Tại Báo cáo nhận định về triển vọng đầu tư công - kỳ vọng đẩy mạnh nửa cuối năm và cơ hội trên thị trường chứng khoán, CTCP Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) nhìn nhận: Năm 2021 tăng trưởng kinh tế kỳ vọng được dẫn dắt bởi 3 yếu tố: Tiêu dùng, xuất nhập khẩu và đầu tư công. Tuy nhiên, nhìn lại thành quả từ đầu năm, tăng trưởng GDP chỉ đạt mức 5,64% - đang phần nào thấp hơn kỳ vọng của thị trường.
"Mục tiêu tăng trưởng GDP 6 - 6,5% năm nay gặp ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, tác động đến các khu vực xung yếu như TP.HCM, Bắc Ninh, Bắc Giang,… và đang diễn biến phức tạp tại Hà Nội. Đẩy mạnh đầu tư công bắt buộc phải trở thành động lực tăng trưởng chính sau khi những đầu kéo như xuất khẩu, tiêu dùng đang gặp nhiều trở ngại bởi những yếu tố khách quan bên ngoài. Điều này sẽ tạo ra nhiều cơ hội trên thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm nay và năm 2022", báo cáo nêu.
Đầu tư công cần được đẩy mạnh trong nửa cuối năm 2021
Trước kết quả tỷ lệ giải ngân đầu tư công nửa đầu năm còn thấp, Agriseco Research đánh giá đây là đầu kéo khả thi nhất cho giai đoạn 6 tháng cuối năm 2021 và 2022. Việt Nam có thể chủ động được trong việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới.
Có 3 lợi ích kỳ vọng từ việc đẩy mạnh đầu tư công được nhóm nghiên cứu đưa ra: Thứ nhất, đầu tư công đem lại tính dẫn dắt và lan tỏa trên nhiều nhóm ngành, từ bất động sản, vật liệu, hạ tầng cho đến việc tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động, giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp. Thứ hai, theo tính toán mới đây của Tổng cục thống kê, dự báo giai đoạn 2021 - 2025 nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước thì GDP tăng thêm 0,058%.
Thứ ba, bên cạnh tác động trực tiếp, hiệu ứng lan tỏa còn mạnh mẽ hơn giai đoạn trước khi việc giải ngân 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư khối ngoài Nhà nước (bao gồm gối tư nhân và khối FDI), cao hơn giai đoạn trước là 1,42 đồng.
Trên cơ sở đó, đầu tư công được kỳ vọng sẽ giải ngân mạnh từ nửa cuối năm 2021.
Theo đó, kế hoạch giải ngân 2021 - 2025 tăng thêm hơn 40% so với con số thực hiện của giai đoạn 2016 - 2020. Giai đoạn 2016 - 2020, giải ngân đầu tư công thực hiện đạt hơn 2 triệu tỷ đồng. Trong giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch giải ngân đầu tư công công bố vào đầu năm là 2,5 triệu tỷ đồng; và được nâng lên 2,87 triệu tỷ đồng vào ngày 24/5 vừa qua - tăng thêm hơn 40% so với con số thực hiện của giai đoạn trước. Riêng năm 2021, vốn đầu tư công kế hoạch gần 600.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, Chính phủ sẽ dành nguồn lực thích đáng để giải quyết các dự án trọng điểm hiệu quả. Giai đoạn 2021 - 2025 mục tiêu đầu tư công sẽ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tác động lan tỏa nhiều khối ngành, chuyển đổi kinh tế số theo cách mạng công nghệ 4.0 thay vì ưu tiên việc đảm bảo an sinh xã hội như giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, tập trung nguồn vốn giải ngân ở các công trình hạ tầng lớn như sân bay, cao tốc, nhà ga có quy mô quốc gia thay vì các dự án quy mô vùng, tỉnh, điện đường trường trạm như giai đoạn trước.
Được biết, Chính phủ đã cắt giảm khoảng 1.050 dự án không cần thiết. Dự kiến việc cắt giảm sẽ tiếp tục để còn khoảng 5.000 dự án thực hiện so với con số 6.447 dự án giai đoạn 2016 - 2020. Số vốn tăng lên trong khi số lượng dự án được cắt giảm sẽ tạo ra nguồn lực tập trung vào các dự án trọng điểm.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đang có những động thái để tăng cường đẩy mạnh đầu tư công như: Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ ban hành tháng 6/2021 vừa qua nêu rõ định hướng tập trung tháo gỡ các khó khăn, khúc mắc về thể chế, chính sách. Đồng thời, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 95% - 100% kế hoạch được giao. Trong đó, đến hết quý III/2021 giải ngân đạt tối thiểu 60% kế hoạch.
Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị số 13/CT- TTg về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Trong đó nêu rõ, vốn đầu tư công phải thực sự đóng vai trò dẫn dắt, là “vốn mồi” để thu hút tối đa các nguồn lực khác.
Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ cấp thẩm quyền phê duyệt tất cả các tỉnh chậm nhất vào tháng 12/2021. Đồng thời, các chủ đầu tư đảm bảo giải ngân tối thiểu 90% kế hoạch cho đến hết tháng 12/2021. Đồng thời, tất toán hết các công trình có nguồn vốn kéo dài từ năm 2020. Đây sẽ là nhóm được tập trung giải ngân mạnh mẽ nhất trong thời gian tới.
Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BXD về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 2021. Trong đó đến hết 31/12/2021 phải hoàn thành 100% kế hoạch vốn 2021 được giao.
Ngành nào hưởng lợi từ thúc đẩy đầu tư công?
Agriseco Research đã chia thành 3 nhóm đối tượng hưởng lợi từ việc thúc đẩy đầu tư công, bao gồm: Nhóm thượng nguồn, nhóm trung & hạ nguồn, nhóm hưởng lợi gián tiếp.
Ở nhóm thượng nguồn gồm 2 ngành chính là bất động sản và vật liệu xây dựng. Theo đó, các cổ phiếu của các nhóm ngành này được dự báo có nhiều cơ hội tăng trưởng trong những tháng cuối năm cũng như trong năm 2022 do hoạt động giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh, việc hoàn tất lập và phê duyệt quy hoạch phát triển vùng/địa phương giai đoạn tới sẽ trở thành chất xúc tác mạnh mẽ để triển khai các dự án mới. Các cổ phiếu tiêu biểu ở nhóm này là VHM, NVL, KDH, NLG, HPG, HSG, HT1, BCC, KSB.
Ở nhóm trung và hạ nguồn gồm: Xây dựng, thi công công trình và logistics & cảng biển. Theo đó, sau khi hạ tầng các dự án hoàn thiện sẽ là cơ hội phát triển của nhóm ngành này với các cổ phiếu đáng chú ý như CTD, HBC, VCG, FCN, ITD, ACV, GMD.
Nhóm hưởng lợi gián tiếp chính là các ngân hàng khi được tăng cường cấp tín dụng để giải ngân trong lĩnh vực này.
Đi sâu hơn vào một số cổ phiếu nổi bật, nhóm nghiên cứu đánh giá: Đầu tư công được đẩy mạnh, các dự án cơ sở hạ tầng được phê duyệt là xúc tác tích cực tới thị trường bất động sản. Nguồn cung mở rộng khi pháp lý tại nhiều dự án được khơi thông, đồng thời nhu cầu hồi phục trong môi trường lãi suất thấp. Trong đó, CTCP Vinhomes (VHM) là doanh nghiệp có vị thế đầu ngành, sở hữu quỹ đất trải rộng trên cả nước, sẽ có cơ hội hưởng lợi từ giá đất tăng cùng kỳ vọng tăng tốc đầu tư công phát triển hạ tầng.
Đối với lĩnh vực vật liệu xây dựng, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) là doanh nghiệp đầu ngành thép, nhiều công trình đầu tư công đang sử dụng thép của Hòa Phát để thi công như: Cầu Vĩnh Tuy - Hà Nội, Cao tốc Bắc - Nam, cầu Mỹ Thuận 2, sân bay Long Thành. Ngoài việc hưởng lợi từ yếu tố tăng giá thép từ đầu năm 2021 đến nay, thì việc sở hữu chuỗi quy trình khép kín góp phần giúp HPG cải thiện biên lợi nhuận. Ngoài ra, Nhà máy Hòa Phát Dung Quất 2 đi vào hoạt động đã nâng tổng công suất tiêu thụ của doanh nghiệp này lên cao kỷ lục 8 triệu tấn thép/năm. Vậy là với cả những tác động ngoại cảnh và nội lực có sẵn, HPG được đánh giá là cổ phiếu có nhiều tiềm năng trong thời gian tới.
CTCP Fecon (FCN) là doanh nghiệp đầu ngành trong thi công nền móng, công trình ngầm ở Việt Nam. Mới đây, Fecon trúng 2 gói thầu với tổng trị giá 950 nghìn tỷ đồng trong tháng 6. Doanh nghiệp này đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2021 tăng trưởng 35% và 25% so với cùng kỳ. Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, việc các dự án đầu tư công được đẩy mạnh trong giai đoạn nửa cuối năm và với những chiến lược đã đặt ra, FCN cũng là một cổ phiếu tiềm năng và hưởng lợi khi thúc đẩy đầu tư công.