Timeshare dịch theo tiếng Việt có nghĩa là “sở hữu kỳ nghỉ”. Hình thức này đã vượt qua mọi giao dịch thông thường của BĐS và trở thành một định nghĩa mới hoàn toàn trong phát triển BĐS du lịch, nghỉ dưỡng.
Thuật ngữ timeshare khá phổ biến trên thế giới. Khoảng 50 năm trước, hình thức timeshare lần đầu tiên xuất hiện với việc chia sẻ quyền sử dụng chiếc máy tính của hãng IBM - một tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực công nghệ máy tính đa quốc gia và có trụ sở tại Armonk, New York, Mỹ.
Hình thức này giúp cho các doanh nghiệp có thể sở hữu và sử dụng được cỗ máy khổng lồ của mình trong một khoảng thời gian nào đó mà không tốn nhiều chi phí. Timeshare được ra đời với ý nghĩa nhằm chia sẻ thời gian sử dụng sản phẩm với người khác.
Sau này, ý tưởng về “chia sẻ thời gian” được áp dụng trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn và resort nghỉ dưỡng.
Thời gian qua, thị trường BĐS du lịch, nghỉ dưỡng Việt Nam cũng đã xuất hiện loại hình đầu tư timeshare... Tuy nhiên do loại hình mới nên khi ra đời đã xuất hiện những vướng mắc pháp lý.
Nhiều nước trên thế giới đến nay đều đưa ra các quy định riêng cho mô hình này. Nhiều nước đã có luật riêng như Anh và một số bang của Mỹ. Nhiều nước ở châu Âu thì cũng đưa ra các bản quy định mang tính hướng dẫn cho mô hình riêng biệt này. Một số quốc gia khác thì đã tiếp cận theo hướng bổ sung các quy định về bảo vệ người tiêu dùng trong timeshare hay là vận dụng nguyên tắc bảo đảm cạnh tranh công bằng để xử lý vấn đề.
Ngoài việc thiếu quy định về điều kiện kinh doanh kỳ nghỉ như trên, có thể thấy Việt Nam hiện tại vẫn đang thiếu một khung pháp lý tương thích cho mô hình này.
Luật sư Nguyễn Phú Thắng - chuyên gia tư vấn và giải quyết tranh chấp về kinh doanh BĐS (Hãng luật Intercode, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: "Timeshare được hiểu là hoạt động mua quyền sở hữu một BĐS trong khoảng thời gian nhất định tại địa điểm được lựa chọn, giúp người sử dụng có thể tận hưởng một kỳ nghỉ trọn vẹn bên gia đình và người thân tại khu resort, khách sạn sang trọng và tiện nghi.
Song, dưới góc nhìn pháp lý, nổi cộm lên một số tồn tại cho loại hình sở hữu kỳ nghỉ hay timeshare được thực hiện bởi các chủ thể nước ngoài hoặc “nhân danh” nước ngoài.
Nguy hiểm nhất là có một khoảng trống pháp lý phục vụ quản lý nhà nước cũng như để bảo vệ bên yếu thế trong các giao dịch timeshare. Không thể để cho một tổ chức, cá nhân nước ngoài thông qua một doanh nghiệp Việt Nam huy động tiền của hàng ngàn thậm chí hàng vạn người mà thiếu sự bảo vệ của pháp luật, ngoài những cảm kết “bằng mồm” của các nhân viên tư vấn.
Theo luật sư Nguyễn Phú Thắng, các điều khoản của thỏa thuận, hợp đồng luôn có lợi cho Bên cung cấp dịch vụ, khách hàng là người bỏ tiền thường chịu nhiều quy định bất lợi hoặc bị tước nhiều quyền mà không nhận thức được.
"Mặc dù trên thế giới, những ưu điểm của loại hình timeshare đã được thừa nhận rộng rãi từ lâu, song ngay tại châu Âu, các công ty cung cấp dịch vụ kiểu này bị chính phủ cảnh báo về dấu hiệu lừa đảo, gian lận chiếm một tỷ lệ không hề nhỏ. Do vậy, Việt Nam không thể để các tổ chức, cá nhân núp bóng, trá hình huy động vốn trái pháp luật ngay tại các văn phòng năm sao sang trọng mà họ dựng lên" - ông Thắng chia sẻ.
Đồng thời, hai văn bản liên quan là Luật Thương mại và Luật Du lịch đều bỏ trống cho mô hình này. Quy định về cung ứng dịch vụ trong Luật Thương mại cho đến thời điểm hiện nay chỉ có thể áp dụng đối với các giao dịch cung ứng dịch vụ lần đầu, còn giao dịch “bán lạị” kỳ nghỉ (hay là cung ứng lại dịch vụ) vẫn chưa được dự liệu. Thậm chí, ngay cả Luật Du lịch mới vừa được Quốc hội thông qua trong tháng 6 thì sở hữu kỳ nghỉ vẫn là... câu chuyện của ai đó.
Ngoài ra nếu như Bộ luật Dân sự hoàn toàn thả trôi các mối quan hệ này cho các quyền tự quyết đó thì cơ sở pháp lý nào sẽ được dùng để định vị cho tính hợp pháp cũng như làm chuẩn mực để giải quyết các vấn đề phát sinh.
Đơn cử, để lại thừa kế... kỳ nghỉ cho người khác được hợp đồng ghi nhận, và là quyền được để lại thừa kế theo... hợp đồng. Bộ luật Dân sự liệu có đủ sức để bảo đảm quyền được để lại và hưởng thừa kế đó hay nếu có sự xung đột sau đó là vấn đề cực kỳ nan giải với khoảng trống quy định hiện nay. Bởi lẽ, ngay cả câu hỏi liệu quyền sở hữu kỳ nghỉ có phải là “quyền tài sản khác” được định vị trong điều 115 Bộ luật Dân sự 2015 hay không cho đến nay vẫn chưa thể trả lời một cách chắc chắn.
Trước những khoảng trống pháp lý đầy rủi ro này, khách hàng có lẽ chỉ còn cách phải thật tỉnh táo khi đặt bút ký hợp đồng. Như thạc sỹ - Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP. HCM) khuyến cáo, hình thức timeshare chỉ phù hợp khi cần và đủ như: người sở hữu thật sự có nhiều tiền để đầu tư và không sử dụng vốn vay, người hay đi du lịch nghỉ dưỡng, địa điểm biệt thự có khách du lịch thường xuyên và ổn định, không thuộc khu vực bão to sóng lớn, công ty quản lý không chỉ nổi cồn “thương hiệu” mà phải có hiệu quả khai thác thực tế.