Aa

Quy hoạch 4 cây cầu tỷ đô: Nhà đầu tư chớ nóng vội!

Thứ Tư, 11/10/2017 - 22:01

Đó là lời cảnh báo của bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng Bộ phận nghiên cứu Savills Hà Nội liên quan đến thông tin quy hoạch 4 cây cầu mới bắc qua sông Hồng đối với thị trường bất động sản khu Đông trong tương lai.

Sáng 11/10, Savills Việt Nam đã tổ chức họp báo công bố tình hình thị trường bất động sản Hà Nội quý III/2017.

Theo thống kê của Savills, trong quý III, thị trường căn hộ để bán có 13 dự án mới và các giai đoạn tiếp theo của 16 dự án đang mở bán, cung cấp 6.170 căn hộ ra thị trường, giảm 3% theo quý nhưng tăng 41% theo năm. Trong đó, Hạng B tiếp tục chiếm ưu thế trong hoạt động mua bán trên thị trường.

“Chịu ảnh hưởng từ tháng Ngâu, quý III có khoảng 5.660 căn đã được bán, giảm 17% theo quý tuy nhiên nhìn chung khá ổn định theo năm. 9 tháng đầu năm đến thời điểm hiện nay, số lượng căn hộ tung ra là 22.000 căn, số lượng căn hộ bán được là 18.900 căn, đây là ngưỡng thị trường ổn định. Tỷ lệ hấp thụ trung bình đạt 24%. Giá chào bán giảm ở hầu hết các hạng, đạt 28.432.000 VNĐ/m2 (1.247 USD/m2)”, bà Hằng nhận định.

Cũng theo Trưởng bộ phận nghiên cứu Savills Hà Nội, người mua nhà đang chuyển dần sự quan tâm rõ rệt sang phân khúc nhà ở giá rẻ với một tỷ trọng nhu cầu khá lớn. Quý III, lượng hàng bung ra của căn hộ hạng C chiếm nhiều nhất. Trong tổng 6.000 căn tung ra, căn hộ hạng C đạt 3.000 căn, hạng B 2.500 căn.

“Mặt khác, lượng hàng trên thị trường còn rất nhiều, nên giá bán có điều chỉnh theo hướng giảm. Đáng lưu ý, số lượng căn hạng A tuy cung giảm nhưng số căn bán được trong 9 tháng có thể nói cao nhất từ 2010 đến nay trong tất cả các phân khúc”, bà Hằng nói.

Nói về triển vọng thị trường căn hộ trong tương lai, bà Hằng cho biết, trong quý IV, sẽ có khoảng 42 dự án được mở bán, trong đó hầu hết là các dự án hạng B.

Bà Đỗ Thu Hằng khuyên nhà đầu tư nên lưu ý về câu chuyện quy hoạch vùng

Bà Đỗ Thu Hằng khuyên nhà đầu tư nên lưu ý về câu chuyện quy hoạch vùng, phát triển vùng trong thời điểm hiện nay.

Sắp tới, khi Hà Nội hoàn thành việc di dời các sở ban ngành về khu liên cơ đường Võ Chí Công, khu vực Tây Hồ, theo bà Hằng sẽ có những tác động tích cực đối với thị trường bất động sản, trong đó có phân khúc nhà ở.

“Rất nhiều người khi đến đó làm việc cũng muốn có nhà ở gần đó. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp có sự thuận lợi khi giao dịch cũng có thể cân nhắc mở văn phòng tại đây. Nhìn chung, việc di dời các sở ngành đến khu liên cơ giúp cho thị trường bất động sản khu vực Tây Hồ có cơ hội phát triển ở nhiều phân khúc, trong đó nhà ở sẽ phát triển hơn, thị trường văn phòng cũng có sự chuyển hướng nhất định”, bà Hằng nhận định.

Đối với thông tin Hà Nội quy hoạch thêm 4 cây cầu bắc qua sông Hồng đang làm cho thị trường đất nền khu vực này xôn xao thời gian gần đây, bà Hằng cho rằng, hiện nay, vấn đề giao thông ở khu vực phía Đông đang cải thiện rất nhiều với cầu Đông Trù, liên thông giữa cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì. Một khi có nhiều cây cầu hơn cộng với nền tảng tiện ích trước đó, trong tương lai, có thể nhìn thấy xu hướng giao thông thuận lợi sẽ giúp cho các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội phát triển ở phía Đông.

Hơn nữa, thực tế cho thấy, lõi đô thị có xu hướng mở rộng bao gồm cả các khu vực như Long Biên, Gia Lâm, kết nối với khu vực Đông Anh song trong thời gian tới, nhà đầu tư đang chờ đợi điều kiện hội tủ đủ hơn nữa về tiện ích sống, trường học, bệnh viện... thì khu vực này mới có thể phát triển sôi động hoặc cân bằng với các khu vực khác của Hà Nội.

“Bao giờ cũng vậy, khi thông tin quy hoạch đưa ra luôn gây sự thu hút đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư mang tâm lý đám đông, đổ xô vào việc phải quyết định mua nếu không sẽ quá muộn gây nên tình trạng giá bất động sản tại những khu vực có quy hoạch được “đà” bị đẩy lên do đầu cơ, cò đất... nắm được tâm lý đó của khách hàng.

Trong quá khứ, cũng đã cho chúng ta bài học, thực tế từ kế hoạch đến hiện thực phải chờ đợi rất lâu. Nhiều khi tưởng thị trường nơi có quy hoạch có thể “sốt” ngay nhưng không phải, hoặc có “sốt” nhưng là “sốt ảo””, bà Hằng phân tích.

Do đó, lời khuyên bà Hằng đưa ra cho các nhà đầu tư là phải hết sức cẩn trọng, xem xét kỹ lưỡng những thông tin từ quy hoạch, pháp lý, triển vọng khu vực, thậm chí dù có thông tin quy hoạch đến với khu vực đó rồi nhưng cũng phải xem xét có nằm trong quy hoạch gì nữa không. Không nên cho rằng cứ có cầu bắc qua đó là sẽ phát triển. Các nhà đầu tư không nên nóng vội bởi sẽ không có câu chuyện trở thành tỷ phú chỉ sau một đêm như trước đây mà có thể đó sẽ là câu chuyện ngược lại.

Bà Hằng so sánh, câu chuyện xây thêm cầu tại phía Đông giống như phía Tây trước đây, khi thị trường chuyển hướng ra phía Tây mọi người cũng hoài nghi, liệu có thực sự đó là xu hướng? Và thực tế, phải mất đến cả hơn chục năm từ hơn 2006 đến nay, mới có thể có được phía Tây như ngày hôm nay.

Cho  nên, phía Đông cũng không thể phát triển trong một sớm một chiều mà cần có thời gian. Trước đây, khi mới có đường vành đai 3, chúng ta hỏi sao ở đây có nhiều quỹ đất như thế này nhưng đến nay, có thể nói, phía Tây đã khá chật chội, đông đúc.

“Đó cũng là bức tranh tương tự khi sang phía Đông. Đường đẹp nhưng sao chưa phát triển? Rõ ràng đường thôi, cầu thôi chưa đủ mà cần thêm nhiều yếu tố khác từ tiện ích xã hội, hạ tầng. Khu vực Tây Hồ, trước đây không ai nghĩ sẽ là nơ thị trường văn phòng phát triển mà chỉ là thuần túy cho người nước ngoài thuê.

Cho đến nay, khi di dời 8 sở ngành về khu liên cơ tại đây, mở ra một câu chuyện khác nhưng sẽ không phát triển ngay bởi trong điều kiện giá thuê không tốt, chất lượng không tốt cũng không thể thu hút được. Đó là điều mà các nhà đầu tư nên lưu ý về quy hoạch vùng, phát triển vùng”, bà Hằng nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top