Dưới đây là những cây cầu được giới đầu tư nhận định là thông tin tốt đối với thị trường bất động sản Đông Hà Nội.
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2
Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt quyết định đầu tư từ năm 2011. Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ xây một cây cầu có kết cấu tương tự cầu Vĩnh Tuy hiện nay, cách mép cầu cũ 2m, dự kiến hoàn thành vào năm 2022.
Trong giai đoạn 2 này, cầu Vĩnh Tuy sẽ được xây dựng rộng tương tự giai đoạn 1, mặt cắt ngang 19,25 m với 4 làn xe, trong đó có 2 làn xe cơ giới, 1 làn xe buýt, 1 làn tổng hợp và dải đi bộ.
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 sẽ có tổng chiều dài là 3.504m, không phải giải phóng mặt bằng, do việc này đã được thực hiện khi thi công giai đoạn 1. Theo dự kiến, quý III/2020, Hà Nội sẽ lựa chọn nhà thầu, thi công trong hơn 1 năm và hoàn thành dự án vào tháng 12/2022.
Cầu Đuống 2
Mới đây, Hà Nội đã đề xuất Chính phủ cho quy hoạch xây dựng cầu Đuống 2 thuộc quận Long Biên và Gia Lâm. Cây cầu và đường nối đến địa phận tỉnh Bắc Ninh có tổng mức đầu tư khoảng 6.500 tỷ đồng. Cầu Đuống 2 có tổng chiều dài khoảng 0,6km, rộng khoảng 33,5m. Cây cầu sẽ rút ngắn khoảng cách di chuyển Hà Nội - Bắc Ninh, đồng thời giảm áp lực giao thông cho cầu Thanh Trì vào giờ cao điểm. Cầu Đuống 2 dự kiến khởi công cuối năm 2019 và hoàn thành trong năm 2021.
Cầu Giang Biên
Hà Nội dự kiến quy hoạch thiết kế nhịp cầu Giang Biên và đường dẫn hai đầu cầu (nội cầu Vĩnh Tuy, vành đai 2 đến tiếp giáp Ninh Hiệp) cũng thuộc Gia Lâm với tổng mức đầu tư khoảng 8.400 tỷ đồng. Nhịp cầu Giang Biên không chỉ rút ngắn khoảng cách di chuyển giữa 2 huyện Long Biên và Gia Lâm mà còn đẩy mạnh kết nối Vinhome Riverside với các khu lân cận Gia Lâm. Cầu Giang Biên dự kiến khởi công cuối năm 2019 và thông xe vào năm 2021.
Cầu Trần Hưng đạo
Thời gian gần đây, giới kinh doanh bất động sản phía Đông Hà Nội liên tiếp quảng bá về cầu Trần Hưng Đạo nối liền 2 quận Hoàn Kiếm và Long Biên. Dự kiến cầu sẽ xây dựng trong quý III/2019.
Trong tấm bản đồ quy hoạch phân khu đô thị N10 (đã được thành phố Hà Nội phê duyệt), sự xuất hiện của cây cầu Trần Hưng Đạo (dự kiến quy hoạch) được ghi khá rõ.
Cụ thể, phân khu đô thị N10 nằm trong địa giới hành chính các phường: Ngọc Thụy, Ngọc Lâm, Bồ Đề, Gia Thụy, Thượng Thanh, Đức Giang, Việt Hưng, Giang Biên, Long Biên, Phúc Đồng, Cự Khối, Sài Đồng, Thạch Bàn, Phúc Lợi – quận Long Biên; xã Cổ Bi, Đông Dư – huyện Gia Lâm – thành phố Hà Nội.
Theo đó, cầu Trần Hưng Đạo sẽ được xây dựng nối liền phố Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm), tới đường Cổ Linh (quận Long Biên). Đánh giá từ giới đầu tư, nếu cầu Trần Hưng Đạo được triển khai xây dựng sẽ giảm tải đáng kể lưu lượng giao thông giữa 2 quận Hoàn Kiếm và Long Biên.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có bất cứ cơ quan nào (UBND, Sở GTVT, Sở Xây dựng hay Sở KH&ĐT) lên tiếng cụ thể về tuyến cầu này. Trước đó, thông tin xây cầu (hầm chui) Trần Hưng Đạo qua sông Hồng cũng đã từng được Công ty CP Him Lam lập Hồ sơ đề xuất nói tới. Dự án có chiều dài 3,1km, tổng mức đầu tư dự kiến 7.000 tỷ đồng, hình thức BT, thời gian dự kiến thực hiện 2016 - 2021.