Aa

Những khó khăn cần tháo gỡ của Doanh nghiệp Bất động sản tỉnh Quảng Nam

Thứ Bảy, 17/06/2023 - 13:00

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đã có những kiến nghị, đề xuất đến lãnh đạo tỉnh Quảng Nam để tháo gỡ những nút thắt đang gặp phải hiện nay…

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam, đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản, công tác đền bù giải phóng mặt bằng là một trong những khó khăn đầu tiên.

Doanh nghiệp bất động sản ở Quảng Nam đang gặp những khó khăn gì?
Vướng mắc giải phóng mặt bằng là một trong những rào cản hiện nay của nhiều doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: Đông Duy)

Vấn đề pháp lý và công tác giải phóng mặt bằng tạo rào cản lớn

Trong đó, xuất phát từ việc các hộ dân ảnh hưởng đất nông nghiệp nhưng yêu cầu bố trí đất tái định cư. Dù các cấp chính quyền, đơn vị liên quan đã tổ chức họp vận động, đối thoại nhiều lần nhưng người dân vẫn chưa đồng ý nhận tiền, bàn giao mặt bằng. Nhiều trường hợp tranh chấp đất đai rất khó giải quyết, các hộ dân không đồng ý hoà giải nên thủ tục thu hồi đất cũng gặp nhiều trở ngại. Quy trình, thủ tục cưỡng chế thu hồi đất kéo dài gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Về đơn giá bồi thường, theo như quy định hiện hành là quá thấp, dẫn đến việc không nhận được sự đồng thuận của các hộ dân bị ảnh hưởng tại các dự án, các hộ dân không đồng ý theo phương án được duyệt, không nhận tiền bồi thường và đòi hỏi với mức giá cao gấp 5 đến 7 lần so với giá quy định. Đơn cử nhiều trường hợp đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ nhưng không đồng ý bàn giao mặt bằng để thi công xây dựng dự án. Một số hộ dân có đất bị ảnh hưởng của 2 dự án, một dự án do doanh nghiệp đang thực hiện và một dự án đầu tư công chưa thực hiện, yêu cầu 2 dự án triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng cùng lúc để người dân ổn định đời sống và bố trí lại đất tái định cư. Bên cạnh đó là công tác quản lý hiện trạng chưa được đảm bảo, dẫn đến tình trạng tái lấn chiếm, xây dựng trái phép…

Về pháp lý, nhiều quy định hiện nay cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp như việc vừa phải bỏ ra chi phí để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng vừa phải nộp tiền sử dụng đất cùng lúc, nhưng chưa được trừ chi phí giải phóng mặt bằng là một gánh nặng lớn với các chủ đầu tư. Theo đó, chi phí giải phóng mặt bằng chỉ được trừ vào tiền sử dụng đất khi hoàn thành xong việc quyết toán giải phóng mặt bằng, và mỗi dự án chỉ được quyết toán không quá 2 lần.

Với thực tế hiện nay, việc hoàn thiện 100% công tác giải phóng mặt bằng để quyết toán giải phóng mặt bằng cho toàn dự án là một việc đòi hỏi rất nhiều thời gian, có khi kéo dài hơn 10 năm. Như vậy, những chi phí giải phóng mặt bằng mà chủ đầu tư đã bỏ ra phải bị treo khi nộp vào ngân sách chiếm thời gian dài, trong khi nguồn vốn của doanh nghiệp lại bị thiếu hụt nghiêm trọng. Đồng thời, trong thời điểm mà các doanh nghiệp đang ở tình thế ngàn cân treo sợi tóc, nhưng tỉnh Quảng Nam chưa áp dụng các hình thức gia hạn thời gian nộp thuế, giãn nợ thuế, miễn tiền chậm nộp thuế...

Doanh nghiệp bất động sản ở Quảng Nam đang gặp những khó khăn gì?
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam kiến nghị tháo gỡ nút thắt về nghĩa vụ tài chính để doanh nghiệp bất động sản bớt “gánh nặng”.

Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc đã nêu, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam đã có những đề xuất, kiến nghị đến Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh Quảng Nam. Theo đó, lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam đề xuất đối với các dự án gia hạn tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng (lỗi do địa phương - PV) thì việc gia hạn tiến độ không cần lấy ý kiến của các sở, ngành mà địa phương xác nhận rồi trình Sở Kế hoạch và Đầu tư để sở này trình lên tỉnh, vì việc lấy ý kiến sở, ngành mất vài tháng hoặc có khi gần hết tiến độ gia hạn. Cùng với đó, cho phép chủ đầu tư khấu trừ tiền giải phóng mặt bằng vào tiền sử dụng đất phải nộp mà không đợi đến khi quyết toán để giảm tải áp lực về nguồn vốn cho chủ đầu tư.

Đối với những dự án không thực hiện theo đúng quy định của tỉnh về công tác giải phóng mặt bằng do khó khăn trong công tác vận động của địa phương với hộ dân trong vùng giải toả, cần có chủ trương cho phép sớm gia hạn thời gian thực hiện dự án và điều chỉnh quy hoạch cục bộ 1/500, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện dự án. Kiến nghị địa phương cho các dự án bất động sản chậm nộp tiền sử dụng đất và không phạt chậm nộp tiền thuế đất tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động, tháo gỡ khó khăn tài chính, vì tiền sử dụng đất rất lớn. Đẩy nhanh công tác bàn giao đưa vào sử dụng đối với các dự án đã hoàn thành để giảm thiểu các chi phí phát sinh cho nhà đầu tư…

Tìm giải pháp đưa thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững

Đối với lĩnh vực bất động sản, thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã có nhiều chỉ đạo liên quan đến việc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Doanh nghiệp bất động sản ở Quảng Nam đang gặp những khó khăn gì?
Quảng Nam sẽ tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn một “chiến dịch” vì sự phục hồi và phát triển của các doanh nghiệp và tỉnh Quảng Nam.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, các sở, ban, ngành liên quan huy động các tổ chức, chuyên gia để định giá đất theo thẩm quyền, đúng quy định pháp luật; trường hợp khó khăn, vướng mắc, kịp thời có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn, giải quyết. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để thực hiện việc giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư, đảm bảo sớm đưa đất vào sử dụng, phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp, các sở, ngành, địa phương liên quan rà soát, thống kê số lượng các dự án bất động sản đang triển khai trên địa bàn; phân loại các dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc; chủ động làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp, từng dự án có vướng mắc hoặc triển khai chậm để xác định rõ các nguyên nhân, kịp thời tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền hoặc tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết. Đồng thời, rà soát, tổng hợp các vướng mắc thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội trong đó chỉ rõ các điều khoản của quy định, văn bản là nguyên nhân của các vướng mắc để tham mưu UBND tỉnh báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư để sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án đảm bảo tiến độ. Đối với các dự án kéo dài do vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư cần rà soát, đánh giá để điều chỉnh quy hoạch chi tiết, điều chỉnh nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư theo đúng quy định và tình hình thực tế.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị kiên quyết khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, rút ngắn thời gian xử lý và nâng cao hiệu lực, hiệu quả; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ; đồng thời, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 974/QĐ-UBND ngày 16/5/2023 thành lập Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, do ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, làm Tổ trưởng.

Tổ công tác đặc biệt sẽ tổ chức rà soát, tổng hợp và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh hoặc tham mưu UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết đối với các nội dung vượt thẩm quyền…

Về quy chế hoạt động, Tổ công tác sẽ giải quyết các vấn đề nóng, phức tạp với định kỳ 10 ngày họp Tổ công tác 1 lần để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư. Các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp được chia làm 3 nhóm, theo thứ tự ưu tiên: Doanh nghiệp đang hoạt động; doanh nghiệp đang trong quá trình thi công, triển khai thực hiện dự án; doanh nghiệp đang làm thủ tục đầu tư dự án. Trong 3 nhóm này chia thành các lĩnh vực: Công nghiệp, Du lịch, Thương mại dịch vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bất động sản, Xây dựng kết cấu hạ tầng.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh rằng, các thành viên Tổ công tác và lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương cần xem việc hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp từ nay đến ngày 31/12/2023 như thực hiện một “chiến dịch” vì sự phục hồi và phát triển của các doanh nghiệp và tỉnh Quảng Nam, thể hiện quan điểm nhất quán đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà trong mọi hoàn cảnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top