“Đặt gạch” từ sớm để có chỗ bán đẹp
Từ cuối tháng 11 âm lịch, thị trường cho thuê mặt bằng bán các loại cây cảnh như đào, quất, mai, hoa tươi... phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đã rục rịch sôi nổi. Đặc thù mặt hàng này là cần diện tích rộng trong quá trình sử dụng để trưng bày các loại cây cảnh, đồng thời phải ở nơi tấp nập xe cộ nhằm dễ thu hút khách hàng và tiện cho hoạt động vận chuyển, do đó, không ít chủ vườn và lái buôn đã phải đau đầu cất công đi tìm mặt bằng ưng ý với giá cả phải chăng.
Chia sẻ với PV Reatimes, anh Nguyễn Xuân Sinh (huyện Mê Linh, Hà Nội), lái buôn đào rừng từ huyện Mộc Châu và Vân Hồ (Sơn La) về Thủ đô cho biết, để thuê được một ô đất bán hàng có vị trí thuận lợi hơn so với mọi năm, Tết năm nay anh đã phải liên hệ và đặt cọc 1/3 giá thuê từ 2 tuần trước khi bắt đầu bày bán.
“Chỉ cần bước sang tháng Chạp, càng giáp Tết càng khó tìm mặt bằng. Rút kinh nghiệm từ năm ngoái, năm nay tôi phải chủ động liên hệ với các hợp tác xã và một số chợ hoa xuân để tìm cách đặt cọc trước nhằm giữ chỗ”, anh Sinh cho hay.
Được biết, mặt bằng bán đào rừng Sơn La mà anh Sinh thuê có giá 8 triệu đồng, rộng khoảng 30m2 với chiều sâu 5m và chiều dài 6m, nằm tại khu vực sân công cộng trên đường Kim Giang, phường Kim Giang, quận Thanh Xuân.
Năm ngoái, vợ chồng anh “chậm chân” nên chỉ thuê được mặt bằng ở khu vực huyện Đông Anh. Tuy diện tích lớn và giá thuê cũng "mềm" hơn nhưng vì là vùng ven nên cảnh mua bán có phần ảm đạm.
So với năm ngoái, giá thuê mặt bằng bán cây cảnh năm nay đã tăng lên. (Ảnh: Hà Trang)
Cách đó không xa, trên khu đất đường phía Tây Bắc của công viên Thanh Xuân (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân), anh Hoàng Dũng, chủ nhà vườn quất cảnh ở Tứ Liên, Tây Hồ cũng phải trả tới 6 triệu đồng cho chi phí thuê mặt bằng trong 2 tuần, từ ngày 7/1 đến sáng 21/1/2023 (tức ngày 30 Tết).
So sánh với năm ngoái, anh Dũng cho biết giá thuê mặt bằng bán cây cảnh năm nay đã tăng lên: “Năm ngoái, tôi chỉ mất 4,5 triệu đồng cho một ô đất rộng 20m2 cũng tương tự thế này. Vậy mà năm nay, chưa biết bán buôn lời lãi ra sao nhưng chi phí địa điểm đã đội lên thêm 1,5 triệu đồng”.
Được biết, tất cả mặt bằng trên vỉa hè trục đường ven công viên Thanh Xuân (đoạn phường Hoàng Ngân) đều được chia ra và cho thuê ở mức 6 triệu đồng với diện tích 20m2 cho mỗi ô, riêng những ô đẹp nằm ở ngã tư sẽ có giá từ 7 - 8 triệu đồng. Không có sự chênh lệch nhiều về giá nên những hộ đặt cọc trước hoặc có “quan hệ” sẽ thuê được mặt bằng đẹp hơn. Những lái buôn chậm chân dù có trả giá cao gấp đôi, gấp ba cũng chưa chắc đã thuê được một vị trí ưng ý làm nơi buôn bán ngày Tết.
Trước đó, theo kế hoạch tổ chức chợ hoa xuân phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, từ ngày 1/1/2023 đến 20h ngày 21/1/2023 (30 Tết), TP. Hà Nội sẽ tổ chức 91 điểm chợ hoa xuân phục vụ người dân.
Theo khảo sát của PV, một số địa điểm ở các quận trung tâm trong số đó như: Công viên văn hóa Đống Đa (phường Trung Liệt, quận Đống Đa); nhà văn hóa phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy); tuyến phố bích họa Phùng Hưng... đều đã kín chỗ từ đầu tháng 12 âm lịch. Đến thời điểm hiện tại, việc tìm mặt bằng có vị trí tốt để bày bán cây cảnh tại các điểm chợ hoa xuân này gần như “mò kim đáy bể”.
Nỗi lo tiền lãi không đủ bù chi phí thuê mặt bằng
So sánh trên thị trường chung, các mặt bằng nơi anh Sinh và anh Dũng bán hàng vẫn chưa phải là những vị trí đắc địa nhất. Thêm vào đó, diện tích cũng nhỏ, phù hợp cho các hộ bán đào cành, quất cành, mai trắng, khó bán những loại cây chiếm diện tích lớn như bưởi cảnh, đào cổ thụ hay quất bonsai. Do đó, giá thuê vẫn còn ở ngưỡng khá "mềm", dưới 500.000 đồng/m2.
Trong khi đó, các vị trí đắc địa khác có lượng xe cộ lưu thông tấp nập, gần khu dân cư đều có mức giá cao hơn nhiều. Đơn cử như bùng binh Trần Thái Tông - Tôn Thất Thuyết - Phạm Văn Bạch, giá thuê mặt bằng bán cây cảnh rơi vào mức 1,5 - 3 triệu đồng/m2; ở khu vực mặt đường gần vườn hoa Lạc Long Quân là 2 triệu đồng/m2. Một số con đường là địa chỉ quen thuộc để tìm mua đào, quất trưng bày dịp Tết của người dân Thủ đô nhiều năm nay như đường Âu Cơ, An Dương Vương, Võ Chí Công... cũng có mức giá cao, dao động từ 2 - 3 triệu đồng/m2.
Tính ra ở nhiều nơi, chi phí chủ hộ kinh doanh phải bỏ ra cho việc thuê mặt bằng đã lên đến cả chục triệu đồng. Đây là số tiền không hề rẻ đối với người lao động, nhất là những chủ vườn, thương lái cả năm chỉ trông chờ đến dịp Tết để làm ăn.
“Ngoài chi phí thuê địa điểm, còn phải tính toán trả thêm tiền thuê nhân công, tiền xăng dầu, xe cộ vận chuyển cho khách hàng... Năm nay kinh tế khó khăn, sức mua của người dân cũng giảm theo. Tôi chỉ sợ đến đêm 30 vẫn phải cố bán để bù lỗ tiền thuê mặt bằng”, chị Thanh Hương, lái buôn mai vàng trải lòng.
Theo kinh nghiệm của nhiều người buôn cây cảnh lâu năm, nếu thuê theo lô với diện tích lớn sẽ được giá hời. Đơn cử như khu vực trong hội chợ bán cây cảnh Tết của phố Tân Mai (quận Hoàng Mai), giá thuê cho 200m2 gian hàng từ nay đến 29 Tết là 20 triệu đồng, gần như bao trọn cả mặt phố. Tuy nhiên, chủ đất cho biết chỉ cho thuê trọn cả lô chứ không chia nhỏ ra thành nhiều ô.
Vì lẽ đó, nhiều hộ đã rủ nhau cùng thuê chung một lô đất rộng, sau đó sẽ chia nhau sử dụng chung để bày bán cây cảnh. Cách thuê này vừa giúp chủ vườn và lái buôn giảm bớt gánh nặng chi phí mặt bằng; vừa giúp các hộ thuê chung san sẻ cùng nhau, qua đó việc sử dụng diện tích có thể linh động trong trường hợp cây cảnh nhập về nhiều hơn hay ít hơn dự kiến.
Mặt bằng kinh doanh cây cảnh Tết tại khu vực công viên hồ điều hòa Nhân Chính (quận Thanh Xuân) có giá 6 triệu đồng cho mỗi ô đất rộng khoảng 20m2. (Ảnh: Hà Trang)
Ngoài ra, ghi nhận thực thế cho thấy, trong khi người kinh doanh cây cảnh Tết khó tìm mặt bằng buôn bán ở các quận gần trung tâm Thủ đô thì nguồn cung ở một số huyện vùng ven như Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Thanh Trì… lại khá dồi dào, diện tích lớn và giá cho thuê cũng "mềm” hơn. Tuy nhiên, thị trường cho thuê mặt bằng ở những khu vực này kém sôi nổi hơn vì chưa đáp ứng được ưu tiên hàng đầu của người bán là vị trí thuận lợi và thu hút nhiều khách hàng./.