Những cây cầu, đa số đều bắc qua những dòng sông. Vì có sông nên mới sinh ra cầu để đi qua. Cầu thường được đặt tên. Sông thường có tên gọi. Nếu coi cây cầu do dòng sông sinh ra, dòng sông là gốc của cây cầu thì tên sông như là cái họ của cây cầu. Và cây cầu hiện diện trước mọi người nên mang theo đủ đầy cả tên và họ của mình!
Những dòng sông, từ bao đời, là mạch nguồn sự sống. Sông mê mải với dòng chảy không bao giờ trở lại. Sông ngàn ngàn tuổi mà cũng như không có tuổi. Sông là nguồn cảm hứng thi ca. Sông ở trong những câu chuyện kể muôn đời. Có những con sông tên tuổi lẫy lừng. Có những con sông âm thầm lặng lẽ. Các con sông đều từ trời đất sinh ra, nhưng cũng có con sông từ dòng chảy mồ hôi của bao con người mà thành.
Đời mỗi con người, nếu may mắn lắm thì được sống gần gũi, gắn bó với một hoặc một vài dòng sông, thế nhưng cơ hội đi qua những dòng sông thì luôn bất tận. Có những dòng sông là có những cây cầu. Nếu sông là mẹ, thì cầu là con. Những người mẹ sông không tuổi, nên cứ mải miết sinh thêm những nhịp cầu. Đi trên những cây cầu mà không biết dòng sông chảy qua dưới đó thì cũng như thấy ai đó có tên mà không có họ. Tiếc rằng có nhiều lúc tự hỏi mà không có câu trả lời. Chẳng phải lúc nào cũng có thể dừng lại để hỏi, để tìm hiểu. Và lại tiếp tục đi qua những cây cầu khác, những dòng sông khác... Cứ thế mà qua, mà lùi dần kí ức.
Có người, như nhà văn Tạ Duy Anh, đã nêu ý kiến về việc này trên báo chí mấy lần về việc nên có tên sông gắn với biển tên cầu. Vậy mà cho đến hiện nay, vẫn chưa thấy ai làm cái việc rất đơn giản ấy, là thêm một dòng chữ ghi tên sông ở biển tên cầu đặt nơi hai đầu cầu. Dưới dòng tên cầu là tên dòng sông. Chỉ cần thêm tên dòng sông thôi, còn nếu tốt hơn nữa, thì có thể thêm vài thông tin về dòng sông. Thế là những cây cầu như người được mang đầy đủ tên họ, gốc tích... Đây là một cơ hội phổ cập về địa lý đất nước, làm cho con người hiểu thêm tên sông, tên đất, là hiểu thêm về những vùng quê của xứ sở, để thêm yêu thương, gắn bó với đất nước của mình.
Người ta dễ dàng giăng giăng các khẩu hiệu, những sáo ngữ tuyên truyền về văn hoá, lịch sử mà lại không nhận ra cái việc làm thiết thực này sao? Những bài học về văn hoá, về địa lý, về lịch sử rất hiệu quả và ý nghĩa ở những việc như thế này chứ nào cần to tát ở đâu!
Những người xây dựng cầu, những người quản lý giao thông, những lãnh đạo địa phương, những nhà văn hoá, những nhà giáo dục... suy nghĩ ra sao về ý kiến này?
Ngẫm về chuyện cây cầu và những dòng sông lại nghĩ về hai chữ "Nhân dân". Nhân dân vừa như tất cả mọi người, vừa như không là ai cả. Nếu coi nhân dân như từng giọt nước làm nên biển cả, thì thấy từng thân phận nhân dân. Nếu coi nhân dân chỉ là một khái niệm và là một tập hợp thì sẽ luôn hài lòng với mọi thống kê có mẫu số chung là nhân dân.
Mong muốn ghi tên cây cầu mang họ dòng sông cũng như thực lòng nhìn thấy những gì sinh ra từ nhân dân, mang họ nhân dân. Chỉ có chiều sâu văn hoá luôn được bồi đắp và giữ gìn mới làm nên sức mạnh chung của dân tộc.
“Sông mấy ngàn năm tuổi, miệt mài chảy mãi không nguôi, chuyện bao đời sông biết cả...”, nghĩ như thế, trong lòng tôi lại bật lên câu hát ấy từ bài hát "Chảy đi sông ơi" của người nhạc sĩ tài danh Phó Đức Phương. Ông nhạc sĩ vừa mới qua đời. Nhưng bài hát này của ông sẽ còn ở lại mãi với đời...