Aa

Những ai đã “xé nát” quy hoạch để chạy theo các nhà đầu tư?

Thứ Năm, 30/05/2019 - 14:00

"Khi mật độ xây dựng điều chỉnh nâng từ 4,6% lên 40%, tầng cao bình quân từ 20-33 lên đến 40 tầng, đáng lẽ yêu cầu các NĐT phải tuân thủ quy hoạch của Nhà nước, sao lại bẻ cong theo đề xuất của NĐT".

Việc thay đổi quy hoạch luôn theo kiểu, thu hẹp các lợi ích công cộng và tăng mật độ xây dựng, nâng chiều cao chung cư không còn là chuyện lạ với các đô thị của Việt Nam. Việc thay đổi quy hoạch đó luôn đánh vào quyền lợi của người dân và những người được hưởng không ai khác là nhóm lợi ích mà đại diện nhóm là chủ đầu tư.

Không gian Hà Nội

Không gian Hà Nội "đông cứng" khi các chung cư cao tầng mọc lên chi chít (Ảnh minh họa: VnMedia)

Chiều 27/5, tại buổi thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, trong giải trình của mình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng không né tránh khi nhận xét: “Việc quy hoạch còn tùy tiện, chạy theo nhà đầu tư, tạo ra khu đô thị chật chội và không an toàn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của người dân, Nhà nước…”.

Trong đó, Phó Thủ tướng cũng cho biết, mỗi năm những đô thị như Hà Nội và TP.HCM tăng xấp xỉ 200.000 người. Số người ngày càng tăng, trong khi việc đầu tư cơ sở hạ tầng còn chậm và thiếu đồng bộ, dẫn đến quá tải về hạ tầng ở các đô thị lớn.

Rõ ràng, trước áp lực tăng dân số cơ học lớn như vậy, việc tăng diện tích nhà ở là cần thiết và cấp bách. Nhưng điều đó không thể đồng nghĩa với việc thay đổi quy hoạch một chiều: Tăng mật độ xây dựng, tăng số tầng cho chung cư, thu hẹp diện tích công cộng phục vụ dân sinh.

Ngay như tại Hà Nội, việc thay đổi quy hoạch một số khu đô thị dẫn đến biến dạng hoàn toàn. Chẳng hạn, Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm, nổi tiếng một thời là nơi đáng sống, nay trở thành khu đô thị bức bối nhất về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cái gì cũng thiếu. Không ít cư dân ở đây đang phải đau đớn “di tản” khỏi đây.

Một số khu đô thị nổi tiếng khác ở Hà Nội như Khu đô thị Ciputra, Khu đô thị Ngoại giao đoàn, Dự án ngầm ở công viên Cầu Giấy, công viên Thủ Lệ... cũng đang bị dân phản ứng gay gắt, quyết liệt bởi vấn nạn thay đổi quy hoạch kiểu này.

Cũng tại Hà Nội, nhiều khu đất công sở, nhà máy được di dời với mục đích giảm tải, nhưng trớ trêu, nó lại biến thành các chung cư cao tầng. Nó đã và đang diễn ra. Như vậy, mục đích tốt đẹp ban đầu đã bị biến dạng, xoay chiều đúng 180 độ.

Minh chứng rõ nhất cho việc thay đổi quy hoạch, Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt đưa ra con số ấn tượng, theo báo cáo chưa đầy đủ từ các tỉnh, thành phố, cả nước có 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1 đến 6 lần. Đặc biệt, Đại biểu Vượt nhận xét, vẫn hiện hữu tư duy quy hoạch nhiệm kỳ, dấu hiệu áp đặt ý chí cá nhân, thậm chí có dấu hiệu lợi ích nhóm, bị nhà đầu tư chi phối, dẫn dắt làm thay đổi quy hoạch.

Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt: Có dấu hiệu lợi ích nhóm, bị nhà đầu tư chi phối, dẫn dắt làm thay đổi quy hoạch

Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt: Có dấu hiệu lợi ích nhóm, bị nhà đầu tư chi phối, dẫn dắt làm thay đổi quy hoạch

Điều đáng lưu ý là, để lập quy hoạch một khu đô thị, cần rất nhiều các bộ ngành, cơ quan chức năng tham gia, xin ý kiến các chuyên gia, ý kiến nhân dân trước khi phê duyệt, nhưng những lần thay đổi quy hoạch đó, chỉ cần đề nghị của chủ đầu tư, ý kiến của lãnh đạo một số sở và bút phê của lãnh đạo thành phố là ok!? Quyền các vị này quá lớn. Lạm quyền để trục lợi là điều dễ hiểu. Nhưng hầu như chưa có ai, vì thay đổi quy hoạch bị xử lý kỷ luật. Đó là điều dư luận băn khoăn và khó hiểu.

Tại diễn đàn Quốc hội, Đại biểu Phạm Trọng Nhân đặt ra câu hỏi: "Quốc hội nghĩ gì khi mật độ xây dựng điều chỉnh nâng từ 4,6% lên 40%, tầng cao bình quân từ 20 - 33 lên đến 40 tầng? Thay vì thuyết phục các nhà đầu tư tuân thủ quy hoạch của nhà nước thì bị bẻ cong theo đề xuất của các nhà đầu tư. Lý do gì mà các nhà quản lý không thể bảo vệ điều do chính mình thực hiện thì hẳn ai cũng có câu trả lời".

Đây là một câu hỏi lớn, dư luận mong các cơ quan chức năng cần trả lời rõ ràng, minh bạch: Những ai đã “bẻ cong” luật để chạy theo các nhà đầu tư?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top