Aa

Những dự án “đắp chiếu” được hồi sinh năm 2017 giờ ra sao?

Thứ Bảy, 30/12/2017 - 06:01

Từ đầu năm 2017 tới nay, đã có nhiều dự án bất động sản đắp chiếu tại TP.HCM được tái khởi động bằng những dòng vốn mới. Tuy nhiên, không phải dự án cũng được hồi sinh thành công.

Dự án River Panorama dù được hồi sinh thành công, nhưng vẫn chật vật trong việc mở bán. Ảnh: Gia Huy.

Dự án River Panorama dù được hồi sinh thành công, nhưng vẫn chật vật trong việc mở bán. Ảnh: Gia Huy.

Nhiều dự án được bơm tiền hồi sinh

Sau Dự án Kenton Node, ngày 29/7, An Gia Investment cũng chính thức hồi sinh Dự án Khu dân cư phức hợp Lacasa (quận 7 TP.HCM) sau khi mua lại toàn bộ dự án đắp chiếu từ 2011 này của Tập đoàn Vạn Phát Hưng. Sau khi mua lại dự án này, An Gia Investment đổi tên thành Dự án River Panorama.

Trước đó, Dự án Kenton Residences trên trục đường Nguyễn Hữu Thọ (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM) do Công ty TNHH Xây dựng sản xuất thương mại Tài Nguyên làm chủ đầu tư cũng được tái khởi động với tên gọi mới Kenton Node. Dự án xuất hiện từ năm 2009, gồm 9 tòa nhà, với 1.640 căn hộ cao cấp, tổng vốn đầu tư lên đến 300 triệu USD. Sau khi xây dựng, chủ đầu tư đã mở bán được 100 căn hộ với giá 2.000 đồng/m2, nhưng sau đó để dự án đắp chiếu trong thời gian dài.

Tháng 4 vừa qua, Tài Nguyên công bố có trong tay hơn 1.600 tỷ đồng và tái khởi động dự án này với sản phẩm “độc” trong khuôn viên là nhạc nước nghệ thuật. Hiện một số block trong dự án đã hoàn thiện phần thô hoặc móng.

Trước đó nữa, tháng 3/2017, Hưng Thịnh Land đã mở bán Dự án Moonlight Park View tại phường An Lạc A, quận Bình Tân, TP.HCM. Đây không phải là dự án mới, mà đây là dự án đắp chiếu nhiều năm trời của Công ty BCCI Bình Chánh sau khi xong móng và 2 tầng nổi, được Hưng Thịnh Land mua lại.

Cũng vào tháng 3, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chính thức thâu tóm dự án “chết đứng” gần 20 năm mang tên Thuận Kiều Plaz tại quận 5, TP.HCM. Thuận Kiều Plaza do Công ty Xây dựng thương mại Sài Gòn 5 hợp tác cùng Công ty Kings Harmony Intl Ltd (Hồng Kông) xây dựng, tổng vốn đầu tư gần 60 triệu USD. Dự án gồm 3 tòa tháp có chức năng căn hộ (gần 650 căn), văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại - giải trí, nhà xe và các tiện ích khác. Nhưng sau khi hoàn thành, dự án lại ế ẩm, hoang tàn, bên trong cao ốc xơ xác...

Ngoài ra, còn hàng loạt dự án bất động sản “chết lâm sàng” khác tại TP.HCM đang trong quá trình đợi nhà đầu tư “bơm tiền” để hồi sinh như dự án tòa tháp 41 tầng Saigon One Tower (quận 1), 584 Lilama (đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú), hay dự án cao ốc văn phòng và căn hộ cao cấp DB Tower (số 141 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh).

Trong đó, Saigon One Tower được khởi công năm 2007, từng được giới thiệu là dự án khủng với nguồn vốn đầu tư khoảng 256 triệu USD (gần 5.000 tỷ đồng) được xây dựng trên khu đất có diện tích 6.672 m2 với 5 tầng hầm và 41 tầng cao, tổng diện tích sàn 127.126 m2. Dự kiến sau khi hoàn thành, Saigon One Tower sẽ là tòa nhà cao thứ ba tại TP.HCM (trên 195 m).

Tuy nhiên, sau 2 năm khởi công, dự án rơi vào bế tắc và ngừng thi công từ cuối 2011 sau khi đã hoàn thành 80% công việc. Còn Dự án DB Tower được khởi công xây dựng từ năm 2010, đến giữa năm 2012 đã đổ xong phần sàn thô, nhưng dừng thi công từ đó và đang trong tình trạng không có ngày hoàn thành.

Dự án Kenton Residences vẫn chưa thể hồi sinh dù bơm 1.600 tỷ đồng.p/Ảnh: Gia Huy.

Dự án Kenton Residences vẫn chưa thể hồi sinh dù bơm 1.600 tỷ đồng. Ảnh: Gia Huy.

Bên cạnh công trình DB Tower còn có dự án tòa nhà văn phòng V-Ikon cũng đang trong hoàn cảnh tương tự. Dự án nằm trên 2 mặt tiền đường là Điện Biên Phủ và Phan Chu Trinh nối dài, được thiết kế độc đáo với hình tượng chữ V cao 125,8 m, tượng trưng cho tên của chủ đầu tư là Việt Thuận Thành. Hiện nay, dự án này đang bị “đắp chiếu” vì chủ đầu tư không còn khả năng tài chính để tiếp tục hoàn thiện.

Tương tự, dự án căn hộ PetroVietnam Landmark Tower đang vắng tanh do chủ đầu tư là Công ty cổ phần Bất động sản Xây lắp dầu khí Việt Nam không còn khả năng tài chính để tiếp tục hoàn thiện, hay Khu đô thị Đại học Quốc tế và Trung tâm tài chính quốc tế tại huyện Củ Chi… cũng đang được chủ đầu tư chạy vạy khắp nơi để mong dự án được khởi động lại.

May mắn hồi sinh nhưng vẫn sống thực vật

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, trong giai đoạn suy thoái của thị trường bất động sản giai đoạn 2009 - 2013, TP.HCM có hơn 14.000 căn hộ tồn kho với khoảng 500 dự án đang tạm ngưng triển khai. Đây chính là cơ hội cho hoạt động chuyển nhượng dự án (M&A) diễn ra sôi động.

“Nhờ M&A, bên bán sẽ giải quyết được khó khăn tài chính, bên mua giảm được chi phí đầu tư và thời gian thực hiện, người mua nhà không lo bị mất nhà, còn thị trường sẽ giảm được lượng tồn kho”, ông Châu nói.

Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng lọt vào mắt nhà đầu tư để thực hiện M&A, thậm chí cả những dự án về với chủ mới cũng chưa chắc đã hồi sinh thành công. Chẳng hạn, được bơm 1.600 tỷ đồng, tưởng như Dự án Kenton Residences sẽ nhanh chóng được hồi sinh, nhất là khi chủ đầu tư tiến hành làm nhà mẫu cho khách hàng thăm quan. Thời điểm đó, nhân viên tư vấn bán hàng dự án cho biết, ngày 12/8, Dự án sẽ mở bán chính thức với mức giá 40 triệu đồng/m2 căn hộ diện tích 85 - 140 m2, nhưng khách quan tâm có thể đóng ngay 100 triệu đồng để giữ chỗ.

Để hút khách hàng, chủ đầu tư rót tiền đầu tư tiện ích khủng là show nhạc nước nghệ thuật trị giá 3 triệu USD. Tuy nhiên, tới nay, trở lại công trường dự án này, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản vẫn thấy không có động thái nào cho thấy dự án sẽ được triển khai.

Khó khăn trong việc hồi sinh của dự án này, theo giới phân tích là do vị trí xa trung tâm, nằm trên trục đường kẹt xe liên miên; giá thành quá cao, lịch thanh toán 5%/tháng hơi nặng, trong khi một số dự án đang đưa ra lịch thanh toán 1%/tháng; khách hàng lo ngại công trình bị xuống cấp do phơi mưa nắng nhiều năm... và đặc biệt nhất là diện tích căn hộ quá lớn. Chính vì vậy, theo thông tin mà phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản nhận được, chủ đầu tư dự án đang xin phép được thay đổi thiết kế và diện tích căn hộ nhỏ lại để dễ bán.

Còn đối với Dự án River Panorama, dù giao dịch vẫn diễn ra và dự án đang trong giai đoạn làm móng, nhưng cái khó nhất của dự án này cũng đến từ vị trí. Dự án nằm trên đường Đào Trí và Hoàng Quốc Việt, tuyến đường nhỏ, ngắn lại gánh khoảng 10 dự án chung cư, với lượng căn hộ lên tới hàng chục ngàn căn, cùng tình trạng ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường ở quận 7 khiến nhiều khách hàng còn e ngại. Do đó, theo giới phân tích, với mức giá từ 35 - 42 triệu đồng/m2, việc bán hết hàng ở dự án này cũng không phải điều dễ.

Còn Thuận Kiều Plaza, sau khi được Vạn Thịnh Phát thay đổi lớp áo bên ngoài của 3 toàn nhà, hiện nay vẫn không có giao dịch bán căn hộ, mà chỉ có khu trung tâm thương mại bên dưới hoạt động.

Trong các dự án hồi sinh, dự án Moonlight Park View thành công nhất khi đã bán hết hàng và hiện đã được Hưng Thịnh Land tiến hành xây dựng tới tầng 10.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top