Aa

Chật vật hồi sinh chuỗi dự án mang tên AZ Land

Thứ Ba, 25/07/2017 - 07:02

Ông Bùi Viết Sơn – Chủ tịch HĐQT AZ Land từng thừa nhận sai lầm của ông là đã đầu tư dàn trải khiến dự án nào cũng dở dang, và từ đó ông quyết tâm vực dậy các dự án lầm lỡ một thời.

Dự án AZ Lâm Viên Complex nằm bất động cho đến khi thay nhà thầu BIDCONS.

Dự án AZ Lâm Viên Complex nằm bất động cho đến khi thay nhà thầu BIDCONS.

Để chứng minh cho hành động của mình, cuối năm 2013, AZ Land tuyên bố thay đổi nhà thầu thi công và tái khởi động lại dự án đầy tai tiếng là CT1 Vân Canh.

Sự kiện khiến nhiều người bất ngờ và các khách hàng dự án này không khỏi hồ nghi bởi cho đến lúc tái khởi động dự án, AZ Land vẫn bị nhiều khách hàng đã đóng tiền mua nhà tại CT1 Vân Canh đòi rút vốn. Trong khi trước đó, AZ Land cũng bị nhà thầu xây dựng tại dự án này kiện ra tòa vì chậm thanh toán hợp đồng xây dựng.

Không chỉ gây bất ngờ với việc tái khởi động lại Dự án CT1 Vân Canh, AZ Land tiếp tục có những động thái được cho là khá quyết liệt khi thay đổi nhà thầu thi công tại Dự án AZ Lâm Viên Complex trên đường Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy).

Lý do thay đổi được cho là nhằm đẩy mạnh tiến độ triển khai dự án. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng tái khởi động một dự án tai tiếng khác nữa là Dự án AZ Sky Định Công trong thời gian gần đây.

Quá trình hồi sinh

Ông Sơn cho biết, đối với dự án AZ Lâm Viên, AZ Land may mắn tìm được đối tác cùng hợp tác đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư Lạc Hồng. Nhà thầu xây dựng này đã chấp nhận tài trợ vốn để tiếp tục triển khai dự án khi nhận thấy triển vọng kinh doanh của dự án này khá ổn do nằm ở vị trí đắc địa tại ngã 3 đường Nguyễn Phong Sắc – Trần Đăng Ninh (quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Dù thay đổi nhà thầu từ Lạc Hồng thành BIDCONS nhưng xem ra tiến độ vẫn không khá khẩm hơn.

Dù thay đổi nhà thầu từ Lạc Hồng thành BIDCONS nhưng xem ra tiến độ vẫn không khá khẩm hơn.

Đối với dự án CT Number One Vân Canh, nguồn vốn để xây dựng đã được thu xếp ổn thoả do AZ Land đã ký kết hợp đồng tài trợ toàn bộ vốn cho dự án với Ngân hàng Agribank Nam Hà Nội. Đồng thời, Ngân hàng này sẽ chuyển tiền trực tiếp cho nhà thầu thi công theo tiến độ xây dựng mà không cần thông qua chủ đầu tư. Chính vì thế, nhà thầu BID cũng đã nhảy vào cuộc để đẩy nhanh tiến độ thi công.

Ngoài các đối tác là Agribank và nhà thầu BID thì CT Number One Vân Canh còn có sự tham gia của một “ông lớn” trong lĩnh vực phân phối BĐS là Siêu thị dự án (STDA).

Giải cứu vực dậy dự án là một chuyện, khi không có người mua, những chủ doanh nghiệp như ông Sơn lại phải xoay sang phương án khác là cầu cứu ngân hàng.

Nhờ nỗ lực xin chuyển đổi dự án Bright City sang nhà ở xã hội mà AZ Land đã tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng của Chính phủ thông qua Ngân hàng BIDV – Chi nhánh Tây Hà Nội. Đối với dự án CT Number One Vân Canh, AZ Land buộc phải vay thương mại từ Ngân hàng Agribank – Chi nhánh Nam Hà Nội. Nhưng để được ngân hàng giải ngân, AZ Land buộc phải chấp nhận luật chơi do ngân hàng đặt ra. Đó là, Agribank không trực tiếp trao tiền cho AZ Land mà trả tiền cho nhà thầu theo tiến độ dự án.

Ông Đặng Tiến Dũng, Giám đốc Agribank – Chi nhánh Nam Hà Nội cho biết, đây là lần đầu tiên ngân hàng áp dụng cơ chế này. Nhờ đó, ngân hàng kiểm soát được dòng tiền, đảm bảo tiền vay được sử dụng với mục đích duy nhất là xây dựng dự án CT Number One. Cách làm này cũng khiến nhà thầu là BID yên tâm mua vật tư và triển khai xây dựng vì không sợ chủ đầu tư thiếu nợ.

Nhưng vẫn chật vật

Kinh nghiệm từ ông Sơn cho thấy, giải quyết ổn thỏa với các khách hàng đã mua là vấn đề đau đầu đối với các dự án tái khởi động. Ông Sơn không ngần ngại nói thẳng rằng, rất nhiều khách hàng trước đây mua với mục đích đầu cơ và khi thị trường lao dốc, họ thấy không còn lợi nhuận nên tìm mọi cách rút vốn.

Đối với những khách hàng này, cách xử lý là chấp nhận cho họ rút vốn theo lộ trình. Còn với những khách hàng vẫn quyết tâm mua nhà, chủ đầu tư sẽ đưa ra nhiều ưu đãi như hy sinh lợi nhuận để giảm giá bán xuống mức thấp nhất, đồng thời sẵn sàng trả lãi cho thời gian chậm bàn giao.

Dù đã bàn giao nhà nhưng cư dân CT Number One Vân Canh vẫn treo băng rôn yêu cầu chủ đầu tư cấp sổ hồng.

Dù đã bàn giao nhà nhưng cư dân CT Number One Vân Canh vẫn treo băng rôn yêu cầu chủ đầu tư cấp sổ hồng.

Ông cho biết, để những người mua cũ chấp nhận ở lại, đồng thời thu hút được người mua mới có nhu cầu nhà ở thực sự, năm 2015, AZ Land đã chấp nhận giảm giá bán CT Vân Canh xuống mức 11-12 triệu đồng/m2, tức là thấp ngang bằng, thậm chí rẻ hơn một số dự án nhà ở xã hội. “Với mức giá này chúng tôi không còn lãi,” ông Sơn khẳng định.

Đối với những dự án có vấn đề thì không chỉ khách hàng mà ngân hàng, nhà thầu, nhà cung cấp vật liệu xây dựng cũng ngại nhúng tay vào. Nhưng bằng cách làm mới, AZ Land đã lấy lại được lòng tin của tất cả các bên, và BIDV cũng vì thế quyết tâm ứng vốn để triển khai dự án.

Tuy nhiên, đã là thị trường thì không ai biết trước được điều gì. Các dự án của AZ Land dường như được hồi sinh suôn sẻ thì hai dự án lại rơi vào khó khăn.

AZ Lâm Viên sau khi may mắn tìm được đối tác cùng hợp tác đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư Lạc Hồng thì công ty này cũng chỉ hoàn thành thêm được 10 tầng của dự án (14/16 tầng theo giấy phép xây dựng), sau đó lại dừng thi công cho đến bây giờ.

Đầu năm 2017, lại một lần nữa dự án thay đổi nhà thầu từ Lạc Hồng thành BIDCONS nhưng tiến độ vẫn không khá khẩm hơn. Công trường vẫn lặng im, nhân công thì lác đác… Xem ra chặng đường hồi sinh dự án còn gặp nhiều khó khăn.

Bright City đang trong giai đoạn tăng tốc mạnh mẽ thì cũng là lúc ngân hàng không còn dòng vốn cho vay mua nhà ở xã hội khiến dự án của ông lại hoạt động cầm chừng.

Bright City đang trong giai đoạn tăng tốc mạnh mẽ thì cũng là lúc ngân hàng không còn dòng vốn cho vay mua nhà ở xã hội khiến dự án của ông lại hoạt động cầm chừng.

Còn dự án Bright City đang trong giai đoạn tăng tốc mạnh mẽ thì cũng là lúc ngân hàng không còn dòng vốn cho vay mua nhà ở xã hội khiến dự án của ông dù có tiến độ tốt nhưng vẫn không tìm được khách hàng mua căn hộ.

“Nhà ở xã hội có đặc thù là phụ thuộc vào chính sách, gần như toàn bộ khách hàng đều trông chờ vào việc hỗ trợ vay vốn ưu đãi để mua nhà vì thế, khi chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi không còn thì nhà ở xã hội có rất ít khách hỏi mua. Do vậy nhà nước sớm ban hành một dòng tín dụng để cho người nghèo có cơ hội mua nhà” – ông Sơn buồn bã cho biết.

Có lẽ, không chỉ ông Sơn mà nhiều chủ đầu tư khác muốn vực dậy dự án không còn con đường nào khác ngoài việc chấp nhận hạ giá bán, thậm chí đến mức không còn lợi nhuận thì mới mong lấy được lòng tin của khách hàng. Hoặc họ sẽ phải chấp nhận bán cả dự án với giá rẻ, để ngân hàng phát mại, nếu không họ sẽ còn phải ngồi chứng kiến những cọc sắt chồi ra từ các cột bê tông hoen gỉ thêm từng ngày.

Và với AZ, nếu không có khủng hoảng thì với các dự án ở những vị trí đắc địa AZ Land rất có thể giờ đã trở thành một “ông lớn” trong ngành BĐS./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top