riêng để thuận tiện cho việc kiểm soát hoạt động hành nghề cũng như quản lý thuế thu nhập cá nhân. Hơn nữa, trong các văn bản như trong hợp đồng đặt cọc cần có xác nhận của môi giới với mã số hành nghề rồi mới tới bước ký hợp đồng sang nhượng.

Ngoài ra, cần điều chỉnh lại bộ chương trình đào tạo cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Trong đó, tập trung vào việc truyền thụ kiến thức về luật kinh doanh bất động sản, đạo đức hành nghề môi giới. Quy định buộc phải hoàn thành chương trình đào tạo của đơn vị được cấp phép sau đó mới được dự thi lấy chứng chỉ, vị này nhấn mạnh.

Chia sẻ với báo chí trước đó, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho biết, Nhà nước cần sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản 2014 theo hướng quy định mọi loại hình bất động sản đều phải giao dịch qua sàn giao dịch, xây dựng hệ thống quản lý giao dịch bất động sản. Sàn giao dịch bất động sản phải ký quỹ để hoạt động kinh doanh như một loại ngành nghề có điều kiện. Sàn giao dịch phải là đơn vị hoạt động kiểu mô hình sàn giao dịch chứng khoán, văn phòng công chứng. Các môi giới bất động sản phải được đào tạo để đảm bảo yêu cầu kỹ năng nghiệp vụ chuyên nghiệp. Người làm môi giới phải được cấp chứng chỉ hành nghề và có mã số nghề nghiệp.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top