Aa

Nhức nhối vấn nạn mạo danh doanh nghiệp bất động sản uy tín để “câu khách”

Thứ Sáu, 19/02/2021 - 13:30

Để thu hút, tạo niềm tin với khách hàng, nhiều doanh nghiệp, sàn môi giới bất động sản đã dùng chiêu trò như mạo danh thương hiệu; đặt tên doanh nghiệp, dự án tương tự tên của các “ông lớn”…

“Đau đầu” vì bị nhái thương hiệu

Đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, cuối tháng 1/2021, doanh nghiệp này đã có đơn gửi Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) tố cáo Công ty cổ phần Bất động sản Vạn An Phát giả mạo Tập đoàn Hưng Thịnh để bán hàng.

Cụ thể, ngày 22/1/2021, doanh nghiệp được một khách hàng cung cấp thông tin về thư mời có in logo của Tập đoàn Hưng Thịnh và nội dung Tập đoàn Hưng Thịnh mời khách hàng đến dự chương trình Tri ân khách hàng vào lúc 8h ngày 24/1/2021 tại tòa nhà Cantavil Hoàn Cầu (số 600 - Điện Biên Phủ, phường 22, Bình Thạnh, TP.HCM).

mạo danh doanh nghiệp bất động sản để câu khách
Nhiều đơn vị môi giới sử dụng trái phép hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp lớn trong tờ rơi quảng cáo bất động sản

Ngay khi có thông tin, Tập đoàn Hưng Thịnh liên hệ với đơn vị quản lý tòa nhà Cantavil Hoàn Cầu thì được biết, không có bất kỳ sự kiện nào được tổ chức tại tòa nhà này vào thời gian như ghi trong giấy mời.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, cạnh tòa nhà, có một nhóm khoảng 50 người (hầu hết đều đeo bảng tên Công ty Bất động sản Vạn An Phát) tập trung để đón khách đi Long Thành (Đồng Nai) để tham quan dự án.

Khi phía Tập đoàn Hưng Thịnh tiếp cận, thì một người trong nhóm tự nhận là nhân viên của Công ty cổ phần Bất động sản Vạn An Phát cho biết, Công ty Bất động sản Vạn An Phát là chủ đầu tư dự án đất nền rất tiềm năng, là đối tác có uy tín, có ký kết hợp tác với Tập đoàn Hưng Thịnh để mở bán dự án tại Long Thành và đang có chương trình Tri ân khách hàng, rút thăm trúng thưởng tại nơi mở bán…

Trong thông cáo phát đi, Tập đoàn Hưng Thịnh khẳng định, không có bất kỳ hoạt động nào liên quan đến Công ty Cổ phần Bất động sản Vạn An Phát. Hoạt động nói trên là hành vi giả mạo do một nhóm người tự giới thiệu là nhân viên kinh doanh của Công ty Cổ phần Bất động sản Vạn An Phát thực hiện nhằm tiếp cận, lôi kéo, lừa dối khách hàng hướng đến việc mua bán sản phẩm bất động sản của công ty này.

Đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên, Tập đoàn Hưng Thịnh bị mạo danh. Đầu tháng 1/2020, một số báo điện tử đã đăng tải thông tin vụ việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An thông báo truy tìm đối tượng là lãnh đạo, đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Bất động sản Hưng Thịnh (Công ty Hưng Thịnh Long An) để điều tra, xác minh tố giác tội phạm về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền góp vốn/thanh toán của nhà đầu tư tại Dự án Khu dân cư Hưng Thịnh Cát Tường do Công ty Hưng Thịnh Long An làm chủ đầu tư.

Khi đó, Tập đoàn Hưng Thịnh cũng phát đi thông báo khẳng định, Công ty Hưng Thịnh Long An không thuộc hệ thống công ty thành viên và không có bất cứ mối liên hệ nào với Tập đoàn Hưng Thịnh; Dự án Khu dân cư Hưng Thịnh Cát Tường cũng không thuộc danh mục các dự án do Tập đoàn Hưng Thịnh đầu tư, phân phối.

Trở lại sự việc của Công ty Cổ phần Bất động sản Vạn An Phát, ngay sau khi Tập đoàn Hưng Thịnh phát đi thông báo cảnh báo, ông Lê Phạm Khoa, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Vạn An Phát đã ký văn bản phản hồi, khẳng định Công ty không tổ chức và tiến hành gửi bất kỳ thư mời nào về sự kiện tri ân khách hàng trên.

Không riêng trường hợp của Tập đoàn Hưng Thịnh, trước đó, Công ty Cổ phần Địa ốc Him Lam cũng bị các doanh nghiệp môi giới sử dụng hình ảnh thương hiệu trong các tờ rơi phát ra trên địa bàn TP.HCM.

Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long từng phát thông cáo “kêu cứu” vì bị Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Nam Long Real sử dụng trái phép, xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu “Nam Long” đã được bảo hộ độc quyền.

Ngoài ra, một số “ông lớn” bất động sản khác như Vạn Phúc, Đất Xanh, Phú Đông Group, Hà Đô, Cát Tường… cũng từng đưa ra cảnh báo với khách hàng về việc bị một số fanpage, website mượn danh để lừa đảo bán dự án.

Không để “mất bò mới lo làm chuồng”

Tình trạng “nhái” thương hiệu, dự án diễn ra khá phổ biến trên thị trường trong thời gian qua. Nhiều doanh nghiệp và sàn môi giới nhỏ không tự xây dựng và khẳng định thương hiệu bằng sản phẩm, mà lại chọn cách “dựa hơi”, mạo danh các doanh nghiệp lớn để bán hàng. Điều này không chỉ gây tổn thất cho doanh nghiệp bị “nhái” thương hiệu, mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản.

Luật sư Nguyễn Bích Trâm (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, mặc dù pháp luật đã có quy định về việc sử dụng tên doanh nghiệp tránh gây nhầm lẫn, song các đối tượng với ý đồ xấu vẫn bất chấp thủ đoạn gian lận thương mại nhằm lừa dối người tiêu dùng. Tình trạng này không chỉ xảy ra trong ngành bất động sản, mà với rất nhiều sản phẩm hàng hóa và dịch vụ.

Theo bà Trâm, khi phát hiện thương hiệu của mình có dấu hiệu bị xâm phạm, doanh nghiệp cần thông báo và yêu cầu bên vi phạm đổi tên. Tiếp theo, nên gửi công văn tới cơ quan chức năng để báo cáo về sự trùng lặp thương hiệu, đồng thời nên đưa ra thời gian cụ thể cho phía vi phạm thương hiệu khắc phục.

“Nếu hành vi vi phạm thương hiệu vẫn tiếp diễn, ngay khi có đủ bằng chứng, doanh nghiệp cần khởi kiện ra tòa, phối hợp với việc công bố rộng rãi để công chúng và khách hàng biết cách phòng tránh”, bà Trâm khuyến nghị. Vị luật sư này nhấn mạnh, việc khởi kiện, tỏ thái độ quyết liệt và cứng rắn là hết sức cần thiết nhằm ngăn chặn kịp thời và đề phòng các doanh nghiệp “nhái” thương hiệu có hành vi lừa dối, lừa đảo người mua hàng, gây mất uy tín của các doanh nghiệp chân chính./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top