Thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch ngày 23/7 ghi nhận những diễn biến tích cực. Trong đó, bộ ba cổ phiếu Vin là VIC, VHM và VRE là tác nhân hỗ trợ VNI tiệm cận mốc 990 điểm khi VIC tăng 2,8% lên 119.800 đồng/ cổ phiếu. VHM tăng 1,4% lên 85.800 đồng/ cổ phiếu. VRE tăng 1,6% lên 37.300 đồng/ cổ phiếu.
Bên cạnh đó, các mã như GAS, HPG, HVN, MBB, MWG... cũng tăng giá mạnh. Chốt phiên, GAS tăng 1,5% lên 107.100 đồng/ cổ phiếu. MWG tăng 2,3% lên 108.900 đồng/ cổ phiếu. MBB tăng 2,3% lên 22.700 đồng/ cổ phiếu.
Ở nhóm cổ phiếu dầu khí, sau đoạn đầu hưng phấn thì đã có sự phân hóa trở lại PVS và PVD lùi về đứng ở mức giá tham chiếu, trong khi đó, GAS tăng mạnh 1,1% lên 106.700 đồng/ cổ phiếu. PVB tăng 2% lên 20.400 đồng/ cổ phiếu.
Trong khi đó, nhóm khu công nghiệp đã "hạ nhiệt" sau chuỗi ngày tăng nóng, dù vậy vẫn có nhiều cổ phiếu tăng điểm như SZL, SZC, SIP, TIP. Ngược lại, các cổ phiếu "họ Viettel" như VTP, VTK, VGI, CTR vẫn duy trì đà bứt phá và là động lực giúp sàn Upcom tăng điểm.
Như vậy so với phiên trước, thanh khoản thị trường phiên này đã được cải thiện đáng kể. Tổng khối lượng giao dịch trên hai sàn niêm yết đạt 213 triệu cổ phiếu, trị giá 5.100 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 7,42 điểm (0,76%) lên 989,46 điểm. Toàn sàn có 161 mã tăng, 146 mã giảm và 63 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 0,05 điểm (-0,05%) xuống còn 106,71 điểm. Toàn sàn có 90 mã tăng, 79 mã giảm và 40 mã đứng giá.
Với diễn biến tích cực của thị trường, ông Lê Vương Hùng – Giám đốc Khối Kinh doanh Môi giới CTCK Rồng Việt (VDSC) nhận định thị trường chứng khoán sẽ tích cực hơn vào quý 3, khi những thông tin vĩ mô trở nên rõ ràng hơn và dòng tiền đầu tư chứng khoán sôi động trở lại.
Ông Hùng khuyến nghị nhà đầu tư thời gian này cần theo dõi sát các thông tin vĩ mô quốc tế và trong nước. Đặc biệt trong quý III, diễn biến cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc và động thái giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là 2 thông tin quốc tế quan trọng nhất mà nhà đầu tư cần nắm.
Theo đó, ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại vẫn rất lớn với diễn biến khó lường. Song tin tốt là Fed có thể tiến hành đợt giảm lãi đầu tiên trong quý III này.
Đối với tình hình vĩ mô trong nước, ông Hùng nhận định tốc độ tăng trưởng GDP có thể giảm so với cùng kỳ nhưng Việt Nam vẫn đang là một trong các nền kinh tế tăng trưởng cao trong khu vực cũng như trên thế giới. Dự kiến, Ngân hàng Nhà nước sẽ có những chính sách tín dụng phù hợp nhằm hỗ trợ cho thị trường thời gian tới; kèm với đó, Chính phủ vẫn kiểm soát tốt tỷ lệ lạm phát cũng như kiểm soát biến động tỷ giá hối đoái.
Ông Hùng lý giải nguyên nhân thị trường chứng khoán nửa đầu năm không mấy sôi động là do nhà đầu tư đã thận trọng hơn với tình hình vĩ mô thời gian qua. Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư đã dần chuyển vốn sang các kênh khác như đầu tư bất động sản, gửi tiền ngân hàng hay đầu tư trái phiếu.
Theo nhận định của ông Hùng, tình hình quý III này sẽ có chuyển biến khi thị trường chứng khoán sẽ tăng trưởng tốt hơn và giao dịch sẽ sôi động hơn quý II/2019.
Nền kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao, hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhờ đó tiếp tục được kỳ vọng gia tăng lợi nhuận. Trường hợp chỉ số thị trường duy trì tăng với tốc độ vừa phải, không quá nhiều như 2 năm vừa qua thì P/E sẽ giảm và nhà đầu tư nước ngoài sẽ khó bỏ qua cơ hội đầu tư.
Dựa vào cơ sở này, ông Hùng dự báo khối ngoại sẽ tiếp tục mua ròng. Trong kịch bản tích cực, chỉ số VN-Index có thể chạm 1,100 điểm với thanh khoản được cải thiện hơn quý 2/2019, giá trị giao dịch có thể đạt mức 4,500 tỷ đồng/phiên.