Aa

Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2020

Linh Chi
Linh Chi hoanguyen1304@gmail.com
Chủ Nhật, 03/05/2020 - 16:35

Chính thức cấp bản sao điện tử cho người dân; Thêm 4 ngành nghề được ưu đãi đầu tư; Xe vô thừa nhận quá 30 ngày sẽ bị tịch thu... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2020.

Ngân hàng có thể được miễn phí rút tiền mặt tại Ngân hàng Nhà nước

Thông tư 27/2019/TT-NHNN đã sửa đổi một số quy định về phí rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có hiệu lực từ 1/5/2020.

Theo đó, tổ chức tín dụng được miễn phí rút tiền mặt trong tháng khi giá trị tiền mặt rút qua tài khoản thanh toán nhỏ hơn hoặc bằng giá trị tiền mặt không đủ tiêu chuẩn lưu thông nộp về Ngân hàng Nhà nước cùng nơi mở tài khoản.

Tổ chức tín dụng chịu mức phí 0,005% trên số chênh lệch dương trong tháng giữa giá trị tiền mặt rút qua tài khoản thanh toán trừ giá trị tiền mặt không đủ tiêu chuẩn lưu thông nộp về Ngân hàng Nhà nước cùng nơi mở tài khoản.

Ảnh minh họa.

Xe vô thừa nhận quá 30 ngày sẽ bị tịch thu

Nghị định 31 có hiệu lực từ 1/5 quy định: Trong 3 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm, cảnh sát phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở.

Việc công khai trên phương tiện thông tin đại chúng được rút ngắn còn một lần, thay vì ít nhất hai lần như quy định hiện hành.

Trường hợp hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo cuối nhưng người vi phạm không đến nhận tang vật, phương tiện, cảnh sát sẽ tịch thu phương tiện vi phạm để bán đấu giá, nộp ngân sách Nhà nước.

Lý giải việc rút ngắn thời gian và số lần thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng nêu trên, lãnh đạo Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết: "Nhằm tạo điều kiện cho cơ quan chức năng nhanh chóng làm các thủ tục xử lý tang vật, phương tiện".

Tăng thời hạn giấy phép cho thuê lại lao động lên tối đa là 60 tháng

Cho thuê lại lao động là nội dung nổi bật tại Nghị định 29/2019/NĐ-CP hướng dẫn Khoản 3 Điều 54 Bộ luật Lao động về cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động có hiệu lực kể từ ngày 5/5/2019.

Theo đó, Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động (sau đây gọi tắt là Giấy phép) được kéo dài thời hạn lên tối đa là 60 tháng, thay vì 36 tháng theo quy định hiện hành tại Nghị định 55/2013/NĐ-CP ngày 22/5/2013. Giấy phép được gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn tối đa là 60 tháng thay vì chỉ được gia hạn không quá 2 lần, mỗi lần gia hạn không quá 24 tháng như hiện nay.

Bãi bỏ 2 điều kiện để doanh nghiệp được cấp giấy phép: Điều kiện về vốn pháp định; về địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp. 

Bổ sung 3 công việc vào danh mục công việc được cho thuê lại lao động, bao gồm: Quản lý, vận hành, bảo dưỡng và phục vụ trên tàu biển; quản lý, giám sát, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng và phục vụ trên giàn khoan dầu khí; lái tàu bay, phục vụ trên tàu bay, bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay, điều độ, khai thác bay, giám sát bay. 

Tuy nhiên, doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải niêm yết công khai bản chính giấy phép tại trụ sở chính thay vì bản sao như quy định tại Điều 11 Thông tư 01/2014/TT-BLĐTBXH ngày 8/1/2014 .

Thêm 4 ngành nghề được ưu đãi đầu tư

Nghị định 37/2020/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15/5/2020 đã bổ sung vào danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư ban hành kèm theo Nghị định 118/2015/NĐ-CP về các hoạt động đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo đó, 4 ngành nghề được bổ sung mới bao gồm:

- Đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa;

- Đầu tư kinh doanh cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa;

- Đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;

- Đầu tư kinh doanh khu làm việc chung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.

Ảnh minh họa.

Chính thức cấp bản sao điện tử cho người dân

Ngày 8/4/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Nghị định này sẽ có hiệu lực từ ngày 22/5/2020.

Đáng chú ý, thay vì cấp bản sao bằng giấy thì từ 22/5, tổ chức, cá nhân có thể yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp bản sao điện tử theo 2 cách:

Cách 1. Cấp bản sao điện tử từ sổ gốc

Khi đó, cơ quan đang quản lý sổ gốc sẽ căn cứ vào sổ gốc để cấp bản sao điện tử có chữ ký số của cơ quan cho người yêu cầu.

Cách 2. Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính giấy tờ, tài liệu­

Với cách làm này, tổ chức, cá nhân xuất trình bản chính giấy tờ, tài liệu làm cơ sở để chứng thực bản sao. Người thực hiện chứng thực kiểm tra bản chính, chụp điện tử bản chính, nhận lời chứng chứng thực bản sao từ bản chính và thực hiện ký số của người chứng thực, cơ quan có thẩm quyền chứng thực và cập nhật vào sổ chứng thực.

Công dân có quyền khai thác hình ảnh, âm thanh của tổ chức cá nhân

Nghị định 47/2020 về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước, có hiệu lực từ ngày 25/5 quy định: Công dân có quyền khai thác, chia sẻ hình ảnh, âm thanh của tổ chức hoặc cá nhân, nhưng không được xâm phạm quyền riêng tư, bí mật cá nhân.

Các dữ liệu số mà người dân có thể được khai thác, chia sẻ là loại dữ liệu dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được thể hiện bằng tín hiệu số.

Tuy nhiên, nghị định cũng ràng buộc trách nhiệm của người dân khi khai thác, chia sẻ dữ liệu không được vi phạm các hành vi, như: Cản trở hoạt động kết nối, quyền khai thác và sử dụng dữ liệu hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top