Từ ngày 1/1/2019, Luật Sửa đổi, bổ sung 37 điều liên quan đến quy hoạch (Luật Quy hoạch mới) đã chính thức có hiệu lực. Trong đó, bổ sung 4 nội dung mới trong Luật Quy hoạch, đó là: Bãi bỏ giấy phép quy hoạch, chứng chỉ quy hoạch; Quy định chặt chẽ quy trình điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; Bãi bỏ các giấy phép con liên quan đến quy hoạch. Trước thực tế này đòi hỏi công tác quy hoạch phải sớm có nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ.
Sự cần thiết phải thay đổi phương pháp quy hoạch
Bắt đầu từ 2019, Luật Quy hoạch mới có hiệu lực. Trong đó, định hướng sẽ là quy hoạch tích hợp. Một trong những thay đổi lớn đối với ngành xây dựng là sẽ bỏ quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, thay bằng quy hoạch tích hợp tỉnh. Các quy hoạch chung đô thị trước đây đã có định hướng từ quy hoạch vùng tỉnh, thì nay sẽ phải lấy định hướng từ quy hoạch tích hợp tỉnh. Đối với những đô thị cấp trung ương, mỗi đô thị sẽ như một tỉnh, vì thế quy hoạch chung đô thị cũng đồng thời là quy hoạch tích hợp.
Như vậy, trong cả hai trường hợp, quy hoạch chung đô thị đều sẽ phải có những đặc điểm cơ bản như một quy hoạch tích hợp đa ngành. Điểm khác biệt duy nhất là đơn vị chủ trì quy hoạch. Một quy hoạch tích hợp tỉnh thông thường sẽ do ngành KH&ĐT chủ trì, trên cơ sở lõi là quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Còn một quy hoạch chung đô thị sẽ do ngành xây dựng chủ trì, với trọng tâm là quy hoạch không gian.
Tuy nhiên trong cả hai trường hợp, những vấn đề đa ngành đều phải được tích hợp. Mà quan trọng nhất là nội dung 3 quy hoạch chính là: Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội; Quy hoạch không gian xây dựng và Quy hoạch sử dụng đất. Ngoài ra sẽ là các vấn đề tích hợp các ngành dọc khác.
Trước đây, xét về nội dung, những quy hoạch chung đều có tính tích hợp nhất định, vì phải xét đến nhiều vấn đề liên quan từ tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, quy hoạch không gian xây dựng được coi là cụ thể hoá định hướng phát triển kinh tế xã hội, nên có thể nói là cũng đã tính đến kết hợp yếu tố này. Và sau khi có giải pháp quy hoạch chung, đều phải lấy ý kiến đóng góp của các ngành. Tuy nhiên, đó không thực sự là quy hoạch tích hợp. Quy hoạch tích hợp có nghĩa là làm sao cả một cộng đồng gồm các thành phần khác nhau có thể ngồi thống nhất xem nên làm cái gì để tất cả cùng có lợi nhất.
Vấn đề lớn nhất của các quy hoạch chung trước đây là xét đến và quy định quá chi tiết, quá nhiều nội dung mà ngành xây dựng không kiểm soát được cũng như không có phương tiện, nguồn lực thực hiện. Sự đồng thuận của các ngành không đủ để ép buộc các ngành thực hiện quy hoạch, mà chỉ là không làm sai với quy hoạch. Mặt khác, tất cả các ngành cộng lại mới chỉ là yếu tố nhà nước, mà nhà nước lại chỉ là một thành viên tham gia trong việc thực hiện quy hoạch, thậm chí không phải là thành viên chủ chốt. Quan trọng hơn trong việc thực hiện quy hoạch là doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.
Về cơ bản, nhà nước chỉ có 3 phương tiện là quy định sử dụng đất, hạ tầng và thuế khoá. Trong đó, phương tiện đầu có tác dụng định hướng, phương tiện thứ hai có tác dụng xúc tác, chỉ có phương tiện thứ 3 mới là trực tiếp thực hiện quy hoạch. Trong 3 phương tiện này, ngành xây dựng lại chỉ nắm được một phần rất nhỏ.
Vì vậy, hai yêu cầu chính được đưa ra cho việc điều chỉnh phương pháp luận: thứ nhất là làm sao tăng được tính tích hợp một cách thực sự; Thứ hai là làm sao giới hạn được những nội dung cần quy hoạch ở trong phạm vi có thể kiểm soát, quản lí được. Về cơ bản, câu trả lời cho vấn đề thứ nhất là cần phải tăng cường sự tham gia của các bên. Khi đó, nhà quy hoạch không còn đóng vai trò người quyết định, mà là moderator (người điều hành) cho một cuộc đàm phán giữa các bên liên quan. Và câu trả lời cho vấn đề thứ hai là phải chuyển từ cách quy hoạch và quản lí theo masterplan (tính tổng thể) sang quản lí dự án chiến lược. Cả hai cách tiếp cận này chính là nội dung cơ bản trong quy hoạch tích hợp theo nghĩa của luật quy hoạch mới.
Nhu cầu về nhân sự
Căn cứ vào những nội dung chuyên môn cụ thể cần phải thực hiện trong một quy hoạch chung trong tương lai, ta có thể dễ dàng nhận thấy những yêu cầu và vấn đề cho nhân sự quản lý, phát triển đô thị.
Về nhu cầu về tích hợp đa ngành. Trước hết, một yêu cầu là tính đa ngành trong quản lí phát triển. Điều này không có nghĩa là cần phải có những chuyên gia biết tất cả, giỏi tất cả các lĩnh vực, mà cần phải hiểu là chuyên gia đó cần có năng lực làm moderator cho một tập thể gồm rất nhiều các bên tham gia, với những kinh nghiệm, kiến thức, mong muốn, mục tiêu rất khác nhau.
Để làm điều đó, chuyên gia hay nhân sự quản lí này không cần phải nắm được mọi ngôn ngữ, mọi chuyên môn của các bên tham gia, mà cần có một công cụ hữu hiệu để làm trung gian. Bản chất của công cụ này là giúp cho tất cả các bên có chung một tiếng nói, minh bạch, cụ thể.
Cho tới nay, có hai công cụ cơ bản cho việc này. Thứ nhất, sử dụng các loại sơ đồ, đồ hoạ, bản đồ để biểu đạt bằng thị giác những vấn đề kỹ thuật liên ngành. Việc chồng ghép các lớp bản đồ cho phép tất cả các bên liên quan có thể nhận ra vấn đề, mâu thuẫn, cơ hội v.v. Những dạng biểu đạt này đa dạng và phức tạp hơn rất nhiều so với những bản đồ sử dụng đất hay kiến trúc cảnh quan hiện nay. Nó cho phép từng bước làm rõ những vấn đề, những tiềm năng, thách thức cơ bản, thay vì vẽ ra một viễn cảnh minh hoạ một mô hình đô thị mơ ước.
Công cụ thứ hai là những mô hình hỗ trợ ra quyết định. Các mô hình này cho phép nhập các dữ liệu đầu vào đơn giản và nhanh chóng đưa ra những kịch bản, tác động một cách mạch lạc, rõ ràng, để tất cả các bên tham gia có thể hình dung ra tác động của những quyết định khác nhau. Hệ thống mô hình này sẽ được kết hợp với những hệ thống ngân hàng dữ liệu, thông tin trực tuyến để có thể tích hợp được sự tham gia của nhiều tầng lớp, trong tất cả các công đoạn quản lí phát triển, từ việc đánh giá hiện trạng, đề xuất tầm nhìn, chiến lược, cho tới việc thực hiện quy hoạch.
Hiện nay, trong các lĩnh vực kỹ thuật liên quan đến quy hoạch, chẳng hạn như giao thông, san nền, cấp thoát nước v.v. có thể có những mô hình về các vấn đề liên quan. Tuy nhiên, đa số những mô hình này đều theo chuyên ngành hẹp, trong đó người sử dụng không biết tại sao từ những dữ liệu đầu vào này lại ra các kết quả đầu ra kia. Như vậy, các mô hình này có tác dụng ít trong việc minh bạch hoá quá trình tham gia và đồng thuận giữa các bên tham gia. Cần có những công cụ mô hình tích hợp có khả năng phân tích và tổng hợp vấn đề một cách đơn giản, mạch lạc.
Hiện nay, các chuyên gia về lĩnh vực quy hoạch và quản lý phát triển đô thị đa số đều chưa được đào tạo và có kiến thức, kinh nghiệm về việc sử dụng hai loại công cụ này. Đây sẽ là khoảng trống lớn cần phải được lấp trong vấn đề cung cấp dịch vụ đào tạo.
Về nhu cầu về quản lí dự án. Thay vì quản lí các bản quy hoạch như trước đây, trong tương lai, vấn đề quan trọng nhất sẽ phải là quản lí dự án. Trong đó, việc kêu gọi được sự tham gia của tất cả các bên, đặc biệt là doanh nghiệp, cộng đồng và các tổ chức quốc tế là mấu chốt. Những năng lực này về cơ bản cũng chưa được cung cấp cho đội ngũ nhân sự quản lí. Vì thế, đây cũng là một bài toán mấu chốt được đặt ra cho lĩnh vực đào tạo nhân sự quản lí trong tương lai.
TS. Phó Đức Tùng - Chuyên gia về nghiên cứu quy hoạch đô thị