Aa

Nhóm ngành dẫn dắt sẽ vận động ra sao trong nửa cuối năm?

Thứ Sáu, 12/07/2019 - 14:41

Nửa đầu năm 2019, nhóm ngành dẫn dắt như công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng... đã có sự phát triển đồng đều. Dự báo nửa cuối năm đà phát triển này sẽ tiếp tục được duy trì, dù gặp nhiều khó khăn.

Nửa đầu năm nhiều dấu ấn

Tại Báo cáo Tổng quan kinh tế giữa kỳ 2019 do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia công bố mới đây, nền kinh tế được đánh giá là đã có những tăng trưởng khả quan giữa nhiều thách thức.

Theo đó, 6 tháng đầu năm 2019 đã đi qua với những kết quả tích cực của nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế đạt mức khá, GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,76% - tuy thấp hơn cùng kỳ 2018 (7,05%) nhưng vẫn là mức cao so với cùng kỳ giai đoạn 2011 - 2017.

Ổn định vĩ mô được duy trì, lạm phát được kiểm soát tốt với CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng 2,64% - mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm. Tăng trưởng tín dụng phù hợp với mục tiêu tăng 14% trong năm 2019. Cân đối thu chi ngân sách nhà nước được đảm bảo…

TS. Trần Thị Hồng Minh

TS. Trần Thị Hồng Minh

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, nhóm ngành dẫn dắt như công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng,... vẫn ghi nhận sự phát triển đồng đều, giảm bớt phụ thuộc vào một số mặt hàng. Vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục dịch chuyển từ thị trường Trung Quốc, tăng tỷ trọng vốn đầu tư thông qua mua bán và sáp nhập.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn và thách thức. TS. Trần Thị Hồng Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia đã chỉ ra rằng: "Ngành nông nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi. Xuất khẩu nông sản chịu áp lực cạnh tranh lớn và sự gia tăng các rào cản thương mại. Đáng chú ý, tăng trưởng chậm lại ở ngành công nghiệp chế biến và chế tạo. Sức cầu đối với mặt hàng điện tử, điện thoại giảm sút đáng kể…"

Liệu đà phát triển có duy trì được trong nửa cuối 2019?

Dự báo về đà tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm 2019, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho hay: “Bước sang nửa cuối năm 2019, nhiều khó khăn, thách thức cũng đặt ra với điều hành kinh tế Việt Nam. Một trong những thách thức quan trọng chính là xu hướng nới lỏng tiền tệ của nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới.

Tại báo cáo vừa công bố, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bỏ ngỏ khả năng có thể giảm lãi suất trong thời gian tới. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn giữ lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục và mới đây đã công bố một gói vay ưu đãi lớn dành cho các ngân hàng.

Tương tự, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cũng giữ nguyên lãi suất ngắn hạn chủ chốt ở mức âm tại cuộc họp tháng 6/2019, đồng thời quyết định tiếp tục mua trái phiếu chính phủ. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBOC đã hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 0,5 điểm phần trăm".

“Có thể thấy, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang ảnh hưởng đến nhiều nước, trong đó có Việt Nam”, TS. Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia bổ sung.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Dù vậy thì không hoàn toàn là một bức tranh màu xám, theo ông Đức Anh, kinh tế trong nước sẽ đan xen cả thuận lợi và khó khăn. Cụ thể, một mặt, xuất nhập khẩu được thúc đẩy thông qua thực hiện và tham gia các FTA; xu hướng tiếp tục chuyển dịch đầu tư nước ngoài ra khỏi Trung Quốc và tăng đầu tư từ Trung Quốc; một số dự án đầu tư sản xuất quy mô lớn như thép, lọc hóa dầu, ô tô sẽ đẩy mạnh sản xuất trong các tháng cuối năm...

Nhưng mặt khác, nguy cơ lạm phát vẫn còn hiện hữu do tác động của lộ trình tăng giá đối với một số dịch vụ Nhà nước quản lý giá như y tế, giáo dục; rủi ro Mỹ áp thuế cao hơn gia tăng khi Việt Nam xuất siêu cao vào nước này; dư địa chính sách tài chính và tiền tệ hạn hẹp trước nguy cơ sức ép lạm phát và tỷ giá… Đồng thời, giải ngân vốn đầu tư công chậm; môi trường kinh doanh chưa có chuyển biến rõ nét sẽ là những thách thức tiềm ẩn đối với nền kinh tế trong nửa cuối năm.

Đề cập đến giải pháp, TS. Đặng Đức Anh cho rằng cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh bởi sự ổn định này sẽ tạo nền tảng cho đà tăng trưởng; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân; tăng cường biện pháp chống gian lận thương mại; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...

“Việc Chính phủ tiếp tục tập trung tiến trình cải thiện môi trường đầu tư cũng như tận dụng cơ hội từ các FTA sẽ là các yếu tố quan trọng quyết định cục diện kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm cũng như cả năm 2019”, TS. Trần Thị Hồng Minh nói.

Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia dự báo, tăng trưởng kinh tế quý III sẽ đạt 6,86%; quý IV đạt 6,88% và qua đó tăng trưởng cả năm sẽ đạt 6,86%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 12 tháng so với năm trước tăng 3,13%; nhập siêu khoảng 1,81 tỷ USD...
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top