Aa

Nhóm bất động sản tiếp tục phân hóa rõ nét, DXG bất ngờ tăng trần

Thứ Bảy, 17/10/2020 - 06:00

Thị trường tiếp tục diễn biến giằng co với biên độ hẹp, trong đó, các cổ phiếu bất động sản phân hóa mạnh. DXG gây bất ngờ khi được kéo lên mức giá trần và giao dịch bùng nổ.

Thêm một phiên giao dịch nữa, thị trường rơi vào trạng thái biến động trong biên độ hẹp. Các cổ phiếu lớn tiếp tục có sự phân hóa rất mạnh, khiến thị trường rơi vào trạng thái giằng co xuyên suốt phiên giao dịch và không có quá nhiều sự nổi bật.

Tương tự phiên trước, nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn phân hóa rất rõ nét, trong đó, các cổ phiếu như DXG, NTL, VPH, DIG, CEO, NVT… đồng loạt tăng giá tốt. DXG bất ngờ được kéo lên mức giá trần, tương tự, PIV và PVR cũng tăng trần. Bên cạnh đó, VPH tăng 3% lên 4.390 đồng/cp, DIG tăng 2,2% lên 18.300 đồng/cp, NTL tăng 3,4% lên 18.500 đồng/cp. Mới đây, NTL công bố báo cáo tổng hợp quý III với doanh thu 174 tỷ đồng, tăng 20%. Lãi sau thuế đạt 84 tỷ đồng, gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên cũng có nhiều cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao giảm giá sâu ở phiên 16/10 như TLD, PDR, SZC, SCR, AMD, FLC, DRH… Trong đó, TLD giảm đến 5,2% xuống 10.100 đồng/cp, PDR giảm 2,8% xuống 38.000 đồng/cp, SCR giảm 2,6% xuống 6.400 đồng/cp, FLC giảm 1,9% xuống 4.230 đồng/cp.

Các cổ phiếu có tác động tích cực nhất lên các chỉ số là CTG, GVR, FPT, VPB, ACB hay VCS. Trong đó, CTG tăng 3,7% lên 31.150 đồng/cp và khớp lệnh 13 triệu cổ phiếu, GVR tăng 3% lên 13.950 đồng/cp và cũng khớp lệnh 5,4 triệu cổ phiếu.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.

Chiều ngược lại, áp lực trên thị trường vẫn là rất lớn, trong đó, CTD giảm sâu 6,2% xuống 54.400 đồng/cp và khớp lệnh 2,8 triệu đơn vị, MSN điều chỉnh giảm trở lại 1,4% xuống 80.000 đồng/cp sau 9 phiên tăng liên tiếp.

Phiên 16/10, nhóm cổ phiếu họ “Vin” chỉ có VIC duy trì được sắc xanh với việc tăng 0,1% lên 97.600 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 0,54 điểm (0,06%) lên 943,3 điểm. HNX-Index tăng 0,16 điểm (0,11%) lên 139,82 điểm. UPCoM-Index tăng 0,37 điểm (0,58%) lên 63,85 điểm. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường ở mức 710 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch là 15.500 tỷ đồng, trong đó, giao dịch khớp lệnh là 13.400 tỷ đồng. Hai cổ phiếu bất động sản nằm trong top khớp lệnh toàn thị trường là DXG và ITA, với DXG khớp lệnh 13,6 triệu cổ phiếu còn ITA là 11,5 triệu cổ phiếu.

Các cổ phiếu có giá trị mua (bán) ròng của khối ngoại lớn nhất. Nguồn: Fialda.

Khối ngoại giao dịch theo chiều hướng xấu hơn khi bán ròng đến hơn 425 tỷ đồng trên toàn thị trường. CII và KDH là 2 mã bất động sản bị khối ngoại bán ròng mạnh với giá trị lần lượt 25 tỷ đồng và 15 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VIC đứng thứ 2 trong danh sách mua ròng của khối ngoại toàn thị trường với 31 tỷ đồng. NLG là mã bất động sản cũng góp mặt trong danh sách này với giá trị mua ròng ở mức 5,3 tỷ đồng.

Tính chung cả tuần, VN-Index tăng 19,3 điểm (1,4%) lên 943,3 điểm; HNX-Index tăng 2,9 điểm (2,1%) lên 139,82 điểm. Thanh khoản gia tăng với tuần trước đó và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 tuần với khoảng 10.000 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Cụ thể, giá trị giao dịch trên HOSE tăng 18,5% lên 36.088 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 4,2% xuống 2,1 tỷ cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 22,3% xuống 4.143 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 25,7% xuống 290 triệu cổ phiếu.

Theo phân tích của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường tiếp tục tăng điểm trong tuần qua với tuần thứ 5 trên VN-Index và tuần thứ 11 trên HNX-Index, thanh khoản nếu loại bỏ phần thỏa thuận thì đã giảm so với tuần trước đó cho thấy lực cầu mua lên trong giai đoạn hiện tại đang yếu dần đi.

Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index hiện kết phiên trong vùng 940 - 950 điểm tương ứng với vùng giá của thị trường trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Nhìn trên khía cạnh liên thị trường thì các chỉ số chứng khoán lớn trên thế giới đều chịu áp lực điều chỉnh khi tiếp cận với vùng giá này nên dư địa tăng giá hiện tại không còn nhiều.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 11 duy trì basis âm nhẹ 6,49 điểm so với chỉ số cơ sở VN30, cho thấy nhà đầu tư phái sinh đang thận trọng về xu hướng tăng của thị trường.

SHS dự báo tuần tới, VN-Index có thể sẽ tiếp tục rung lắc quanh ngưỡng 940 điểm (fibonacci extension 61,8%). SHS duy trì khuyến nghị nhà đầu tư nên chốt lời các vị thế ngắn hạn trong khoảng 940 - 950 điểm của thị trường do đây là kháng cự mạnh trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Đối với những nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao trong danh mục có thể canh mua vào nếu thị trường có nhịp điều chỉnh về quanh ngưỡng 920 điểm (MA20).

Theo phân tích của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), VN-Index dự kiến sẽ có diễn biến giằng co quanh vùng 945 điểm trong những phiên đầu tuần tới. Diễn biến thị trường sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu theo thông tin kết quả kinh doanh quý III của từng doanh nghiệp cụ thể. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn sẽ luân phiên tăng điểm để hỗ trợ thị trường. Ngoài ra, hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư theo bộ chỉ số VN30 và VNDiamond diễn ra vào hai tuần cuối tháng 10 có thể sẽ tạo ra diễn biến sôi động ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top