Doanh nghiệp có "máu mặt" nhưng... làm ăn thua lỗ?
Năm 2010, cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra tại 575 doanh nghiệp FDI, trong đó phát hiện 43 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá và xử lý 37 doanh nghiệp được kết luận là vi phạm, truy thu thuế và phạt hành chính hơn 27 tỷ đồng.
Năm 2011, cơ quan thuế cũng tiếp tục thanh tra tại 1.276 doanh nghiệp kê khai lỗ và có dấu hiệu chuyển giá. Kết quả đã xử lý giảm lỗ 4.400 tỷ đồng, tiến hành truy thu và phạt hơn 1.650 tỷ đồng, tăng 4 lần so với năm 2010.
Đến năm 2012, cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra đối với 2.161 doanh nghiệp lỗ, doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết. Kết quả kiểm tra đã xác định lại doanh số của nhiều doanh nghiệp kê khai lỗ sang có lãi và kiến nghị xử lý truy thu, phạt, truy hoàn gần 747 tỷ đồng; giảm lỗ 4.776 tỷ đồng, giảm khấu trừ 144 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong năm 2012, Tổng cục Thuế đã xây dựng chương trình thanh tra kiểm soát giá chuyển nhượng trong giai đoạn 2012- 2015, đồng thời, quyết định thành lập Tổ quản lý giá chuyển nhượng. Sau 3 năm kể từ khi Tổ quản lý giá chuyển nhượng được thành lập, cơ quan này đã phát hiện nhiều vụ việc chuyển giá với giá trị điều chỉnh rất lớn.
Năm 2016, kết quả thanh tra, kiểm tra tại 329 doanh nghiệp có giao dịch liên kết đã truy thu 607,52 tỷ, giảm lỗ 5162 tỷ và có tới 23 trường hợp vi phạm ở mức hình sự. Đến năm 2017, 734 doanh nghiệp bị thanh tra có con số truy thu, truy hoàn, phạt lên tới 2270 tỷ và giảm lỗ 7146 tỷ đồng.
Thống kê của VCCI cho thấy, có tới 40 – 50% doanh nghiệp FDI báo lỗ trong nhiều năm. Điều kỳ lạ là những doanh nghiệp này thuộc danh sách tên “máu mặt” trên thị trường trong ngành giải khát, may mặc.
Trong khi các doanh nghiệp trong nước cùng ngành vẫn báo lãi thì doanh nghiệp FDI lại rơi vào tình trạng lỗ. Tổng quan chung cho thấy, các doanh nghiệp FDI dù báo lỗ nhưng vẫn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh và chiếm được thị phần lớn tại Việt Nam.
Chuyển giá: Vấn nạn nhức nhối
Trước vấn nạn đầy nhức nhối liên quan tới hệ lụy của gian lận trong chuyển giá, Bộ Tài chính đã ban hành 02 Thông tư liên quan đến chuyển giá: Thông tư 117/2005/TT-BTC ngày 19/02/2005, 66/2010/TT-BTC ngày 22/4/2010 hướng dẫn thực hiện việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết.
Đặc biệt, năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 quy định về việc quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 41/2017/TTBTC hướng dẫn việc thực hiện Nghị định 20/2017/ NĐ-CP. Theo đó, các quy định mới đã đã có nhiều thay đổi trong công tác quản lý giá giao dịch liên kết, đã đưa luật pháp Việt Nam phù hợp hơn với các tiêu chuẩn pháp lý toàn cầu cũng như mở rộng các quy định hiện hành về chuyển giá.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, điểm khó của một số doanh nghiệp là tiếp cận và áp dụng các văn bản nghị định còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp lợi dụng khe hở của pháp luật để lách thuế.
Bà Cúc nhấn mạnh, doanh nghiệp cần xác định tìm kiếm lợi nhuận, tăng hiệu quả kết quả sản xuất kinh doanh thông qua các biện pháp tích cực: tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm thay vì tìm kiếm phương pháp tối đa hóa lợi nhuận bằng biện pháp chuyển giá. Bà Cúc nhấn mạnh, đây là biện pháp tiềm ẩn nhiều rủi ro, vừa không bình đẳng, cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp cùng tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhằm gỡ rối cho một số doanh nghiệp chưa tiếp cận được thủ tục kê khai thuế trong giao dịch liên kết cũng như ngăn chặn hành vị gian lận trong chuyển giá, bà Cúc cho hay: "Cần đào tạo, hướng dẫn, chỉ đạo các Cục thuế địa phương trong hướng dẫn doanh nghiệp kê khai, cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch liên kết; hướng dẫn công tác thanh tra kiểm tra giá chuyển nhượng, đảm bảo tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế, giảm chi phí tuân thủ đồng thời xử lý nghiêm minh các doanh nghiệp gian lận, trốn tránh thuế trong đó có hành vi chuyển giá”.
Chuyển giá được hiểu là việc thực hiện chính sách giá đối với các hàng hoá, dịch vụ cũng như tài sản được giao dịch giữa các thành viên trong một tập đoàn hoặc giữa các công ty có mối liên kết với nhau không theo các tiêu chuẩn giá thị trường nhằm tối thiểu hoá số thuế thu nhập phải nộp của tập đoàn hay nhóm công ty liên kết đó. Nói cách khác, chuyển giá là việc định giá các giao dịch giữa các bên liên quan theo nguyên tắc độc lập ALP, ví dụ như các công ty mẹ và công ty con trong một nhóm các công ty được kiểm soát thuộc cùng một tập đoàn hoặc giữa các công ty có mối liên kết nào đó về mặt sở hữu hoặc quản lý. Các giao dịch có thể bao gồm giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ, tài sản hữu hình, tài sản vô hình, cung cấp vốn và tài chính, phân bổ hay chia sẻ chi phí. TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Đại học Fulbright Việt Nam |