Aa

Cổ phiếu bất động sản phân hóa mạnh, họ "Vin" giao dịch tích cực

Thứ Tư, 14/10/2020 - 06:00

Thị trường rung lắc mạnh trong phiên 13/10, nhưng nhờ sự bứt phá của một số mã trụ cột, VN-Index và HN-Index có được sự tăng điểm, trong đó, 3 cổ phiếu họ "Vin" cũng có sự đóng góp vào diễn biến này.

Thị trường chứng khoán tiếp tục vấp phải những áp lực rung lắc mạnh trong phiên 13/10. Ngay đầu phiên giao dịch, các áp lực bán bị đẩy lên mức cao đã khiến hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn. Chỉ số chính VN-Index chỉ có những diễn động với biên độ hẹp quanh mốc tham chiếu với nhưng đợt tăng giảm điểm đan xen, trong khi đó, 2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index giao dịch phần lớn trong sắc đỏ.

Tuy nhiên, khác với phiên trước, sự phân hóa diễn ra khá rõ nét nên các chỉ số đều biến động không quá mạnh. Các cổ phiếu gây áp lực lớn lên thị trường chung gồm SAB, HPG, MWG, NVL, BHN, HDB, POW… Trong đó, SAB giảm sâu 2,2% xuống 184.000 đồng/cp, MWG giảm 1,2% xuống 106.200 đồng/cp, HPG giảm 0,9% xuống 28.000 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.

Dù áp lực là rất lớn nhưng 2 chỉ số VN-Index và HNX-Index lại bật tăng vào cuối phiên do lực đẩy của một số cổ phiếu trụ cột, trong đó, MSN tiếp tục tăng 6,6% lên 74.800 đồng/cp. Chỉ trong khoảng 2 tuần vừa qua, giá cổ phiếu MSN đã tăng đến 40%. Bên cạnh đó, CTG cũng tăng 5% lên 30.550 đồng/cp và khớp lệnh 10,9 triệu cổ phiếu, VCS tăng 1,6% lên 76.200 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.

Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, bộ 3 cổ phiếu họ “Vin” đồng loạt tăng, trong đó, VIC tăng 0,2% lên 94.100 đồng/cp, VHM tăng 0,8% lên 78.100 đồng/cp còn VRE tăng 0,4% lên 27.200 đồng/cp.

Đối với các cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, sự phân hóa diễn ra rõ nét hơn so với phiên trước, trong đó, một số cổ phiếu có tính thanh khoản cao hồi phục tốt như ITA, DXG, HQC… Chốt phiên, ITA tăng 3,2% lên 5.150 đồng/cp, HQC tăng 1,2% lên 1.730 đồng/cp, DXG tăng 1,8% lên 11.050 đồng/cp. Bên cạnh đó, FLC tiếp tục tăng 6,2% lên 4.290 đồng/cp, HAR tăng 5,4% lên 4.120 đồng/cp.

Ở chiều ngược lại, vẫn còn khá nhiều mã bất động sản vừa và nhỏ chìm trong sắc đỏ, trong đó, DIG giảm 1,6% xuống 17.850 đồng/cp, HDC giảm 1,5% xuống 23.650 đồng/cp, HPX giảm 2,9% xuống 27.000 đồng/cp.

Kết thúc phiên giao dịch 13/10, VN-Index tăng 4,03 điểm (0,44%) lên 929,86 điểm. Toàn sàn có 185 mã tăng, 203 mã giảm và 84 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,25 điểm (0,18%) lên 136,15 điểm. Toàn sàn có 83 mã tăng, 62 mã giảm và 59 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,04 điểm (-0,06%) xuống 63,43 điểm.

Các cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất thị trường. Nguồn: Fialda.

Thanh khoản trên hai sàn giảm đáng kể so với phiên trước với giá trị giao dịch đạt 7.041 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch là 398 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 973 tỷ đồng. FLC và ITA chia sẻ 2 vị trí dẫn đầu về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với lần lượt 23,3 triệu cổ phiếu và 17,5 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại giảm đáng kể giá trị bán ròng trong phiên 13/10 với hơn 38 tỷ đồng, trong đó, 2 mã bất động sản là KDH và NVL nằm trong danh sách bán ròng mạnh của khối ngoại với lần lượt 10 tỷ đồng và 6,7 tỷ đồng. Trong khi đó, VIC là mã bất động sản duy nhất nằm trong top mua ròng của khối ngoại với 16 tỷ đồng.

Theo phân tích của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường mở cửa giảm điểm nhẹ kiểm tra vùng hỗ trợ ngắn hạn quanh mốc 920 điểm và sau đó tiếp tục tăng điểm nhờ sự tích cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng và một số mã vốn hóa lớn. Tuy nhiên, sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu diễn ra rất mạnh khi nhiều mã chịu áp lực chốt lãi ngắn hạn khiến cho độ rộng thị trường lại nghiêng về hướng tiêu cực với số mã giảm điểm chiếm ưu thế. Khối lượng giao dịch giảm hơn 20% so với phiên trước cho thấy nhà đầu tư có tâm lý thận trọng khi VN-Index đang tiến tới các mốc kháng cự quanh vùng 930 - 940 điểm. Trên thị trường Phái sinh, hợp đồng tương lai VN30F1 M tăng điểm nhẹ và chênh lệch lại chuyển sang âm -1,95 điểm so với VN30 cho thấy tâm lý ngắn hạn của VN30 nghiêng về giảm điểm.

SHS dự báo VN-Index sẽ hướng đến thử thách vùng kháng cự 935 - 940 điểm và nhiều mã vẫn sẽ tiếp tục chịu áp lực chốt lãi mạnh. Nhà đầu tư ngắn hạn nên tiếp tục cân nhắc bán chốt lời dần các cổ phiếu khi chỉ số tăng điểm tới vùng kháng cự. Ở chiều ngược lại, hoạt động mua vào chỉ nên xem xét nếu thị trường có nhịp test lại ngưỡng 910 điểm.

Về mặt kỹ thuật, Chứng khoán MB (MBS) cho biết, VN-Index đã vượt qua đường xu hướng giảm kéo dài từ 2018, tuy nhiên các nhịp rung lắc sẽ luôn xuất hiện trong các phiên tới để kiểm nghiệm lại vùng hỗ trợ này. Yếu tố tích cực hiện nay là điểm sáng đến từ khối ngoại đã giảm bán ròng và thị trường chứng khoán thế giới vẫn tiếp tục nới rộng đà tăng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top