Mình vừa có một chuyến đi lại vùng đất cũ Sơn La với hai người bạn mới.
Một người là đồng môn Đại học Bách khoa Hà Nội, tên là Tuyển, học khác ngành. Mình học Hoá thực phẩm, Tuyển học Chế tạo máy. Tuyển từng nghe và biết tiếng mình, ra trường thì theo nghề, phát triển lên đến Tổng Giám đốc một Tổng Công ty của nhà nước. Hồi mình làm phóng viên, đến một cơ sở công nghiệp, Tuyển làm sếp ở đấy, tiếp mình và giới thiệu là đồng môn. Anh vốn mê chữ nghĩa, lại thạo cả Hán văn và Anh văn, đã dịch mấy cuốn sách, được in và nhiều người thích. Tuyển chơi facebook và gần đây hay trò chuyện với mình như bạn bè. Vừa nghỉ hưu, sẵn xe cộ, Tuyển bảo, ta đi chơi đâu đó đi. Mình gợi ý về đất cũ Sơn La của mình, đi nhênh nhang nhìn ngắm đất trời, cây lá thôi. Thế là cùng nhất trí lên đường ngay...
Tuyển gọi một người bạn học phổ thông đi cùng, tên là Dương. Anh ấy từng là lái xe chuyên nghiệp, giờ cũng rảnh rỗi, nghe rủ, cũng nhất trí luôn.
Có câu "Tam nhân bất đồng hành". Chả đúng! Tam nhân tam nhật thăm quan Tây Bắc, rất thú vị. Mình đi theo tiếng gọi của ký ức và cảm xúc, dẫn đường. Tuyển thì đi theo khao khát tìm hiểu văn hóa, tập quán, ngôn ngữ của con người ở vùng đất này, dù trước đây anh đã từng qua nhưng chưa có dịp gặp gỡ, trò chuyện nhiều. Ông Dương thì đi theo trải nghiệm vì đã từng lái xe đưa khách du lịch đi lại nhiều lần vùng này, giống như ma xó, “dân vận” rất tốt, đến đâu là biết đấy, biết chỗ ăn ngon, biết có cảnh đẹp, có chỗ suối nước trong, kín đáo, gái bản hay ra tắm, thân thể trắng muốt bày tự nhiên ra giữa thiên nhiên chiều chiều nữa. Cả ba cứ thế là đi, mặc dù thấy phía trước, những cơn mưa đang sắp kéo về…
Đầu tiên là đi lên men theo hồ sông Đà, ngắm núi ngắm sông, đến trưa thì chén một bữa toàn cá, với các món lòng cá, trứng cá, rau rừng, hoa chuối rừng... Lại đều do tay con gái Mường trẻ đẹp dọn bày cho mà ăn, thích thú thôi rồi.
Buổi chiều lên Mộc Châu. Ơ, đây là đường rẽ vào Lóng Luông, thủ phủ buôn bán ma túy, công an với xe bọc thép vừa mới triệt phá. Thì rẽ vào xem đã yên bình thật chưa…
Rồi trở ra, đi một đoạn quốc lộ, thấy một lối rẽ bảng lảng dẫn vào Hua Tát. Hua Tát của truyện ngắn “Những ngọn gió Hua Tát” của Nguyễn Huy Thiệp đọc đã lâu rồi. Thì lại rẽ vào, đi giữa núi đồi xanh ngắt và những triền lau đang lên bông, rồi mai này sẽ trắng xóa cả những chiều đông. Đứng giữa nơi ấy, mình đọc mấy câu thơ mình viết về nỗi nhớ:
Mình ơi, ta nhớ Sơn La quá
Châu Mộc xa vời một giấc xanh
Núi hoa ban tím chiều sương mỏng
Lau trắng ngời lên một khởi hành.
Ông Dương, sống hiện thực lắm, nghe mà cũng gật gù: “Hay, hay!”.
Quay ra thì gặp một con đường nhựa nhỏ ngoằn nghoèo dưới chân những vách đá cao. Đây rồi, con đường quốc lộ cũ đã từng đi gần bốn mươi năm trước, cột cây số vẫn còn. Thế là theo đường ấy về Mộc Châu, gần 20 cây số bồi hồi những xóc nảy mà mơ mộng thủa hoa niên đi từ núi cao xuống Hà Nội học đại học.
Chiều xuống, đi xe trên đèo từ Mộc Châu thư thái xuống Yên Châu. Cách thị trấn Yên Châu hơn chục cây số, gặp một con suối, nước lũ đã bắt đầu ngầu lên. Mình nhớ và kể: Chỗ này chính xác là cách Yên Châu 17 cây số. Có lần nghỉ hè đại học trở về, tới đây đường sạt mất, ô tô không thể đi qua, phải chờ làm lại đường, mình với thằng Thiên đã cởi trần, kiếm miếng ni lông bọc hết quần áo lại, rồi lấy chiếc quần dài buộc túm hai gấu quần, nhúng nước ụp xuống thành cái phao bám vào mà bơi theo, mất mấy tiếng lặn ngụp trong nước lũ quần thảo để về thị trấn ngủ đêm, đợi hôm sau kiếm xe về nhà sớm với mẹ. Tuyển nghe, ngạc nhiên, bảo mình bịa chuyện. Không không, chuyện thật một trăm phần trăm. Tuổi trẻ táo bạo và rồ dại như thế đã là gì đâu.
Ở Sơn La, dẫn mấy bạn học vào bản, thăm bố mẹ nuôi, thăm em gái cũ, giờ một nách đã mấy mặt con. Rồi kể cho bạn nghe về những cô bạn bản ngày xưa đã từng luồn rừng, tắm mó nước với nhau, bảo nhà vẫn còn chỗ ấy, chỗ kia, chỉ cho thấy nhưng không muốn dẫn bạn đến gặp, vì bạn gái bản ngay xưa bây giờ đã già rồi. Thôi thì ta ngồi với nhau uống rượu lá, ăn món ăn của người Thái bản mà tự tưởng tượng về hồi ức xưa của mình xem sao…
Khi mã hồi, cả ba bọn mình thống nhất không theo đường cũ mà rẽ chỗ ngã ba Cò Nòi, đi qua cầu Tạ Khoa, nơi ngày xưa là một bến đò băng ngang sông Đà, rồi từ đó đi vút lên những triền núi cao Bắc Yên thấp thoáng những bản người Mông. Trời bỗng mưa to, trong làn mưa trắng đục, nhìn ra mà nhớ lại ký ức hãi hùng trì đọng của mưa rừng ngày xưa. Mưa níu chân người trong lán nhỏ, mưa rì rầm, âm u không biết sẽ kéo dài đến bao giờ và mình sẽ ở đây bao lâu.
Thế rồi xong mưa, thì vượt lên hẳn trên núi cao, gặp nắng vàng rực rỡ. Nơi đây là khung cảnh của bài hát “Bài ca trên núi” của Nguyễn Văn Thương, là câu chuyện Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài…
Đêm ấy, hạ sơn sớm, lại hòa vào đêm đồng bằng lòng chảo Phù Yên thanh bình, để rồi sáng mai sẽ đi qua vùng trung du, thênh thang rừng Thanh Sơn, sông Trung Hà và mây trắng Sơn Tây xứ Đoài để trở về Hà Nội…
Chuyến đi trọn vẹn, có một yếu tố nữa nằm ở ông Dương lái xe. Mình và Tuyển đều lái được xe, sẵn sàng lái, nhưng ông ma xó này lái là chính. Chiếc xe bình thường, biển trắng, đi rất nhanh khi đường tốt và đặc biệt, gặp không ít lần các trạm, các tổ cảnh sát giao thông, mà không hề bị tuýt còi dừng lại bao giờ. Cứ tưởng tượng ta đang đi trên đường mà bị cảnh sát dừng xe lại, thường là chẳng vui vẻ gì, ức chế lắm. Nhưng chuyến này thì không bị thế. Mình hỏi ông Dương, tôi thấy ông đi cũng nhanh mà, sao không bao giờ bị dừng? Dương cười, tôi không đi sai thì thôi, bí quyết gì đâu, chỉ là chú ý các biển chỉ dẫn, vì thế, mà vẫn đảm bảo nhanh chóng nhé.
Rồi Dương phân tích, như anh kể chuyển đi rừng, thấy thích thú tìm cây để nhìn mà hiểu núi, hiểu suối, tôi lái xe đi trên đường, thì cũng tạo cho mình thói quen thích thú nhìn những biển chỉ dẫn mà đi cho đúng và chả phải dừng miễn cưỡng bao giờ. Ngược lại, nếu không nhìn biển chỉ dẫn hay cố ý đi sai, thì dễ tự chuốc lấy bực bội, có khi, cả không an toàn nữa…
Giờ thì mình có thêm một kinh nghiệm khi thực hiện những chuyến đi. Một chuyến đi tốt đẹp được dẫn dắt bởi nhiều yếu tố như văn hóa, tri thức, mong muốn khám phá và cuối cùng vẫn là cần đi đúng theo những biển chỉ dẫn.